Nhà thờ họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên (Phong Hòa)
Lê Văn là một trong những dòng họ đến khai phá đầu tiên ở làng Mỹ Xuyên (lúc đó có tên là Đa Cảm), thuộc huyện Trà Kệ. Các vị tổ họ Lê đã từng lãnh đạo công việc mở mang đất đai, được nhân dân tín nhiệm và liên tục được cử làm xã trưởng thay mặt dân làng giải quyết mọi công việc với cấp trên, vì thế dòng họ Lê được mệnh danh là “thủ tộc” - tức là họ đứng đầu của làng Mỹ Xuyên.
Nhà thờ họ Lê Văn là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống theo phong cách nhà rường dân gian xứ Huế với kết cấu theo kiểu ba gian hai chái, có hệ thống cột hàng tư, kết nối với các vì kèo, xuyên, trến, bao lam, kẻ, bẫy... với các đồ án hoa văn tứ linh: long, lân, quy, phụng, Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, hoa lá cách điệu... Có thể nói rằng công trình này là kết tinh những gì tinh tế và khéo léo nhất từ bàn tay và khối óc của những nghệ nhân điêu khắc làng Mỹ Xuyên thế kỷ XIX.
Ngôi nhà thờ này hiện vẫn còn bảo lưu được hiện vật thờ cúng (tự khí) có giá trị. Ngoài những hiện vật bằng đồng như bộ tam sự, ngũ sự, còn có các hiện vật bằng gỗ được chế tác rất tinh xảo như án thờ, bài vị, lỗ bộ và các vật dụng khác dùng trong lễ tế ngày xưa như quả bồng, mâm gỗ vuông..., đặc biệt là các bộ tượng qui hạc (hạc đứng trên lưng rùa) đặt trên hương án rất đẹp.
Hai bảng gỗ gắn ở thượng lương của hai gian tả hữu nhà thờ đã cho biết chính xác niên đại xây dựng và các thời điểm trùng tu di tích.
Bảng gỗ thứ nhất ghi:
Từ đường cát cuộc: Nguyên cựu toạ Càn, hướng Tốn, kiêm Tuất Thìn. Phân châm Bính Tuất - Bính Thìn. Tư tái cải kiêm Hợi Tỵ, phân châm Canh Tuất - Canh Thìn.
Nghĩa là: Công cuộc tốt đẹp về việc xây dựng từ đường: Nguyên cũ trước đây, hướng của từ đường ngồi ở Tây Bắc trông hướng Đông Nam kiêm Đông Đông Nam. Phân kim Bính Tuất - Bính Thìn. Bây giờ làm lại thay đổi hướng (Đông Nam) kiêm Nam Đông Nam. Phân kim Canh Tuất - Canh Thìn.
Bảng gỗ thứ hai ghi:
Tự Đức tam thập tứ niên tuế thứ Tân Tỵ, cẩn quyên lục nguyệt, thập cửu nhật, Ngọ khắc khởi công. Bát nguyệt sơ thập nhật, Sửu khắc thụ trụ thượng lương.
Bảo Đại thập tam niên, chính nguyệt, tuế thứ Mậu Dần nhưng cựu hướng đại sùng tu.
Nghĩa là: Năm Tự Đức thứ 34 (1881), cẩn thận lựa chọn ngày tháng tốt đẹp, vào giờ Ngọ, ngày 19 tháng 6 khởi công. Đến giờ Sửu, ngày mồng mười tháng 8 dựng trụ thượng lương (khắc tiếp ngày tháng trùng tu). Năm Bảo đại thứ 13 (1938) theo đúng hướng cũ, (để tiến hành) đại trùng tu.
Như vậy, ngôi nhà thờ họ này được xây dựng từ năm Tự Đức thứ 34 (1881) trên nền ngôi nhà thờ cũ theo hướng Đông Nam, nhưng có xê dịch hướng một chút. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938), ngôi nhà thờ được đại trùng tu theo đúng hướng cũ (tức là hướng trước năm 1881). Vì vậy hiện nay hướng nhà thờ này nhìn bị lệch so với la thành (xây vào năm 1881). Bên ngoài tường (phía trước) nhà thờ còn có dòng chữ ghi: Tân Sửu niên tái tu, tức ngôi nhà thờ này được tu sửa lại một lần nữa vào năm Tân Sửu (1961).
Di sản Hán Nôm gắn liền với kiến trúc nhà thờ phần lớn là các hoành phi, câu đối làm bằng gỗ với nội dung ca ngợi công đức tổ tiên, thể hiện tấm lòng thành kính của các thế hệ con cháu đối với các bậc tiền nhân đã có công vun đắp, gầy dựng nên dòng họ.
Đăc biệt có câu đối:
“Bạch quyến minh công thùy đới lệ,
Hoàng triều niệm đức kỷ kiêm tương”.
Dịch nghĩa:
Lụa trắng ghi công cùng sông núi,
Hoàng triều nhớ đức chép sử xanh.
Đây là câu đối ghi công đức vị tổ đầu tiên của dòng họ là ông Lê Cá, một trong những người đầu tiên vào khai phá lập nên làng Mỹ Xuyên. Sau đó ông trở lại quê nhà đưa hài cốt của thân phụ vào an táng nơi quê mới. Sau một thời gian, ông nhận thấy ruộng đất trong làng ít mà dân số ngày càng đông, nên đã khởi xướng việc tái khẩn hoang vùng ruộng Ma Nê (trước đó người Chăm đã từng canh tác). Trong quá trình khai hoang, ông đã cắt lấy thân chiếc áo trắng của mình đang mặc để vẽ bản đồ và ghi chép diện tích số ruộng đã khai phá được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét