Chiến khu Hòa Mỹ
Đáp ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946, từ 2 giờ 30 phút sáng ngày 20-12, quân dân Thừa Thiên Huế đã nhất tề nổi dậy đánh thực dân Pháp. Sau 50 ngày đêm chiến đấu anh dũng, đến đầu tháng 2-1947, các đơn vị bộ đội rút dần ra phía Bắc. Ngày 12-3-1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp, quyết định chọn vùng Hoà Mỹ thuộc huyện Phong Điền để xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh. Chỉ hơn nửa tháng sau, vào đêm 29 rạng ngày 30-3-1947, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân đã tiến công và tiêu diệt đồn Đất Đỏ, mở thông đường liên lạc giữa chiến khu với đồng bằng.
Hoà Mỹ ở phía Tây huyện Phong Điền, là một vùng đất bằng nằm giữa sông Ô Lâu - Rào Quao và dải núi rừng sát chân động Chuối. Do đã chuẩn bị trước, từ đầu tháng 3-1947, chiến khu Hoà Mỹ đã là nơi đứng chân của Trung đoàn chủ lực tỉnh mang tên Trung đoàn Trần Cao Vân và các cán bộ lãnh đạo kháng chiến của tỉnh. Một thời gian ngắn sau, chiến khu được phân thành từng khu vực riêng biệt, từ CK1 đến CK7, dành cho các cơ quan chuyên môn, các bộ phận có chức năng khác nhau của tỉnh: kho quân lương (CK1), cơ sở bào chế dược phẩm (CK2), công an tỉnh và Trung đoàn bộ Trung đoàn Trần Cao Vân (CK3), Phân Khu ủy Trị-Thiên và Tỉnh ủy (CK4), Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh và cơ quan báo Giết giặc (CK5), khu sửa chữa cơ khí (CK6) và bệnh viện quân y (CK7).
Tại Hoà Mỹ, từ ngày 7 đến ngày 23-3-1948, các đơn vị vũ trang đã lập được công lớn, đập tan cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của giặc Pháp với 5 tiểu đoàn có sự phối hợp của máy bay và xe bọc thép, giữ vững được chiến khu.
Đến tháng 5-1948, Tỉnh ủy quyết định lập chiến khu mới ở Dương Hoà để có điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong toàn tỉnh, nhưng chiến khu Hoà Mỹ vẫn tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp chung.
Đường lên chiến khu Hoà Mỹ hiện nay rất thuận tiện. Từ thị trấn Phong Điền lên tận chiến khu đường sá đều được rải nhựa. Hai bên đường nhà ở đã khang trang, vườn tược xanh tốt. Biểu tượng của chiến khu Hoà Mỹ nằm ở ngã ba, một nhánh chính đi thẳng đến khu vực của chiến khu thời chống Pháp, một nhánh rẽ đến đồn Đất Đỏ cũ, nơi đã dựng biển ghi chiến công của bộ đội đánh Pháp đêm 29 rạng 30-3-1947.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét