14/3/17

Thơ ca dân gian

             Thơ ca dân gian ở Phong Điền rất dồi dào về số lượng tác phẩm và có đủ các thể lọai từ tục ngữ, câu đố đến ca dao, hò vè... Từ vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng đến vùng ven biển, ven đầm phá, người dân các làng quê thời nào cũng dùng câu hò, điệu hát để làm cho cuộc sống thêm vui, thêm đẹp, giúp cho việc sản xuất, đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn. Các làn điệu dân ca xứ Huế như hò giã gạo, hò mái nhì, mái đẩy, hát ru em, hát lý, chơi đồng dao, chơi bài tới, kể vè đều được người Phong Điền diễn xướng và lưu truyền, phổ biến từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, nơi địa đầu đất Thuận Hoá - Phú Xuân lại sản sinh, vun trồng và phát triển một số loại hình dân ca - sân khấu dân gian đặc sắc, đó là hát sắc bùa, hát trò, tập chèo... Ở các loại hình này, thơ nhạc (làn điệu) và động tác diễn gắn bó, hoà quyện với nhau như hình với bóng. Phần lời nhiều khi được tách ra và được sử dụng như một tác phẩm thi ca độc lập.
              Điều cần nhấn mạnh là thơ ca dân gian Phong Điền suốt bảy trăm năm qua cả ở miền núi cũng như đồng bằng luôn luôn là một dòng chảy liền mạch. Thời xa xưa thì có các câu hò điệu hát về lao động sản xuất, đấu tranh chống áp bức cường quyền, về tình cảm gia đình xã hội... đến thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ lại sản sinh thêm các bài vè đánh giặc, các câu ca binh vận, tiếp vận, cổ vũ đời sống mới.
            Thơ ca dân gian, hiểu theo nghĩa rộng gồm nhiều tác phẩm viết theo thể văn vần. Từ các tác phẩm này, một bức tranh toàn cảnh nhiều sắc màu, nhiều cung bậc về quê hương, đất nước, về lịch sử, cuộc sống và con người của một vùng đất phía Bắc Thừa Thiên Huế đã được vẽ lên bằng những nét rất sinh động. Trước hết, đó là phong cảnh nước non mỹ lệ với núi đồi, sông suối, cát trắng, đồng xanh v.v.. dồi dào sản vật.
- Nước sông Bồ vừa trong vừa mát
Đường Phong An mịn cát dễ đi
- Đi bộ Đường Long
Đi tròng (thuyền) Thế Chí
- Vĩnh An lắm ruộng nhiều trâu
Ưu Điềm, Trạch Phổ trồng rau nuôi tằm
- Thuốc Phong Lai, khoai Thế Chí
Cá chợ Hôm, tôm chợ Sáo, gạo Phong Chương.
          Không chỉ giỏi nghề cấy lúa, trồng rau, nuôi tằm, chăn trâu, đánh cá, người Phong Điền còn tạo nên nhiều nghề thủ công nổi tiếng trong trấn ngoài tỉnh.
- Chạm trổ nổi tiếng Mỹ xuyên
Phước Tích đồ gốm, nghề rèn Hiền Lương
- Đồng Lâm đi rập, đi ràng
Sơn Tùng đan bị hai làng ăn chung.
          Yêu nghề, giỏi nghề cư dân các làng xã đã tích luỹ được biết bao kinh nghiệm về cấy lúa, trồng khoai, chăn tằm, nuôi lợn, đánh cá, mộc, rèn v.v.. 

 - Chó khom lưng vãi cải
Chó lè lãi (lưỡi) vãi mè.
- Làm hay không bằng thay giống
- Sắn trồng buổi mai, khoai trồng buổi chiều.
- Giàu nuôi heo nái, lụn bại nuôi bồ câu
- Sơn lâm chẻ ngược, vườn tược chẻ xuôi.
         Lời thơ trong lớp hát trò Canh mục phần nào đã nói lên lòng mong ước có một cuộc sống yên vui, thanh bình của nhân dân, để họ có thể được thoải mái cấy cày chăm lo cho gia đình, thôn xóm ngày một ấm no, hạnh phúc.
- Trời thung dung, nhàn hạ
Thú vui nghiệp nông tang...
...Nhà nhà đều no ấm
Chúng chúng đặng phồn vinh.
             Mong ước khát khao là vậy, nhưng cuộc sống của người dân cày ở các làng quê thuở xưa không phải bao giờ cũng thuận buồm, xuôi gió, cũng sung sướng thanh nhàn. Họ gặp biết bao trở ngại, vất vả khó khăn, bởi hạn hán lụt lội, bởi mất mùa đói kém, bởi sự áp bóc bóc lột cuả địa chủ cường hào, bởi sưu cao thuế nặng của thực dân, phong kiến...
- Gió Nam thổi kiệt bảy ngày,
Sắn khoai cũng hết, đi vay chả còn.
Vươn lên tất cả những khó khăn trở ngại ấy, những người làm ruộng, đánh cá chăn tằm, đan sàng, đan bị... vẫn đứng vững trên quê nhà của họ, làm ăn và đánh giặc.
- Gà vừa gáy gọi hửng Đông
Người cùng trâu đã ra đồng cấy chiêm
Nước nhà đang lúc ngả nghiêng
Nhà nông vẫn quyết chẳng quên ruộng đồng.
         Nói về đề tài chống phong kiến, đế quốc, ca dao hò vè Phong Điền giai đoạn từ 1858 -1975 có nhiều tác phẩm hay, về nội dung lẫn hình thức đều đạt, ví như các bài Vè Năm đói, vè Phú Lộc, vè Địch vận, vè Áo xanh, vè trận Thanh Hương... Các tác phẩm này không chỉ đề cập đến cuộc sống đầy cam go của cư dân các làng xã thuở xưa, mà còn dựng lên được hình ảnh đẹp đẽ của những con người anh hùng dũng cảm, yêu nước, thương nòi ở một miền quê giàu truyền thống cách mạng.
...Dân tôi khí thế vô cùng
Pháp lay không chuyển, Mỹ rung chẳng rời
Nhà tan, cửa nát chết người
Bom cày, đạn xới không vơi tấc lòng
(Vè Phú Lộc)
         Cần cù, dũng cảm trong lao động, trong đấu tranh, cũng như người Việt Nam, người xứ Huế nói chung, người Phong Điền trong quan hệ gia đình, làng xóm sống rất nghĩa tình. Họ yêu thương, đùm bọc giúp đỡ trong khó khăn hoạn nạn, họ ứng xử với nhau mộc mạc, chân tình, đầy lòng nhân ái, nhân văn. Trai gái yêu nhau thì giữ trọn tình thuỷ chung, son sắt.
- Ăn một miếng trầu năm ba lời dặn
Uống thêm chén nước năm bảy lời trao
Dù mai đây sóng lượn, gió gào
Em cũng giữ trọn niềm tiết hạnh,
chứ không lãng xao nghĩa chàng.
Vợ chồng kết tóc, xe tơ, trăm năm bền chặt cùng lo việc nước cùng gánh việc nhà.
- Đêm năm canh dù sầu trong dạ
Ngày sáu khắc bửng lửng, bơ lơ
Một tay chăm chút mấy đứa con thơ
Chàng ra nơi trận mạc, thiếp đợi chờ chẳng quên.
Còn cháu con thì hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
- Biết răng chừ phụng lại gặp rồng
Đền công ơn phụ mẫu mới đặng lòng hiếu trung.
          Cao hơn nữa là nghĩa đồng bào, là tình nước non. Những ngày đất nước còn mịt mù khói lửa chiến tranh (1946-1975), đồng bào Phong Điền vẫn một lòng thuỷ chung với cách mạng, với Đảng và Bác Hồ kính yêu. Nghĩa chung được đề cao, nhưng tình riêng cũng không quên lãng. Hai phương diện tình nghĩa riêng chung ấy hoà chung làm một, tạo nên sức mạnh và làm nên bao chiến công hiển hách vẻ vang.
- Em ở Thừa Thiên hướng lên miền quốc lộ
Ngó ra ngả rẽ ở phía Đông Hà
Ngày hôm nay Nam Bắc chưa đặng một nhà
Anh cứ yên tâm đi chiến đấu, việc ở nhà đã có em.
- Ai ra Miền Bắc thưa với Bác Hồ
Lòng người Thừa Thiên vẫn tròn vành vạnh
như chiếc nón bài thơ đội đầu.
          Nằm trong tổng thể văn học dân gian xứ Huế, thơ ca dân gian ở Phong Điền có nhiều tác phẩm, nhiều thể loại mà ở các làng xã khác trong xứ cũng có. Một số tác phẩm khác lại có nét tương đồng về đề tài, kết cấu và hình thức diễn đạt. Dù vậy, những tác phẩm do chính người Phong Điền tạo nên mãi mãi vẫn là những đóng góp quý báu vào kho tàng thơ ca dân gian Thừa Thiên Huế nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung.

Theo Dư địa chí Phong Điền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét