20/3/17

PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền

             PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền , người con gái trưởng của ông Trần Lưu Hân ( đời thứ 15 họ Trần Đình Vĩnh Xương ) . Ông Trần Lưu Hân là kĩ sư vô tuyến điện , trước năm 1945 ông là Hiệu trưởng trường tư thục Chu Văn An do ông thành lập .

GS.TSKH Ngô Huy Cẩn và vợ PGS TS Trần Lưu Vân Hiền 

               PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền là mẹ của GS Ngô Bảo Châu , bà là học sinh giỏi văn những năm 1963-1964 , kỹ sư hóa , tiến sĩ dược học . Bà công tác ở Viện Y học cổ truyền Trung ương . Từ một nhóm cán bộ làm công tác nghiên cứu ; bà cùng cộng sự xây dựng và trở thành người lãnh đạo Phòng thí nghiệm nghiên cứu Đông y . PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền chủ trì thực hiện thành công và được đánh giá cao nhiều dự án , đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước , cấp Bộ y tế và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luân án tiến sĩ .


          Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên phải) và bố mẹ GS Ngô Bảo Châu- GS.TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS TS Trần Lưu Vân Hiền chiều ngày 8/8/2010.
          Hiện nay bà đang còn nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà . PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền nay là Phó hiệu trưởng trường Y học cổ truyền ở Hà Nội , liên kết với nhiều trường YHCT nhiều tỉnh thành khắp cả nước .
Theo website langvinhxuong.con.vn

Trương Như Thị Tịnh

             Khải Định Đế Hoàng quý phi Trương Như thị (chữ Hán: 啟定帝皇貴妃張如氏; 7 tháng 4, 1889 - 20 tháng 6, 1968), còn gọi là Giác Huệ ni sư (覺惠尼師), là Hoàng quý phi, người vợ đầu tiên và chính thức của Hoằng Tông Khải Định hoàng đế thuộc triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

             Danh hiệu của bà chỉ là hình thức phong tặng, vì bà từ chối nhận sắc phong của Hoằng Tông hoàng đế.
             Hoàng quý phi Trương Như thị nguyên danh Thị Tịnh (氏靜), là con gái quan Phụ chính đại thần Thượng thư bộ Lại, tước Hiền Lương tử Trương Như Cương (張如岡), người làng Hiền Lương, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1904, khi được 15 tuổi, tiểu thư Trương Như thị được cưới làm phủ thiếp (府妾) khi Hoằng Tông hoàng đế còn là Phụng Hóa công ở cung An Định.
             Hoằng Tông Khải Định lúc đó mê cờ bạc, ăn chơi, gia đình họ Trương lại khá giả, bèn cậy đó buộc bà phải đi xin tiền cha mẹ để có tiền đi đánh bạc. Thương con, ông bà Trương cũng đành chiều ý.
               Thấy thế Hoằng Tông đương nghĩ của cải nhà nhạc gia là vô tận nên càng cờ bạc ăn chơi đã đời. Tuy gia đình họ Trương đại thần giàu có nhưng chưa phải là muốn mấy cũng có. Ông Trương xuất thân từ làng thợ rèn Hiền Lương, một làng lao động có nề nếp, sau này dù làm quan đến tột đỉnh danh vọng, ông vẫn giữ phong cách giản dị, cần kiệm của người cha là người lao động. Nhiều lần bà Tịnh bị cha mẹ quở trách nặng nề.
                Một hôm, Hoằng Tông nảy ý định mở một chén bạc lớn để thử thời vận nhưng trắng tay, ông liền bảo vợ về nhà xin tiền. Bà Tịnh đau đớn vì thấy đức ông chồng đã chẳng còn biết liêm sỉ, bà dùng dằng không muốn đi. Công nổi nóng la lối om sòm, doạ sẽ có thái độ với bà. Cuối cùng bà đã đi và đó cũng là lần cuối cùng bà về nhà xin tiền cha mẹ cho chồng cờ bạc. Bà quyết định ra đi, lên chùa tu bỏ mặc sự đời.
               Năm 1913, bà lên chùa Tây Thiên trình bày nguyện vọng muốn xuất gia, lấy pháp hiệu là Giác Huệ (覺惠), biệt hiệu Đạm Thanh (淡清) và Tuyết Nhan (雪顏). Đến năm 1916, bà về xã Thuỷ Dương, lập một cảnh chùa tại Độn Sầm, làng Thanh Thủy, huyện Hương Thủy (cách kinh thành Huế chừng 3 km về phía Nam) để tu thiền, đó là Hoa Nghiêm Các. Trong thời gian này, bà hay cùng bầu bạn với nữ sĩ Đạm Phương.

14/3/17

Giới thiệu

Quê hương là gì hỡi mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hỡi mẹ
Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều.
           Vâng, kính thưa quý vị 4 câu thơ của nhạc sĩ Đỗ Trung Quân đã cho ta thấy quê hương là một thứ gì đó rất thiêng liêng và sâu lắng đọng lại trong mỗi con người của chúng ta.
            Mỗi người đều có một nơi để sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Nơi đó chính là quê hương. Nơi đó in dấu biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ mà có lẽ đi hết cuộc đời cũng không thể nào quên được. Quê hương của các bạn như thế nào nhỉ? Còn quê hương của em rất tuyệt vời.
           Có lẽ ai cũng có một tình cảm riêng dành cho quê hương mình, và em cũng vậy. Em yêu tất thảy những thứ thuộc về nó. Quê hương em tuy nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm nông nhưng dường như chưa ai chê trách điều đó. Người ở lại thì thương, người đi xa luôn mong ngóng được trở về lại nơi đây.
           Phong Điền là một vùng đất địa linh nhân kiệt nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân của dân tộc. Là nơi có nhiều làng nghề mang đậm nét Cố đô, là một địa điểm nổi tiếng trong bản đồ du lịch Việt thế nhưng đáng lẽ với những giá trị vô cùng to lớn đó Phong Điền phải có một website để giới thiệu về những hình đẹp của thiên nhiên, con người quê hương để bạn bè trong ngoài nước biết đến.
           Là một người con của quê hương Phong Điền yêu thương chúng em mong muốn rằng đời sống của người dân quê mình được cải thiện và nâng cao, nhưng vẫn giữ được truyền thống bản sách dân tộc văn hóa từ ngàn năm nay của địa phương trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa. Để góp nhỏ vào công cuộc cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, dữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương chúng em có ý tưởng là tạo 1 website để quảng bá hình ảnh của địa phương từ đó thu hút khách du lịch và qua đó cũng lưu giữ các giá trị văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc tồn tại suốt mấy trăm năm qua ở vùng đất Phong Điền này.

           Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: banbientapphongdien@gmail.com

Làn điệu chèo

          Là loại hình múa hát dân gian được diễn ra thường xuyên hằng năm vào kỳ Thu tế của làng Phò Trạch.
           Trước ngày tế, sau khi dựng rạp xong, làng tổ chức múa hát tập chèo nhằm đón rước thần linh cùng tổ tiên về dự. Diễn viên thường chọn trong số những mục đồng lớn tuổi nên tập chèo còn được gọi là tập chúng mục đồng. Hàng đội gồm 9 người, một người làm cai, 8 người còn lại chia thành 4 cặp với tên gọi: Biển xưa, Biển vải, Biển sơn, Biển vàng. Người cái mặc áo dài đen quần trắng, tay cầm sanh gõ nhịp điều khiển đội. 8 người con mặc quần dài, áo chẻn xanh hoặc trắng, tay cầm gậy tượng trưng mái chèo.
           Phần giáo đầu của hát múa tập chèo như sau:
Người cái xướng: 

Chiếu liền trải rạp,
Đèn sáp thắp lên,
Đứng lại hai bên,
Hoa lên một mái
(là truơ hậy)

Múa Sắc bùa

          Là loại hình lễ hội dân gian đặc sắc của huyện Phong Điền, do nhân dân làng Phò Trạch tổ chức theo định kỳ 12 năm một lần (Tí tập Sửu sắc, theo vòng con giáp). Cứ vào cuối năm các năm Tí, hội sắc bùa của hai thôn Tây Phú và Triều Quý của làng Phò Trạch diễn xướng. Nhân vật của đội sắc bùa gồm có ông chánh cai sắc (thường do một ông có chức sắc trong thôn đóng vai), ông phó cai sắc, ông tróc quỉ (một đến hai người), nhân vật quỉ (do trẻ em từ 13 đến 15 tuổi đóng), hàng đội (tuổi trung niên) từ 10 đến 15 người, có cử người cầm đuốc, đánh trống, não bạt...
           Về phục trang đạo cụ, ông chánh cai sắc mặc áo mã tiên có thêu hình rồng, đầu đội mũ ngũ hành, tay cầm “huyền trượng” hoặc “phương thiên họa kích”, ông phó cai sắc mặc áo thụng xanh, tay cầm “ngù”. “Huyền” và “ngù” là hai vật dùng để khai môn trừ tà của đạo giáo. Hai ông tróc quỷ cầm thanh long đao. Tất cả các loại vũ khí đều có gắn lục lạc, để khi nện xuống đất hoặc rung đều phát ra âm thanh.

Thơ ca dân gian

             Thơ ca dân gian ở Phong Điền rất dồi dào về số lượng tác phẩm và có đủ các thể lọai từ tục ngữ, câu đố đến ca dao, hò vè... Từ vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng đến vùng ven biển, ven đầm phá, người dân các làng quê thời nào cũng dùng câu hò, điệu hát để làm cho cuộc sống thêm vui, thêm đẹp, giúp cho việc sản xuất, đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn. Các làn điệu dân ca xứ Huế như hò giã gạo, hò mái nhì, mái đẩy, hát ru em, hát lý, chơi đồng dao, chơi bài tới, kể vè đều được người Phong Điền diễn xướng và lưu truyền, phổ biến từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, nơi địa đầu đất Thuận Hoá - Phú Xuân lại sản sinh, vun trồng và phát triển một số loại hình dân ca - sân khấu dân gian đặc sắc, đó là hát sắc bùa, hát trò, tập chèo... Ở các loại hình này, thơ nhạc (làn điệu) và động tác diễn gắn bó, hoà quyện với nhau như hình với bóng. Phần lời nhiều khi được tách ra và được sử dụng như một tác phẩm thi ca độc lập.
              Điều cần nhấn mạnh là thơ ca dân gian Phong Điền suốt bảy trăm năm qua cả ở miền núi cũng như đồng bằng luôn luôn là một dòng chảy liền mạch. Thời xa xưa thì có các câu hò điệu hát về lao động sản xuất, đấu tranh chống áp bức cường quyền, về tình cảm gia đình xã hội... đến thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ lại sản sinh thêm các bài vè đánh giặc, các câu ca binh vận, tiếp vận, cổ vũ đời sống mới.

Truyện dân gian

        Truyện kể dân gian là một trong hai bộ phận lớn và chủ yếu của văn học dân gian Phong Điền. Phong phú nhất, đa dạng nhất trước hết phải kể đến các truyền thuyết dân gian. Phần lớn các truyện kể này đều nói về quá trình khai sơn, phá thạch, mở đất, lập làng của người dân từ phương Bắc xa xôi vào miền Trung sinh cơ lập nghiệp. Cách đây bảy trăm năm vùng đất giới hạn giữa bờ Nam sông Ô Lâu và bờ Bắc sông Bồ, phía Bắc châu Hoá nhiều nơi còn hoang vu. Lau lách và cây cối hoang dại phủ khắp gò đồi, triền sông, bãi cát...

Múa Thiên Hạ Thái Bình

         Múa bông hay còn gọi là ba vũ, là điệu múa cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Diễn viên trình diễn điệu múa này là lớp vũ sinh đồng ấu từ 13 đến 15 tuổi, phải có ít nhất là 24 người cho đến 48 người hay nhiều hơn nữa tùy theo số lượng diễn viên và điều kiện sân bãi. Đây là một điệu múa cung đình đã lan truyền đến Phò Trạch. Vũ đạo múa bông thiên về di chuyển, đoạn mở đầu đội hình đi theo phép đằng xà, tức là chuyển động và uốn lượn đội hình như loài rắn mà ta thường thấy các đội âm công biểu diễn khi chuẩn bị đưa tang, đội hình di chuyển theo bài ca xướng của người điều khiển để sắp xếp theo từng chữ “Thiên, hạ, thái, bình”.nên còn gọi là điệu múa “Thiên hạ thái bình”. Đây là điệu múa được luyện tập công phu để trình diễn trong các dịp làng mở hội lớn.
         Phần diễn xướng của tiết mục được thực hiện theo trình tự như sau: vũ công xếp thành hai hàng ở phía ngoài cổng đình làng, người điều khiển đứng ở phía trong đình và xướng to:
               “Truyền dự lê viên đệ tử, đồng lai hiến vũ ba đăng”. Đoàn vũ sinh đồng thanh dạ một tiếng dài, tiến vào sân đình và chạy lộn vòng theo điệu đằng xà, đội bát âm cử nhạc. Người điều khiển tiếp tục xướng:
               “Hạnh phùng thạnh thế, hội hiệp quý hương, nghe làng tế lễ kỳ phước cầu an”.  
                “ Thần đẳng nguyện thái bình thiên hạ”.
          Trong âm vang tiếng trống kèn nhộn nhịp, đoàn vũ sinh tùy theo số lượng mà xếp thành hai hoặc bốn hàng, sau đó tiến hành sắp xếp chữ theo các câu diễn xướng của người điều hành:
“Thiên hậu hữu sinh, sinh phú quí.
Hoàng trù cửu khúc, xí nhi xương”.
(Thiên hiện: đội hình xếp thành chữ Thiên)
“ Hạ liệt sơn hà, phô cẩm tú.
Y hy tuyết nguyệt, hảo phong quang”.
(Hạ hiện: đội hình sắp xếp theo chữ Hạ)
“ Thái đắc thiên niên, diên dật lạc.
Tiêu thiều điệt xướng, hiến du dương”.
(Thái hiện: đội hình sắp xếp theo chữ Thái)
“ Bình dương thảo mộc đô xuân sắc.
Củng hứng Trường An hiến thọ trường”.
(Bình hiện: đội hình xếp theo hình chữ Bình)
          Hát trò là bộ môn kịch hát dân gian, được tổ chức theo định kỳ 24 năm một lần vào dịp đầu Xuân, hoặc vào các dịp đặc biệt như khi làng nhận sắc phong hay khi có lệnh của triều đình mở hội mừng chiến thắng, mừng lễ đăng quang của tân vương, mừng thọ các vua chúa... Xưa kia, nơi diễn chính thức của bộ môn hát trò là khu vực bến nước giữa giáp Tây Phú và xóm Tây Hồ thuộc giáp Trung Thạnh, gọi là bến Trò. Trò diễn xoay quanh chủ đề tứ dân, bách nghệ như: sĩ, nông, công, thương - ngư, tiều, canh, mục... Từng mảng trò lại có các nhân vật điển hình như: mảng sĩ có vai ông thầy, cậu học trò..., mảng ngư có các vai ông Chài, ông Rớ, ông Câu..., mảng canh mục có vai ông đi cày, chú mục đồng... Diễn viên chủ yếu là nam giới, được chọn từ các gia đình có truyền thống hát trò. Trong thời gian tập luyện và biểu diễn, diễn viên phải giữ mình thật thanh khiết, không sinh hoạt vợ chồng, không ăn thịt trâu...
           Ngày xưa, hát trò của làng Phò Trạch được trình diễn ở “kịch trường” thiên nhiên tại khu vực bến Trò, bao gồm trên cạn lẫn dưới nước. Đạo cụ và phục trang thực cảnh, mang tính dân dã, nhất là khi biểu diễn trò Ngư ở dưới nước đã tạo nên một hoạt cảnh sống động và hấp dẫn. Lời ca tiếng hát của các nhân vật lan tỏa trên mặt nước với những âm thanh vang vọng làm nô nức lòng người. Về sau, do yêu cầu của tầng lớp quyền quý, bộ môn hát trò được đưa lên “sân khấu” trên cạn, động tác của các nhân vật được cách điệu hóa, mang tính ước lệ nên hát trò Phò Trạch bị mất đi một phần nào nét nghệ thuật chân chất nguyên thủy của nó.
Hãy nghe một đoạn đối thoại của 2 nhân vật trong mảng trò Ngư:
-Rớ:... Cấy chi đen đen như nôốc
Nôốc mô đậu đó
Lướt sáo vô vè
Phá chỗ cá đi
Không cho ta cất rớ (hử)
-Chài: Rứa rớ ai trương lên đó
Chẳng cho ta độ thuyền,
Ngoen ngoẻn mà lên
Đừng làm lớn giọng
-Rớ: Bốn bề sáo vọng
Mà lại hiếp nhau
Đại nghề làm trữa (giữa) rào
Tiểu nghề làm trong đất.
Cha thằng chài chó vất,
Tau cho một trào (sào)...
-Chài: Cha thằng rớ ăn mót
Mi lấy trào đánh ai?
Rú thì có ông voi
Đầm soi thì có kẻ chài
Mi mắng ai chó vất
Tau sẵn hòn đá hòn đất
Tau quăng cấy lở quai hàm
Dám xuống thuyền tau mà nói láo.
(lấy đá quăng rớ)
-Rớ: Thằng chài xược xạo
Quăng đá dằm (nhằm) tau
Tau quăng lại e lũng mụi
-Chài: Ậy ậy
Phân chứng cớ hai bên bờ bụi,
Thằng rớ khiến quăng lở mụi thuyền tui.
Tui nổi giận Trương Phi
Tui dảy (nhảy) lên tui bẻ cọng
(hai người ẩu đả)
-Chài: Tau bẻ cọng, mi nói rằng đau,
Chớ huống chi mi nói quăng lở mụi thuyền tau
Thì tau cũng nằm đây tau la cứu.
(hai người cùng la)
          Những trò chơi dân gian độc đáo như đu tiên, đu rút, đu nhún, đu giàng xay, đi cầu nước, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, leo cột mỡ, chơi cù, đấu vật, ù mọi, giựt cờ... làm cho không khí lễ hội càng sôi nổi. Đặc biệt trong nghi lễ còn có các loại hình nghệ thuật cung đình và dân gian như múa tứ dật, múa phương tướng.
            Múa tứ dật là điệu múa dùng trong nghi thức tế lễ. Diễn viên múa thường là 32 người xếp theo 4 hàng, mặc áo chẻn màu xanh, quần dài trắng, thắt lưng và khăn bịt đầu màu đỏ, tay phải cầm lông đuôi chim trĩ, tay trái cầm ống địch có buộc tua chỉ màu đỏ. Lời xướng trong tứ dật cùng hòa với lời xướng của nghi thức tế lễ.
            Đây chính là khúc thức múa tứ dật của văn vũ sinh. Vũ khúc này xuất phát từ bát dật của cung đình, được biến đổi cho phù hợp với nghi lễ của dân gian.
              Múa phương tướng thường được tổ chức ở các đám tang ở người cao tuổi, cầm đầu là hai ông mặc võ phục, một người hóa trang mặt màu đen, một người mặt màu đỏ tay cầm siêu đao, hàng đội chừng 10 người cầm kiếm gỗ hoặc gậy gỗ vừa xướng vừa múa trước linh cửu của người quá cố.
             Một đoạn xướng trong tiết mục múa phương tướng:
Khâm thừa Thượng đế sắc ban sai,
Phụng mạng Thiên tôn tốc tốc lai,
Giá vũ đằng vân hành nhược vũ,
Tàng hình xuất một thị kỳ tài,
Cử đao khai lộ trừ quỉ mị,
Dẫn độ vong linh vãng Tây đài.
                                                                                           Theo Dư địa chí Phong Điền.

Thanh Hải

           Thanh Hải (1930-1980), tên thật là Phạm Bá Ngoãn, là một nhà thơ hiện đại Việt Nam.


1.Tiểu sử
             Nhà thơ Thanh Hải sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930 tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
             Ông xuất thân trong một gia đình trí thức, nhưng nghèo. Cha ông làm nghề dạy học, mẹ ông là nông dân. Ông là anh cả trong gia đình gồm ba anh em. Hai em của ông là Phạm Bá Chất và Phạm Bá Liên đều đóng góp cho cách mạng nhưng không được nhắc đến nhiều như người anh của mình.
              Thuở nhỏ, ông đi học tại quê nhà. Năm 17 tuổi, Thanh Hải tham gia cách mạng ở huyện Hương Thủy, làm Chính trị viên Đoàn Văn công Thừa Thiên.
              Vào năm 1954 - 1964, ông ở lại quê hương hoạt động, làm cán bộ tuyên huấn tỉnh. Trong các năm 1964 - 1967, ông phụ trách báo Cờ giải phóng của thành phố Huế. Sau đó, ông làm Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội phó chi Hội văn nghệ giải phóng Bình Trị Thiên.
               Từ sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, đồng thời là Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
               Sống được 5 năm trong hòa bình thì ông bị bệnh hiểm nghèo xơ gan cổ trướng, phải nằm Bệnh viện Trung ương Huế. Khi đó, ông viết bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.Chẳng bao lâu sau khi viết bài thơ này, nhà thơ Thanh Hải qua đời vào ngày 15 tháng 12 năm 1980.Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được in trong tập thơ "Huế mùa xuân".
                   Những đồng chí trung kiên (1962)
                   Huế mùa xuân (tập 1-1970, tập 2-1972
2.Giải thưởng
  • Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1965)
  • Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 2, năm 2000, truy tặng)
  • Giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Thống nhất (1959).
  • Giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Thống nhất (1962).
Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia.

12/3/17

Nguyễn Đăng Đàn

            Ông sống vào thế kỷ XVIII, còn có tên là Nguyễn Đăng Tường, tự là Thuần Nhất, hiệu Bất Nhị, người làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền- Thừa Thiên Huế.
            Từ bé vốn thông minh, học giỏi, nhưng không thích khoa cử, có tiếng giỏi về lý số và binh pháp. Tính tình điềm tĩnh, ưa làm điều thiện, không thích vinh hoa danh lợi.
            Đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (1738 – 1764), ông lấy tư cách là thường dân, đến triều đình dâng bản kế sách bằng chữ Nôm, đại ý nói: người làm vua chúa nên lấy việc cầu hiền tài, nghe lời can gián là trên hết. Chúa khen lời nói đúng đắn, thiết thực, muốn mời vào bổ quan, nhưng ông từ chối, vẫn tiếp tục nghề dạy học, làm nhà ở núi Thanh Thủy, học trò có đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt.
           Đến lúc 70 tuổi, ông vẫn bền chí đức hạnh tốt đẹp, người đời kính trọng, tôn xưng là Siêu Quần tiên sinh (bậc thầy hơn người).

Hoàng Ngọc Chung

            Người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ am hiểu, say mê luyện tập võ nghệ. Dưới thời vua Thiệu Trị ông làm thư lại trong phủ rồi thăng Binh bộ Bưu chính ty vụ. Đến đời vua Tự Đức, ông lần lượt giữ các chức Cẩn tín ty, cải bổ tam đẳng thị vệ, tiếp đó thăng Trung quân nhất vệ vệ úy sung hiệp lĩnh thị vệ trực ban.
Ngày 1 tháng 9 năm 1858 quân Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Bị thất bại ở mặt trận Đà Nẵng, tháng 2/1859 quân Pháp đưa quân vào đánh Gia Định. Nhận được tin Gia Định cáo cấp, Tự Đức sai Hoàng Ngọc Chung vào Nam sung tán tương quân vụ. Vào đến Gia Định ông cùng với quan quân triều đình tích cực phòng thủ chống giặc. Ngày 17/2/1859 thành Gia Định thất thủ, hữu đồn Phú Thọ bị phá vỡ, ông anh dũng cự chiến và hy sinh. Vua cho tặng Thống chế, gia cấp 80 lạng bạc cùng gấm lụa. Sau liệt thờ vào Trung nghĩa từ.
            Hoàng Ngọc Chung là vị quan võ trung thành, làm việc cẩn thận. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, ông đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Cao Hữu Duyệt

           Ông sinh năm 1911, mất năm 1946; là nhà cách mạng, đảng viên thế hệ đầu tiên của ĐCSVN, bút danh Hữu Duy, quê làng Thế Chí Đông, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
           Thuở nhỏ học ở trường Quốc học Huế, trước năm 1930 ông tham gia Đảng Tân Việt. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập tháng 02/1930; thì đến tháng 4/1930, ông cùng các đồng chí của mình thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của trường Quốc Học và được cử làm Bí thư Chi bộ.
           Tháng 10/1930, do hoạt động bị lộ, mật thám Pháp đã ập vào bắt ông ngay trong giờ học. Ông bị xử 09 năm khổ sai đày đi Lao Bảo. Cùng giam trong tù với ông còn có các đồng chí Trần Hữu Dực, Lê Viết Lượng, Trần Mai Ninh…Trong tù, Cao Hữu Duyệt tự tay biên soạn hệ thống triết học kinh tế chính trị Mác-Lênin, cùng với ông Trần Văn Cung (Bí thư Kỳ bộ Thanh niên) làm bài giảng cho anh em trong tù học tập. Bài giảng của hai ông được đồng chí Lê Sĩ Thận bí mật viết lại, đóng thành tập nhỏ chuyền tay nhau học tập.
            Năm 1941, Cao Hữu Duyệt đứng ra thành lập báo Bạn Đường, một tờ báo ra hàng tuần lấy mục đích đấu tranh cho người nghèo, tuyên truyền một cách kín đáo cho cách mạng. Ông vừa chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa làm phóng viên, phụ trách trình bày là hoạ sĩ Phạm Viết Song. Những đồng chí quen biết như Trần Mai Ninh, Thôi Hữu thường viết bài cho ông…
           Năm 1943, báo Bạn Đường bị thực dân Pháp đình bản, ông trở về Lạc Lâm. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Cao Hữu Duyệt trở lại thị xã Thanh Hoá. Tại đây, Chủ tịch tỉnh Lê Tất Đắc đã cử ông làm Trưởng phòng Văn hoá Thông tin. Với cương vị và nghề nghiệp, ông xin phép tỉnh cho ra tờ báo A.B.C, lấy ý từ cuốn ABC du communisme (Vỡ lòng chủ nghĩa cộng sản) của nhà cách mạng Nga Boukharine. ABC đề cập đến những vấn đề cách mạng một cách dễ hiểu, hướng dẫn cho thanh niên, trí thức đến với cách mạng, rất được bạn đọc hoan nghênh. Tờ báo có đủ các mục xã luận, phổ biến những kiến thức vỡ lòng về chủ nghĩa cộng sản và văn thơ. Cao Hữu Duyệt còn dịch các tác phẩm tiến bộ trên thế giới ra tiếng Việt đăng trên báo của mình.

Cao Hữu Dực

            Ông sinh năm 1799, mất năm 1858; còn có tên là Cao Hữu Bằng, người làng Thế Chí Tây, huyện Phong Điền.
            Thi đỗ cử nhân năm 1825. Năm sau làm Hành tẩu phòng văn thư. Năm 1833, làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Thự bố chính. Năm 1837, được chọn làm Thị lang Bộ Binh, sung Hiệp tán ở Trấn Tây. Từng dâng sớ điều trần các việc trị an nơi đây. Năm 1840, tình hình biến động, ông bị gián làm Viên ngoại lang Bộ Binh, vẫn giữ công việc Hiệp tán. Năm 1841, quân triều đình rút khỏi Trấn Tây, ông về làm Bố chánh An Giang, rồi bị truy lỗi, giáng xuống Tư vụ nhưng lãnh Án sát An Giang. Năm 1843, đổi về Gia Định rồi thăng Thự Tuyên phủ sư Tây Ninh. Ông đã chiêu dụ người dân Khmer an cư, lập ấp, cấp cho họ trâu bò, nông cụ để giữ vững biên cương. Năm 1845, được về kinh thăng hàm thị lang BộBinh, làm Thự tuần phủ An Giang, rồi Tuần phủ Hà tiên. Năm 1852, thăng Thự Tổng đốc An Hà, đóng góp nhiều công sức trong việc chiêu dụ nhân dân yên ổn làm ăn, trồng trọt. Năm 1859, ông lâm bệnh và mất. Được truy tặng Hiệp biện đại học sĩ, sai đưa quan tài về quê và cử quan đến tế.

Chu Cẩm Phong

            Chu Cẩm Phong (1941-1971) là một nhà văn hiện đại Việt Nam. Tên tuổi của ông được biết đến nhiều qua cuốn nhật ký ghi lại về cuộc đời ông trong thời gian tham gia cuộc Chiến tranh Việt Nam, mà sau này được biết đến với tên gọi Nhật ký chiến tranh. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2010, trở thành nhà văn duy nhất trong lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam được phong tặng danh hiệu này.

Thân thế và cuộc đời
              Ông tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1941 tại Hội An, Quảng Nam quê cha làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1954, ông theo cha tập kết ra Bắc và theo học tại trường học sinh miền Nam, và sau đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từng được cử vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên Việt Nam, ông được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam khi mới 22 tuổi. Năm 1964, ông tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, được nhà trường cử đi học tại nước ngoài nhưng đã xung phong vào miền Nam chiến đấu. Trong thời gian này, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, làm phóng viên thông tấn rồi chuyển sang làm việc tại Tiểu ban Văn nghệ Khu V.

            Ngày 1 tháng 5 năm 1971, trong một chuyến đi thực tế, ông tử thương trong trận giao chiến diễn ra từ 10 giờ đến 14 giờ giữa 8 cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và du kích xã Xuyên Phú với hơn một tiểu đoàn của liên quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Tác phẩm
           Sự nghiệp văn học trong hơn 3 năm của Chu Cẩm Phong có lại nhiều tác phẩm như:
  • Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám
  • Gió lộng từ Cửa Đại
  • Mặt Biển - Mặt trận
  • Rét tháng Giêng
  • Mẹ con chị Hiền
             Những tác phẩm này là sự đúc kết những trải nghiệm, hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường.


Đặc biệt, sau gần 30 năm kể từ ngày ông hy sinh, tập sách Nhật ký chiến tranh (viết từ ngày 11 tháng 7 năm 1967 đến 27 tháng 4 năm 1971) dày hơn 900 trang, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000 đã tạo nên niềm cảm xúc sâu xa trong độc giả cả nước, nhất là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh.[2]

Dương Phước Vịnh

           Ông sinh năm 1812, mất năm 1864; Văn thần thời Nguyễn, thường gọi là Dương Vịnh, người làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
           Lúc nhỏ có chí học hành, nhiều năm thọ giáo với cụ Đặng Văn Trọng, thân sinh Đặng Huy Trứ; năm 1841 ông đỗ Cử nhân, năm 1842 đỗ Phó bảng. Niên hiệu Tự Đức thứ nhất.
           Năm 1848 ông được bổ đồng Tri phủ ở Nghĩa Hưng. Năm 1854 đổi Ngự sử đạo Hải An. Năm 1856, thăng Thự Binh khoa Chưởng ấn, rồi chuyển Án sát ở Bình Định. Năm 1861, cất lên Binh bộ Thi lang, hộ lý Ninh Bình Tuần phủ quan phòng.Làm quan trải 21 năm, cai quản tại nhiều nơi quan yếu, được nha lại tin tưởng, nhân dân yêu mến, xứng đáng với lời khen ngợi. Ông mất ngày 5/12/1864, lúc đang giữ chức Tuần vũ Ninh Bình. Năm 1865, vợ con ông rước linh cửu về chôn cất tại Rú Cấm ở làng Văn Xá.
            Dương Phước Vịnh là hiền tế của nhà chế tạo tàu thuỷ thế kỷ XIX Hoàng Văn Lịch, là người trung hậu, làm quan thanh liêm, lại có tài văn chương trang nhã, đã sáng tác nhiều bài văn tế về lễ đám tang, đồng thời chế tác hương ước. Ông là người đỗ đại khoa khai khoa cho làng Hiền Lương.

Lê Nhữ Lâm

            Với chức vụ Tổng tài Quốc sử quán, Lê Nhữ Lâm đã trực tiếp tham gia tổ chức và điều khiển việc biên soạn các phần tiếp nối phần Đệ lục kỷ Đại Nam thực lục. Ông đã trở thành người thầy cuối cùng dạy vua và cũng là người Tổng tài cuối cùng của Quốc sử quan triều Nguyễn.
             Lê Nhữ Lâm, sinh năm 1881, là con của Án sát Bình Thuận Lê Trí, người xã Vân Trình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, cùng quê với Trần Văn Kỷ, quan Trung thư lệnh của Hoàng đế Quang Trung ở Thuận Hóa hồi cuối thế kỷ XVIII. Ông được theo học Trường Quốc tử giám 11 năm (1895 -1906).
            Năm 1906 (Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18), ông đi thi Hương và đậu cử nhân, xếp vị trí thứ 5 trên 35 người thi đỗ và làm quan dưới thời vua Duy Tân với chức Hành tẩu ở Bộ Hộ và Văn phòng Nội các.
             Cựu hoàng Bảo Đại có tên húy là Vĩnh Thụy, ra đời ngày 22-10-1913, tại Tiềm để (cung An Định hiện nay). Ba năm sau, phụ thân ông là Phụng Hóa Công lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Khải Định và Vĩnh Thụy trở thành hoàng tử. Năm 1918, Vĩnh Thụy lên 6 tuổi, vua Khải Định quyết định chọn thầy dạy cho hoàng tử.
               Để việc này được cẩn trọng, chu đáo, nhà vua triệu tập 4 vị quan có phẩm hạnh và có học vấn uyên thâm vào cung để chọn thầy giáo dạy cho hoàng tử Vĩnh Thụy. Các quan khăn đen, áo dài trịnh trọng ngồi thẳng hàng chờ ý kiến của nhà vua. Khải Định cho Vĩnh Thụy ra trình diện các quan. Vĩnh Thụy nhìn từng người, khi ánh mắt "chạm" vào Lê Nhữ Lâm, Hành tẩu ở Văn phòng Nội các, bèn cúi đầu tỏ vẻ sợ hãi. Việc này cũng là do Lê Nhữ Lâm có tướng mạo khác người, miệng hơi méo, hai mắt không bằng nhau, là người xấu trai nhất so với ba vị quan kia.
               Thế nhưng, vua Khải Định vẫn quyết định chọn ông làm giáo đạo cho hoàng tử Vĩnh Thụy. Lý do, ông Lê Nhữ Lâm có tướng mạo gây được sự kính nể của hoàng tử Vĩnh Thụy. Hơn nữa, trong thời gian làm quan, Lê Nhữ Lâm tỏ ra là một người có văn tài và phẩm hạnh tốt, được mọi người nể phục.
               Năm 1922, Vĩnh Thụy được phong hoàng thái tử, rồi vua Khải Định băng hà đầu năm 1926, Vĩnh Thụy lên ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại. Lúc này, ông Lê Nhữ Lâm vẫn tiếp tục làm thầy dạy vua cho đến tận ngày Bảo Đại bắt đầu chấp chính (1932).
               Dạy Vĩnh Thụy được bốn năm ở trong nước thì được phụ thân cho sang Pháp học và ông Lê Nhữ Lâm cũng phải khăn gói theo học trò sang Tây. Trong thời gian ở Pháp mười năm (1922-1932), ông vừa dạy phần Nho học cho Vĩnh Thụy (từ năm 1926 là vua Bảo Đại) vừa học thêm tiếng Pháp và văn minh văn hóa Pháp.
               Năm 1932, Bảo Đại hồi loan, bắt đầu nắm quyền. Một trong những việc đầu tiên của ông vua Tây học này là cho "về vườn" 5 vị Thượng thư xuất thân Nho học gồm Nguyễn Hữu Bài (Bộ Lại), Tôn Thất Đàn (Bộ Hình), Phạm Liệu (Bộ Binh), Võ Liêm (Bộ Lễ), Vương Tứ Đại (Bộ Công). Ông Lê Nhữ Lâm cũng xuất thân Nho học đã hoàn tất việc làm giáo đạo và giảng tập cho vua, đáng lẽ cũng phải ra đi.
                Nhưng không, với mười năm tự học thêm ở Pháp, ông Lê Nhữ Lâm đã tự trang bị cho mình một cái vốn tân học đáng kể. Ông được người học trò hoàng đế của mình cử giữ chức Tổng tài Quốc sử quán kiêm nhiệm Giám đốc Thư viện Bảo Đại (một nơi tàng trữ nhiều sách vở viết bằng chữ Hán và chữ Pháp) từ năm 1933 đến 1939. Với chức vụ Tổng tài Quốc sử quán, ông Lê Nhữ Lâm đã tham gia tổ chức và điều khiển việc biên soạn các phần tiếp nối của Đệ lục kỷ Đại Nam thực lục.
                 Như vậy, Lê Nhữ Lâm là người thầy cuối cùng dạy vua và cũng là người Tổng tài cuối cùng của Quốc sử quan triều Nguyễn. Năm 1940, ông về hưu với hàm Hiệp tá đại học sĩ, trở lại quê nhà Vân Trình sống với gia đình, đến năm 1963 mới qua đời. Trong thời gian Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, ông đã vận động con cháu và người làng tham gia cách mạng rất đông...

Mộ Đặng Văn Hòa

             Di tích mộ phần Đặng Văn Hòa (Lưu niệm danh nhân - LNDN) ở Khu nghĩa địa Cồn Lệnh, thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.


Đặng Văn Hòa

            Đặng Văn Hòa (1791 - 1856) hiệu Lễ Trai, là con trai thứ hai của Đặng Quang Tuấn, một thầy đồ dạy học nổi tiếng ở kinh thành Phú Xuân dưới triều Tây Sơn. Năm Gia Long thứ 12 (1813), triều đình mở khoa thi Hương đầu tiên ở Thừa Thiên, Đặng Văn Hòa dự thi và đỗ Hương cống, được bổ làm Tri huyện Hà Đông, rồi Quảng Nam (1819), Lang trung Bộ Binh, Tham hiệp rồi hiệp trấn Thanh Hóa (1822 - 1827), Tả thị lang Bộ Binh kiêm Tham tri Bộ Binh lãnh binh tào Bắc Thành (1828). Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được cử làm Tuần phủ Hà Nội.
            Từ năm 1832 - 1852, Đặng Văn Hòa giữ chức Tổng đốc các tỉnh Nam Định - Hưng Yên; Hà Nội - Ninh Bình; Bình Định - Phú Yên; Gia Định - Biên Hòa. Thượng thư các Bộ: Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công; ông được cử làm Kinh diên giảng quan (giảng sách cho vua), sung chức Tổng vựng cùng làm Bộ “Đại Nam sự lệ hội điển”, sưu tầm thơ dân gian, làm sách “Nam thổ anh hoa lục”. Năm 1853 đến khi qua đời (1856) ông được cử làm Tổng tài Quốc sử quán, được vua Tự Đức truy tặng danh hiệu Văn Minh điện Đại học sĩ, Thụy Văn Nghị. Phần mộ ông được đưa về quê gốc Hiền Sỹ, huyện Phong Điền.
             Đặng Văn Hòa là một “Nguyên lão tứ triều”, làm quan gần 40 năm, trải qua bốn triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong triều có 6 Bộ thì ông lần lượt giữ chức Thượng thư đứng đầu 5 Bộ. Đặng Văn Hòa nổi tiếng là một vị quan rất mực thanh liêm. Gần 40 năm làm quan trong kinh ngoài tỉnh, ông đã để lại nhiều công, nghiệp, ích nước, lợi dân trên các lĩnh vực chính trị, nông nghiệp và văn hóa.
Về chính trị: Đặng Văn Hòa luôn tâm niệm đến những việc lợi ích thiết thực cho dân, cho nước. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), làm Tổng đốc Hà - Ninh, ông đã có công trong việc tổ chức binh bị, đắp đường quai và mỏ kè ở Hà Nội, mở rộng sông Hoàng Giang, đắp thành Nam Định, Hưng Yên. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), làm Thượng thư Bộ Công, kiêm quản Hàn Lâm viện, sung chức Cơ Mật viện đại thần, ông là người có công trong việc chế tạo đạn lan can và liên châu, lập xưởng Thủy sư ở Thanh Phước (Hương Phong - Hương Trà); Xây dựng lũy đá Chiên Đàn và pháo đài ở Quảng Nam. Năm 1840, ông giữ chức Thự Tổng đốc rồi thăng Tổng đốc Bình - Phú (Bình Định - Phú Yên). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được chuyển ra làm Tổng đốc Định - Yên (Nam Định - Hưng Yên) đến tháng 5 năm 1843, ông được điều về kinh giữ chức Thượng thư Bộ Hình, kiêm Quản ấn triện Đại Lý tự, gia hàm Hiệp biện Đại học sĩ, sung đại thần Cơ Mật viện. Trong xử án, ông nổi tiếng là một vị quan công minh, chính trực, xử theo phép nước.Từ việc xét xử công minh, nên vua Tự Đức gia thưởng hàm Thái tử Thiếu bảo, thự Văn minh điện Đại học sĩ và tặng thưởng Kim khánh khắc bốn chữ “Cựu đức thuần thành”.
              Về nông nghiệp: Gặp những năm thiên tai, bão lụt mất mùa, ông đã dâng sớ tâu Vua xin giảm sưu thuế, bỏ thuế cho nhân dân, giải quyết những việc công điền, công thổ có lợi cho dân, khuyến khích tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, mở rộng nuôi Tằm cánh trắng ở vùng đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh.
               Về văn hóa: Với chức vị Hàn Lâm viện, Tổng tài Quốc sử quán, được làm chủ khảo và giám khảo nhiều khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình ở kinh đô Huế và nhiều địa phương khác. Ông rất chú ý trong việc tuyển chọn, đề bạt những sĩ tử có tài năng vào bộ máy quan lại. Ông còn rất quan tâm đến việc chiêu hiền đãi sĩ và phát triển văn hóa giáo dục như đề xuất mở nhiều trường công, xây dựng thêm các trường thi để phát hiện, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Đặng Văn Hòa còn là một nhà thơ, ông để lại tập Lễ Trai thi gồm 75 bài thơ chân bản.

Mộ Nguyễn Lộ Trạch

             Địa điểm: Ðộn Cát, làng Kế Môn, xã Ðiền Môn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngôi mộ mới được trùng tu.

             Nguyễn Lộ Trạch tự Hà Nhân, hiệu Kỳ Am, sinh ngày 15-2-1853 tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Quê làng Kế Môn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên. Sinh ra và lớn lên dưới triều Vua Tự Ðức (1848-1883), trong tình hình đất nước đầy biến động phức tạp, Nguyễn Lộ Trạch đã thể hiện rõ tư tưởng canh tân đất nước qua ba tác phẩm nổi tiếng "Thời vụ sách thượng"; "Thời vụ sách hạ" và "Thiên hạ đại thế luận". Nguyễn Lộ Trạch mất năm 1895 và an táng tại tỉnh Bình Ðịnh. Năm 1957 con cháu cải táng đưa về quê nhà. Mộ hình tròn đơn giản, đường kính 3m, thành cao 40cm, dày 20cm.
            Mộ Nguyễn Lộ Trạch đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia tại quyết định số 52/2001/QÐBVHTT ngày 28-12-2001.

Bằng công nhận "Di tích lịch sử văn hóa" mộ Nguyễn Lộ Trạch.

Mộ Trần Văn Kỷ

              Địa điểm: Làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
              Trần Văn Kỷ là một danh sỹ kiệt xuất triều đại Tây Sơn. Năm 1777, Trần Văn Kỷ đỗ giải nguyên. Năm 1786, Trần Văn Kỷ được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho mời để hỏi về kế trị loạn. Khâm phục tài năng của ông, sau khi từ Quy Nhơn về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã phong cho ông làm Trung Thư phụng chính (người dự thảo chính lệnh cho vua), nắm toàn bộ trung thư cơ mật, tham mưu cho Nguyễn Huệ và được phong tước Hầu.
              Trần Văn Kỷ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại bộ máy cai trị ở Đàng ngoài, tiến cử một số nhân sỹ nổi tiếng vào bộ máy nhà nước như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn…, đứng ra tổ chức hội kiến giữa vua Quang Trung và Nguyễn Thiếp một danh sỹ đất Nghệ An. Dưới triều Quang Trung, ông có nhiều công lao giúp Quang Trung trị vì đất nước.
              Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng thế, Trần Văn Kỷ về quê, đổi tên cải dạng nuôi chí phục thù. Bị phát giác, ông phải vào Kinh đô Phú Xuân, trên đường vào đến ngã ba Sình ông hô to “Trung thần bất sự nhị quân” rồi nhảy xuống sông trầm mình tự vận để giữ tròn khí tiết, ông mất ngày 24/12/1801 (19 tháng 11 năm Tân Dậu).

Phần mộ Trần Văn Kỷ tại quê nhà.

              Phần mộ Trần Văn Kỷ nằm trên một mô đất cao có diện tích 11m2. Mộ nguyên trước đây đắp đất hình tròn, đường kính 1m, chính mộ quay về hướng Đông, trước mộ có tấm bia xi măng cao 70cm do cháu nội Trần Văn Kỷ lập năm 1958.
             Năm 1995, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã trùng tu lại ngôi mộ. Nấm mộ tròn được giữ nguyên, phía trên nấm rắc sỏi, xung quanh xây đường tròn để bảo vệ mộ, bao quanh mộ là một lớp bê tông hình chữ nhật có đường gờ bốn bên.
             Di tích lăng mộ Trần Văn Kỷ đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 534 QĐ/BT ngày 11/5/1993.

Ngôi mộ đang bị xuống cấp trầm trọng!

Đền Trung Hiếu

            Đền thờ Nguyễn Tri Phương còn gọi là đền Trung Hiếu, hay đền “nhất gia tam kiệt”, tọa lạc tại làng Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế. Hơn 140 năm qua, ngôi đền này trở thành biểu tượng cho lòng trung hiếu nhân nghĩa đối với người dân làng Trung Thạnh.
Tượng đồng Nguyễn Tri Phương
Xứng danh hai chữ “Trung Hiếu”
          Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tri còn lưu lại tại làng Trung Thạnh, Nguyễn Tri Phương có tên thật là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21/7 năm canh Thình (1800), tại làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế.
           Nguyễn Tri Phương từng làm quan qua ba đời vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Suốt cuộc đời làm quan của mình, ông đã có mặt hầu hết ở tất cả “điểm nóng” của đất nước lúc đó.
           Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, vua Tự Đức phải cho mời ông từ Gia Định ra để giữ thành. Một năm sau (1859), ông lại vào Gia Định sau khi Pháp tấn công thành.
           Suốt cuộc đời làm quan của mình, ông đã trải qua nhiều trận chiến, và nhiều lần ông đã phải chứng kiến binh lính và người thân của mình ngã xuống để bảo vệ thành. Năm 1861, khi Pháp tấn công thành Gia Định, em trai của ông là Nguyễn Duy đã hy sinh để bảo vệ thành.
           Sau khi nhà Nguyễn hèn hạ ký hòa ước Nhâm Tuất (1862), ba tỉnh miền Tây thuộc về Pháp, ông lại được cử ra giữ thành Hà Nội. Ngày 19/11/1873, Pháp tấn công thành Hà Nội, con trai của ông là phò mã Nguyễn Lâm hy sinh, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Pháp mang ông về để cứu chữa nhằm mua chuộc nhưng ông từ chối. Để chống lại Pháp ông đã tuyệt thực cho đến chết. Ngày 20/12/1873 Nguyễn Tri Phương qua đời, thi thể của ông được đem về an táng tại quê nhà cùng với em trai và con của mình. Cảm kích trước tấm lòng trung trinh hiếu nghĩa của Nguyễn Tri Phương, vua Tự Đức đã yêu cầu cho bộ Công xây dựng đền Trung Hiếu tại quê hương của ông để hiệp thờ ba vị.
Đền thờ Trung Hiếu “nhất gia tam kiệt”
Đền thờ Trung Hiếu “nhất gia tam kiệt”
           Cách thị trấn Phong Điền 10km là đến di tích. Suốt 140 năm qua, đền “nhất gia tam kiệt” đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng trung hiếu của người dân trong làng.
Theo ông Nguyễn Tri Dưỡng, hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Tri, đền được xây vào năm 1875, 2 năm sau kể từ ngày ông mất.
           Dựa vào sử sách của dòng họ Nguyễn Tri tại xã Phong Chương, ban đầu đền được xây theo kiểu nhà vườn với kiến trúc ba giang hai chái. Trên mái nhà có thờ hình tượng long phụng, mái rộng 5m, dài 7m, tường thành bao quanh đền dài 20m. Cũng theo ông Dưỡng, thì trước đây trong khu vực đền có một cổng ra vào nhưng giờ đã không còn.
            "Nếu căn cứ vào những ghi chép còn để lại thì cánh cổng rộng 1.6m, dày 0.5m, rộng 0.5m. Cách thềm có một bức bình phong rộng 2.3m,cao 1.9m, dày 0.2m", ông Dưỡng cho biết thêm.
              Sự tồn tại của ngôi đền này có lịch sử thăng trầm như chính cuộc đời của Nguyễn Tri Phương.
              Theo ông Nguyễn Xuân Hạp, nguyên Chủ nhiệm HTX Trung Thạnh thì ngôi đền này đã được đập đi và xây lại nhiều lần.
              “Năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu cho đập bỏ ngôi đền cũ để xây lại, năm 1977 ngôi đền do Nguyễn Văn Thiệu xây bị phá bỏ để xây lại ngôi đền khác, ngôi đền đó tồn tại cho đến năm 2007 trước khi nó được trùng tu lại hoàn toàn”, ông Hạp nhớ lại.
Năm 2007, được sự hỗ trợ của tỉnh, đền Trung Hiếu đã được khôi phục lại như nguyên bản lúc trước.
               Ngôi đền được thiết kế theo kiểu nhà vườn cổ của Huế, nhà có ba giang và hai chái, được làm hoàn toàn bằng gỗ.
             Ở chính giữa đền là án thờ Nguyễn Tri Phương. Năm 2009, Bộ VHTT cho đem bức tượng đồng của ông vào đền để thờ, hiện tại bức tượng đang được thờ tại án thờ của ông. Bức tượng cao 1.5m, được đặt trên một phiến đá hoa cương, được chạm khắc tinh xảo với hình hai con rồng trên ghế. Theo lời kể của ông Dưỡng, khi bức tượng dược đem vào thờ, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đứng ra làm lễ tiếp nhận tượng.
             Trong đền còn có hai án thờ để thờ Nguyễn Duy và Nguyên Lâm là em trai và con của Nguyễn Tri Phương, án bên phải thờ Nguyễn Duy, án trái thờ Nguyễn Lâm. Toàn bộ khu đền có diện tích khoảng 1500m2. Năm 1991, đền đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lăng mộ Nguyễn Tri Phương
             Cách đền khoảng 2km, lăng mộ Nguyễn Tri Phương nằm tại làng Đại Phú. Lăng của Nguyễn Tri Phương xây theo hình tròn dẹp (êlíp) xung quanh có la thành xây bằng gạch vồ, nguyên liệu xây lúc này chủ yếu vôi, mật mía, keo trâu tạo thành một hợp chất như xi măng. Hướng lăng quay về hướng Đông Bắc. Lăng rộng 7,70m, dài 9,7m.
              Nhắc đến cụ tổ của mình, con cháu của dòng họ Nguyễn Tri ở xã Phong Chương xưa đến nay vẫn giữ lòng tự hào về ông. Nhắc đến Nguyễn Tri Phương, ông Nguyễn Tri Khan, trưởng thôn Trung Thạnh và là hậu duệ của Nguyễn Tri Phương nói: “Tôi và toàn bộ con cháu dòng Nguyễn Tri tại xã Phong Chương cũng như các chi, nhánh khác dòng Nguyễn Tri rất tự hào về ông. Với tấm lòng trung hiếu của ông, của Phò mã Nguyễn Lâm và Nguyễn Duy sẽ là bài học được chúng tôi truyền lại cho co cháu mãi về sau”.
             Hằng năm, cứ đến ngày 5/11 âm lịch, con cháu của ông lại tổ chức hiệp kỵ cho ba vị. Cứ ba năm một lần lại tiến hành chạp mộ để tưởng nhớ ba vị.
             140 năm đã trôi qua kể từ ngày Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, nhưng những câu chuyện về ông, về tấm lòng trung hiếu của ba cha con ông vẫn được người dân làng Phong Thanh lưu giữ, và đền Trung Hiếu “nhất gia tam kiệt” sẽ mãi là biểu tượng cho tấm gương trung hiếu đó.

Chùa Giác Lương (Hiền Lương)

           Chùa Giác Lương do bà Hoàng Thị Phiếu và các tộc trưởng của các họ trong làng Hiền Lương xây dựng vào thời Lê Trung Hưng ở xứ Cồn Bệ, sau đó dời đến vị trí hiện nay.


          Chùa Giác Lương - một ngôi chùa được xếp hàng cấp quốc gia sớm nhất trong hệ thống chùa ở Thừa Thiên Huế
           Chùa xây hướng Nam, hình chữ nhật dài 14,60m; rộng 11,48m, sườn mái bằng gỗ, lợp ngói liệt, gồm 2 gian và 4 chái. Sát bên chùa có nhà Tăng. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi la thành hình chữ nhật, dài 79m; cao 1,20m; dày 0,50m. Mặt trước la thành xây trụ biểu. Cổng Tam quan đồ sộ, trên có lầu, dưới có ba cửa ra vào, quy mô lớn hơn nhiều ngôi quốc tự ở Huế. Trong chùa thờ 7 tượng Phật, thờ thánh Quan Công, Quang Bình, Châu Xương. Chùa có phối tự 12 vị thủy tổ các họ đã có công khai lập Làng.


Khuôn viên êm đềm, thanh tịnh của ngôi chùa cổ Giác Lương

          Tại chùa còn lưu giữ quả chuông lớn, đúc năm 1819, thân chuông đúc tên những người thợ rèn tài ba, những quan lại và những người giàu có đã cúng tiền đúc chuông và trùng tu chùa.
           Trong khuôn viên chùa còn có các Miếu: Cao các thành hoàng, Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần Quý Công và hai vị Dương Đại Lang.
           Kiến trúc ngôi chùa vô cùng độc đao mang đậm phong cách cung đình Huế
Chùa Giác Lương góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế trong dặm dài của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa của chùa Giác Lương
            Chùa Giác Lương đã được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 776-QÐ/BT ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch).

Du lịch sông Ô Lâu

          Du lịch dọc sông Ô Lâu với 4 loại hình. Cụ thể, ở thượng nguồn, sẽ tổ chức mô hình du lịch sinh thái, địa điểm chính là ở suối nước nóng Thanh Tân. Mô hình du lịch cộng đồng ở làng cổ Phước Tích, tại đây du khách được du thuyền trên sông, đi xe đạp tham quan làng cổ, khám phá ẩm thực với nhiều món ngon, dân dã... Du lịch làng nghề tập trung ở hai xã Phong Hòa và Phong Bình với các nghề và làng nghề gốm Phước Tích, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, đệm bàn Phò Trạch, đan lưới Vân Trình... ở khu vực đầm phá Tam Giang, huyện đang có chủ trương trồng rừng ngập mặn, không chỉ bảo tồn hệ sinh thái mà còn tạo nên điểm khám phá hấp dẫn cho du khách, kết hợp với thưởng thức thủy sản tươi ngon được đánh bắt ngay trên phá Tam Giang.

Sông Ô Lâu.

               Phong Điền là một trong những địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển du lịch dọc dòng sông Ô Lâu và Quốc lộ 49B. Ngoài những nơi nổi tiếng, được biết đến lâu nay thì có nhiều địa điểm, di tích thú vị khác khá mới mẻ ít được biết đến. Phò Trạch còn lưu giữ được điệu múa truyền thống có từ lâu đời, di tích miếu cổ Cồn Trên ở Phong Bình, di tích Chămpa cổ ở Ưu Điềm, hai ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo theo phong cách Gothic ở Điền Hương; điệu múa náp hay còn gọi là múa kiếm ở Điền Môn... sẽ là những nơi khám phá, trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
             Bãi tắm ở hạ nguồn sông Ô Lâu tại hai xã Điền Lộc và Phong Hải, mang đến sự đa dạng nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách. Du khách sẽ được thư giãn cùng với bãi biển đẹp.
               Dựa trên những tiềm năng và lợi thế sẵn có về du lịch sinh thái và làng nghề nói trên, tour du lịch dọc sông Ô Lâu đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội liên kết các điểm du lịch. Từ đó, người nông dân sẽ là người hưởng lợi khi tham gia cùng làm du lịch.

Phá Tam Giang

           Nếu bạn chỉ có một ngày ở Huế, hãy chọn thời điểm thích hợp với lịch trình và sở thích bản thân để cảm nhận một Huế rất mới và thơ mộng.
          Nổi tiếng là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, cách thành phố Huế khoảng 12 km và cách trung tâm huyện lị Phong Điền chừng 20km, phá Tam Giang mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, vắng lặng khiến bất kỳ ai đến đây cũng đều thán phục, trầm trồ và òa lên sung sướng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang.
        Vẻ đẹp khó cưỡng nhất là lúc đầm phá khoác lên mình chiếc áo vàng óng của bình minh và màu đỏ tía lúc hoàng hôn buông xuống. Trên con thuyền nhỏ lướt nhẹ giữa gió, nước, mây trời, bạn sẽ như hòa lẫn vào khung cảnh nên thơ để cảm nhận một vùng trời nước đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa.
         Tùy theo thời gian thu xếp được mà bạn cảm nhận vẻ đẹp của phá lúc bình minh, hoàng hôn hoặc cả ngày dài. Thời điểm đẹp nhất ngắm bình minh trên phá là từ 5h30 đến 7h. Bạn hãy dậy thật sớm rồi thuê một chiếc xe máy để hòa mình vào không khí trong lành, thoáng đãng của nông thôn Huế, với những hàng cây xanh mát hai bên đường.
            Khi đến đầm Chuồn, một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang, bạn sẽ thấy hoạt động tấp nập của ngư dân khi trở về sau một đêm cần mẫn làm việc; trao đổi, mua bán tôm cá ngay trên con thuyền giữa phá; đặc biệt là chiêm ngưỡng bình minh dần ló dạng.
           Tại đây, thưởng thức bữa sáng với các món đặc sản dân dã trong vùng như bánh xèo với tôm, cá kình… sẽ là trải nghiệm chẳng thể nào quên. Bằng cách leo lên một nhà chòi trên phá, bạn có thể vừa ăn, vừa trò chuyện với dân chài hay chỉ là thả hồn vào sông nước mênh mông.
             16h00 đến 17h30 là thời điểm ngắm hoàng hôn tuyệt nhất. Thay vì xe máy, bạn hãy thuê chiếc xe đạp để đến phá Tam Giang, ngắm cảnh vật xung quanh và hòa mình vào thiên nhiên. Khi đến đây, bạn có thể thuê chiếc thuyền nhỏ để tận hưởng không khí trong lành mát rượi khi lướt nhẹ giữa quá, đắm chìm vào hoàng hôn.
             Con đường làng quanh co, uốn lượn theo dòng sông nhỏ dẫn bạn đến những cánh đồng lúa chín vàng ươm . Từ đây, bạn xuống thuyền để du ngoạn trên đầm, chiêm ngưỡng phong cảnh và tìm hiểu về cuộc sống thường nhật của người dân vùng đầm phá, lắm thú vị mà cũng lắm xót xa.
            Ghé thăm một hoặc hai ngôi nhà chòi trên phá, nhâm nhi một vài món hải sản nướng, bất kỳ ai cũng sẽ cảm nhận thấy một cuộc sống bình yên mộc mạc, khác xa với nhịp sống bộn bề của ngày thường.

Khu du lịch Alba Thanh Tân

          Vui chơi, nghỉ dưỡng tại suối khoáng nóng Alba Thanh Tân:
          Nếu bạn cần một chút nhẹ nhàng, tĩnh lặng có thể ngâm tắm với dòng suối khoáng nóng. Còn những người ưa thích hoạt động thể thao mạnh, có thể đến công viên nước nhiều trò chơi thú vị, đặc biệt là trò Highwire và Zipline.

             Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân được biết đến từ năm 1928 do bác sĩ A. Sallet khám phá tại vùng đất khô cằn ở chân núi Mã Yên, huyện Phong Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, với các thành phần cân bằng và ổn định, chất lượng của suối khoáng nóng này được sánh ngang với các mỏ khoáng của Pháp và châu Âu. Được biết đến như một địa điểm du lịch phục hồi sức khỏe nổi tiếng tại Huế dựa trên nguồn suối khoáng nóng thiên nhiên chất lượng, nơi đây mang đến cho du khách nhiều cách để tận hưởng một kỳ nghỉ vui tươi và khỏe khoắn.

           Nếu bạn cần một chút nhẹ nhàng, tĩnh lặng, bạn có thể ngâm tắm với dòng suối khoáng nóng. Sau đó, bạn thư giãn với các liệu pháp massage và spa tại đây. Đối với những người ưa thích các hoạt động thể thao mạnh, có thể đến với công viên nước nhiều trò chơi thú vị, đặc biệt là hai trò chơi Highwire và Zipline.

            Ngày 23/3, khu du lịch và nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân ra mắt hai dịch vụ thể thao mạo hiểm mới mẻ tại Việt Nam là thăng trên dây cáp – Highwire và đu dây mạo hiểm tự do (free-hanging Zipline).
             Hoạt động này nằm trong dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng của suối khoáng nóng Alba Thanh Tân trị giá trên 1,5 triệu đôla cho đến năm 2015. Tập đoàn đầu tư đa ngành của Pháp, Openasia là cổ đông chính. Cũng trong chương trình này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập hai kỷ lục: thăng bằng trên cáp lớn nhất và đu dây mạo hiểm tự do liên tục dài nhất Việt Nam cho hai trò chơi này.

             Thăng bằng trên dây cáp hay Highwire là một trò chơi thể thao cảm giác mạnh vẫn còn lạ lẫm tại Việt Nam. Điểm thú vị của trò chơi này là bạn sẽ phải vượt lên chính sự sợ hãi của mình để chinh phục các thử thách ở độ cao 6 m so với mặt đất trên dây cáp. Tại Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, Highwire có ba chặng với mức độ từ dễ tới khó, với tổng chiều dài 587 m, được làm từ 1.463 cấu kiện gỗ, gồm 32 thử thách.
              Chặng thứ nhất được thiết kế để cả nhà có thể chơi cùng nhau, mỗi trẻ nhỏ cao trên 1,1 m đều được đi cùng với bố hoặc mẹ. Chặng thứ hai và ba đòi hỏi độ tập trung cao hơn với nhiều thử thách khó hơn như: đi trên ván gỗ đung đưa trên dây, trèo qua cầu lưới, thăng bằng trên những khúc gỗ nhỏ hay băng qua cây cầu một dây. Dù không vận động mạnh như các môn thể hình nhưng người chơi sẽ phải dồn nhiều năng lượng để tập trung và lấy thăng bằng.
              Nếu bạn đang ao ước cảm giác tự do sải cánh như chim, bạn có thể thử Zipline của Alba Thanh Tân, bay từ độ cao 45,5m từ núi Mã Yên, băng qua rừng xanh ngút mắt và hạ cánh xuống cạnh bờ hồ thơ mộng của suối khoáng nóng. Trò chơi này có tổng chiều dài 560m liên tục.

           Highwire và Zipline tại đây được thiết kế, xây dựng và lắp đặt bởi đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên của Altus - tập đoàn của Pháp, dẫn đầu thế giới về các trò chơi mạo hiểm trên cao. Toàn bộ thiết bị bảo vệ cơ thể gồm: dây đai an toàn, móc an toàn, ròng rọc và dây thừng được nhập khẩu 100% từ Pháp.
           Hai trò chơi này đã đạt chứng chỉ chất lượng bởi tổ chức Vertic Alps Expertise - Pháp, và Trung tâm kiểm định chất lượng của Bộ Xây dựng Việt Nam. Để tìm hiểu thêm thông tin về trò chơi hay các dịch vụ nghỉ dưỡng tại suối khoáng nóng Alba Thanh Tân.

Theo Vietnamnet.com

Hương xưa làng cổ Phước Tích

             Làng Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là ngôi làng cổ còn giữ được nhiều nhà rường và đền thờ khá nguyên vẹn, trong đó có những ngôi nhà được dựng lên hơn 500 năm về trước. Phước Tích còn nổi tiếng về nghề gốm truyền thống từ xa xưa.
1. Dấu tích làng Việt
            Làng Phước Tích được khởi dựng từ khoảng những năm 1470, dưới đời vua Lê Thánh Tôn. Người được xem là ông tổ khai sinh làng là hầu tước Hoàng Minh Hùng, quê ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lúc này, làng được gọi là xứ Cồn Dương, nằm bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa. Ngoài cây thị hơn 500 tuổi, đầu làng có miếu thờ Khổng Tử và cuối làng có miếu Đôi thờ ông tổ Hoàng Minh Hùng và ông tổ khai sinh nghề gốm.
Nhà rường 5 gian ở làng Phước Tích. 
             Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc... khi đến đây đã tỏ ra ngạc nhiên và thú vị vì sự nguyên vẹn của hệ thống nhà rường và nhà thờ dòng họ. Đặc biệt, các nhà rường có độ tuổi gần 500 năm ở Phước Tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn, mang dáng dấp và đặc điểm của nhà rường vùng Bắc Trung bộ thuở xưa. Huế vốn là địa phương có nhiều nơi rất nổi tiếng về nhà rường như Phú Mộng-Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế… nhưng chỉ có Phước Tích mới có hệ thống nhà rường cổ dày đặc và gần nguyên vẹn như thế.
             Theo thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện Phước Tích có 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ các dòng hộ (trong số 117 ngôi nhà của làng), đa số là nhà rường dạng ba gian hai chái.
              Những ngôi nhà cổ ở đây tổ chức, sắp đặt có nền nếp, làm cho khoảng không gian đường làng, ngõ xóm trở nên có nề nếp. Mỗi nhà đều có khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, trồng các loại cây ăn trái theo mùa. Bao quanh ngôi nhà và lối vào nhà đều là hàng rào chè tàu, cắt tỉa thẳng tắp.
              Về trang trí trong nhà, hệ thống nhà cổ ở đây được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên (cùng thuộc xã Phong Hòa) chạm khắc những nét tinh xảo, độc đáo. Hiện có 12 nhà rường tại đây được xếp vào danh sách các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt. Không chỉ là nhà rường cổ, ở Phước Tích vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hoá khác của người xưa như dấu tích của nền văn hoá Chăm cổ, những thiết chế tổ chức làng Việt, hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng... phục vụ đời sống văn hoá cộng đồng.


Một ngôi nhà 3 gian đã tồn tai hơn 200 năm. 
2.Hương xưa làng cổ
            Cùng với việc lập làng, những lưu dân phía Bắc vào đây mang theo nghề gốm và qua thời gian đã làm nên tên tuổi hàng gốm Phước Tích. Cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xa hơn nữa…
            Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè… Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.

Ảnh: Cây thị ở đầu làng đã hơn 500 tuổi. 
               Suốt mấy trăm năm tồn tại, nghề gốm đã nuôi sống cư dân trong làng. Khoảng năm 1989, nghề gốm ở Phước Tích bắt đầu xuống dốc và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. Con cháu trong làng phần lớn chọn con đường lập nghiệp phương xa, chỉ còn lại những cụ già và một ít thanh niên làm nghề thủ công, việc vực dậy làng nghề truyền thống ngày càng trở nên khó khăn.
             Trong các kỳ Festival Huế 2006 và 2008, làng cổ Phước Tích được giới thiệu và lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước với hoạt động triển lãm gốm truyền thống và tour “Hương xưa làng cổ”.
            Số nghệ nhân gốm thế hệ trước, nay còn không tới chục người. Hơn ba năm trước, Sở Công Nghiệp (nay là Sở Công Thương) Thừa Thiên-Huế đã tài trợ cho bốn thanh niên (làm nghề kim hoàn, thợ may) trong làng đi học thêm về nghề gốm ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) trong 6 tháng để về phục dựng lại làng nghề gốm Phước Tích.
              Nhờ đó, sau hai mươi năm tắt lửa lụi nghề, ngày nay một số lò gốm trong làng đã được hồi sinh. Cùng vốn quý nhà cổ, việc phục hồi nghề gốm truyền thống đã đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương đến Thừa Thiên-Huế.

Làng kim hoàn Kế Môn

             Theo sử sách xưa còn ghi lại thì làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông, làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.
              Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân - Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề Kim hoàn khi đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng kế Môn nên sau khi vào cung ông Độ đã trở về và dạy nghề cho người dân ở đây.
 
Nhà thờ tổ nghề kim hoàn tại làng Kế Môn
Nhà thờ tổ nghề kim hoàn tại làng Kế Môn​
             Từ đó đến nay đã được hơn 200 năm, cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn của xứ đàng trong. Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào, tiêu biểu là ông Cao Đình Độ quê ở Thanh Hóa đã đến định cư ở làng Kế Môn hành nghề kim hoàn và mở lớp truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.
               Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới, .nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn, nghề làm vàng từ đây mà tỏa ra khắp cả nước.
​               Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước, hiện tại tiểu bang Texas của Mỹ có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn. Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn.
         Ngày nay, dù con dân Kế Môn đã tỏa đi xa nhưng có lẽ Huế mới thật sự là cái nôi bậc nhất cho nghề kim hoàn phát triển khi còn giữ được dấu ấn lịch sử của một thời vang bóng. Ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn vẫn còn lưu giữ ở đất Thần Kinh thì cũng chỉ có đến Huế du khách mới có cơ hội trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống. Để tưởng nhớ và tôn vinh nghề kim hoàn, cụ đồ An có viết bài thơ “Tặng người thợ bạc” treo kỷ niệm tại Từ đường nhà thờ tổ.
 
“Lò bạc nghe ra tiếng cũng thèm
Ngày ngày luyến tiếp khách hàng sang
Dát hàn theo thế hình long hổ
Đầu chạm làm nên cảnh phụng loan
Lắm thuở cầm cung day mũi bạc
Từng phen lên ngựa trửi ngàn vàng
Rao tài bủa vớt oai lừng lẩy
Nghề nghiệp lâu dài vững đặc san”

Làng gốm Phước Tích

           Đi từ phía Bắc vào hay trong Nam ra, trên tuyến Quốc lộ 1A đến ngã ba chợ Mỹ Chánh, theo Quốc lộ 49 khoảng 800m, qua cầu Phước Tích rẽ tay phải là đến làng Phước Tích. Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập vào năm 1470 và nổi danh khắp kinh thành Huế về nghề gốm. Nghề gốm ở Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi, từng là vật phẩm tiến vua, từng nuôi sống bao thế hệ người dân ở ngôi làng bé nhỏ nép mình bên dòng Ô Lâu trong xanh, hiền hòa.

Một lò gốm ở làng Phước Tích.

          Theo lời các nghệ nhân còn sót lại của làng kể: "Gốm Phước Tích từng là một đặc sản nổi tiếng khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới dạng các loại gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống... . gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo một thời, đến nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế".Thời hoàng kim của nghề gắn chặt với thời điểm làng thành lập. Trong làng có cả thảy 12 lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt khói. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Dưới sông, trên bờ ngược xuôi tấp nập tàu thuyền đưa gốm của làng đến tận Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn...
            Chất liệu chính của sản phẩm gốm Phước Tích khai thác ở vùng Diên Khánh (Quảng Trị), đất sét - người thợ thường gọi là kẻ được chia thành nhiều loại: kẻ tốt, kẻ màu... Trong quy trình sản xuất gốm, kẻ tốt được dùng để sản xuất những sản phẩm có thành mỏng, hình khối lớn, kẻ màu dùng làm những đồ vật không yêu cầu về mặt ngoại hình. Sản phẩm gốm, qua các công đoạn làm đất, chuốt, làm nguội... với sự hỗ trợ của các công cụ: thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, gót chân, vòng vá nhắm, dợ sát, trang, cái lù, tre dồn... và nung trong những dạng lò sấp hay lò ngửa. Đôi tay của người thợ Phước Tích cho ra đời nhiều sản phẩm từ hàng trăm năm nay có mặt trong mọi gia đình Huế dưới dạng các loại đồ đựng như: lu, hông, ảng, hủ, độc, trình, thống...; các loại đồ nấu như om, siêu, nồi, ấm; dụng cụ sinh hoạt khác như: bình vôi, bình hoa, dĩa dầu chuồng...; hay chiếc oa ngự dụng (om ngự) dùng trong buổi ngự thiện của nhà vua mà dân gian thường gọi là om cồi luôn là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Cồn Dương.
             Ngày nay, trước sự cạnh tranh của hàng nhựa công nghiệp, trên những gian hàng xén của làng quê miền Trung đã vắng dần hình ảnh thân quen của mặt hàng độc Phước Tích. Tuy nhiên, Phước Tích vẫn là ngôi làng được nhiều người biết đến, bởi sản phẩm thủ công của họ vẫn là vật gần gũi với mọi người trong một thời gian dài và cả trong ký ức.

Làng Đan lưới Vân Trình

              Làng Vân Trình (hay còn gọi với cái tên thân thương như Làng Triền, Làng Rào) là một trong những làng quê có lịch sử lâu đời của vùng đất Thuận Hóa, được khai canh trên bước đường di dân vào Nam để mở mang bờ cõi theo tiếng gọi thiêng liêng của Chúa Nguyễn Hoàng.

Làng nghề Đan lưới Vân Trình đón nhận bằng công nhận "Làng nghề truyền thống",

             “Nguyên liệu để đan thành một tay lưới để đưa vào sử dụng ngày xưa người ta lấy từ những sợi chỉ tơ tự nhiên, đan mặt lưới bằng những chiếc kim đan, cự (cỡ) làm bằng cây tre, những thỏi chì tán mỏng để gắn vào dây gất đòn ở phía tay lưới, cùng tác dụng với dãy hàng phao phía trên với tác dụng giữ độ thẳng đứng ở dưới nước để giăng đánh bắt thủy sản. Phao được làm từ cây Re chặt ở trên rừng về, người ta dùng trái cây dành dành hoặc lá, vỏ một số loại cây rừng khác nấu lên để nhuộm phao nhằm phân biệt được màu và đảm bảo độ bền khi sử dụng, gắn chì vào dây gất đòn dưới của tay lưới để giữ độ thăng bằng giữa phao và chì, quá trình đan thành một tay lưới phải trải qua nhiều công đoạn đều được làm bằng thủ công”
             Hiện tại, màng lưới dệt bằng máy móc đã thay thế hoàn toàn màng đan lưới bằng tay, quá trình sản xuất màng lưới ngày nay cũng đơn giản với công đoạn gắn chì hay kết phao … ; nhưng nghề này tạo công việc, thu nhập cho hơn 500 lao động của làng với nhiều lứa tuổi khác nhau, đã tận dụng quỹ thời gian trong ngày và sau 2 vụ mùa lúa nông nhàn.

Làng Nước mắm Phong Hải

            Nghề làm nước mắm ở Phong Hải là nghề gia truyền, xuất hiện cùng nghề đánh bắt trên biển của người dân xã này. Và khi nói về nước mắm ở làng nghề Phong Hải, câu nói cửa miệng của người ta bao giờ cũng là nước mắm cá cơm đặc sản mang thương hiệu Đảnh Vân loại nước mắm nức tiếng xứ Huế được chế biến công phu.
           Có một thứ gia vị rất thường, rất dân dã nhưng lại gắn bó, thân thuộc đến không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, trong thú ẩm thực của người Việt Nam. Nó là vị quê hương – nỗi nhớ của người xa xứ – thứ gia vị ấy chính là nước mắm và từ tinh cốt cá cơm vùng biển Phong Hải được chiết xuất theo phương pháp cổ truyền đã làm nên đặc sản nước mắm nguyên chất mang nhãn hiệu Đảnh Vân có độ đạm tự nhiên của cá với hương vị thơm ngon, tinh khiết và bổ dưỡng


           Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng biển Phong Hải có loài cá cơm với sản lượng khai thác rất nhiều. Đây là nguồn nguyên liệu chế biến nước mắm truyền thống của Đảnh Vân. Sau một năm đưa vào muối chượp, cá cơm cho ra loại nước mắm có hương thơm nồng nàn, vị ngọt quyến rủ, sắc màu vàng ong của cá. Trong quá trình sản xuất nước mắm tuyệt đối không để nước lã dính vào, chỉ cần vài giọt trộn lẫn vào thì nước mắm sẽ không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó phải đậy kín bể muối cá để tránh ruồi muỗi bâu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh cho bể mắm...
            Nước mắm Phong Hải Đảnh Vân không thể nhầm lẫn với các sản phẩm nước mắm khác là màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất riêng, vị mặn, vị ngọt có cả, vị béo của đạm đã tạo mùi vị đặc trưng của nước mắm Đảnh Vân. Ra đời gần 10 năm đến nay, Đảnh Vân đã trãi qua bao thăng trầm và hiện nay thương hiệu Đảnh Vân đã nổi tiếng tại vùng đất cố đô .
            Người dân xã Phong Hải coi các chị Hồ Thị Vân và Hoàng Thị Đảnh là những ân nhân của xã. 2 phụ nữ này đã khôi phục nghề làm nước mắm ở Phong Hải và đưa nước mắm nơi đây xuất ngoại.
           Chị Hồ Thị Vân và chị Hoàng Thị Đảnh - có thâm niên hơn 40 năm làm nước mắm gia truyền, đã khôi phục và xây dựng thương hiệu cho nước mắm Phong Hải. Hai chị cất công đến những nơi có nghề làm nước mắm nổi tiếng như Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc… để học hỏi kinh nghiệmsản xuất nước mắm.
            Trở về quê, 2 chị huy động 2,5 tỷ đồng làm vốn thành lập DNTN Đảnh Vân, chuyên sản xuất nước mắm, do chị Vân làm giám đốc. Hai chị cũng tích cực tham gia các lớp đào tạo chất lượng và kỹ năng kinh doanh để phát triển bền vững. Nhờ đầu tư bài bản nên sản phẩm nước mắm do cơ sở làm ra không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn Thừa Thiên-Huế mà còn “làm mưa làm gió” ở nhiều tỉnh, thành khác, như Quảng Trị, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh…
             Không bằng lòng với thành quả đã đạt được, chị Vân và chị Đảnh còn nghĩ cách đưa nước mắm Phong Hải xuất ngoại. Sau quá trình làm hồ sơ, thủ tục gian nan, rồi sản phẩm nước mắm Phong Hải cũng được phía Chính phủ Mỹ đồng ý cấp quota nhập vào nước này với thời hạn 10 năm. Đầu tháng 3.2011, lô hàng nước mắm Phong Hải đầu tiên đã được xuất sang Mỹ bằng đường thủy. Lô hàng đầu tiên đi Mỹ là 4000 lít nước mắm
            Chuyện về hai bà ở xã Phong Hải với thương hiệu nước mắm Đảnh Vân là một minh chứng về sự tảo tần của những người phụ nữ vượt khó. Dù trải qua không ít thất bại nhưng điều người ta trân quý nhất bà Vân và bà Đảnh đó là lòng yêu nghề.
            Nước mắm Phong Hải Đảnh Vân luôn đặt ra phương châm cho mình là: “Phát huy làng nghề truyền thống, giữ vững chữ tín với khách hàng, an toàn khi sử dụng”. Luôn luôn xem “Truyền thống là niềm danh dự”. Chính vì niềm tin đó, thương hiệu nước mắm Đảnh Vân đã và đang dần dần khẳng định vị thế trong bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Làng Rèn Hiền Lương

            Theo sử sách thì dưới triều Tây Sơn, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã tham gia quân đội, họ đã rèn gươm dáo cho nghĩa quân Tây Sơn, trong số ấy có một người họ Hoàng được tuyển chọn để rèn thanh gươm cho chủ soái Nguyễn Huệ.

Sản phầm làng rèn Hiền Lương.

            Vào đầu thời vua Nguyễn, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã có chân trong Ngạch quân võ, Võ khố nha và Bách công Dạ Tượng cuộc mà tên tuổi các ngài còn ghi trong sách sử hay như trên quả chuông lưu tại chùa làng. Như ngài Trần Văn Đắc, một thợ rèn có nhiều công lao trong việc đào tạo thợ thuyền cho triều đình cũng như ngoài dân gian, được vua Minh Mạng đến vua Tự Đức ban cấp nhiều sắc bằng. Ngài Hoàng Văn Lịch, một thợ rèn Hiền Lương. Do trí thông minh và chịu khó nên việc học nghề sớm thành tài. Đầu triều Gia Long ông được sung vào ngạch quân võ, thăng dần lên Cai đội, rồi Lãnh binh. Đến cuối triều Minh Mạng, theo lệnh vua ông đã trực tiếp chỉ huy chế tạo thành công ba chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước khác nhau và có tên: Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi. Hoàng Văn Lịch được xem như người: "Kỹ sư chế tạo tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam". Theo Hương phổ của làng, ngoài việc có công chế tạo tàu thủy, ông còn rèn ra được một loại gươm rất sắc bén, dầu cây to một ôm, cũng có thể chém một nhát là đứt ngay; và ông còn chế ra các thứ súng bắn bằng hơi chứ không phải bằng thuốc. Do công lao của mình mà ngài được vua Minh Mạng thụ phong Hầu tước. Quả là một việc hiếm thấy xưa nay. Đánh giá công lao của ông trong lịch sử đóng tàu thủy chạy bằng máy hơn nước của Việt Nam, trong đợt đặt tên đường phố lần thứ IV năm 2005, tên tuổi của Hoàng Văn Lịch đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế lấy để đặt cho một con đường ở vùng cảng Bãi Dâu, thuộc phường Phú Bình, thành phố Huế.
             Vào cuối thế kỷ 19, theo Chiếu Cần vương, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã hăng hái tòng quân lên chiến khu Tân Sở, mở lò sản xuất vũ khí chống Pháp.
             Đầu thế kỷ 20, nhiều thợ rèn Hiền Lương trở thành những người thầy thầy dạy nghề rèn và cơ khí tại trường Bá công (Bách nghệ kỹ nghệ thực hành đầu tiên của Việt Nam) được lập tại Huế dưới triều vua Thành Thái…
            Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều con dân Hiền Lương đã đi theo cách mạng, đem nghề rèn phục vụ kháng chiên cứu quốc trong ngành quân giới, súng đạn, hỏa xa tiêu biểu như các vị Hoàng Trình, Trương Công Cẩn, Hoàng Ngọc Diêu, Dương Phước Phùng...Có người như ông Trần Hữu Nam vừa hoạt động tuyên truyền cách mạng vừa đem nghề rèn dạy cho người dân miền núi Thừa Thiên, nên được dân kính trọng gọi bằng danh xưng thân thương: "Ông Cu Đe"... Từ người thợ rèn đi làm cách mạng, về sau họ trở thành những tướng lĩnh, cán bộ trung, cao cấp của Đảng, quân đội, Nhà nước...Và cũng chính nhờ nghề rèn truyền thống mà con dân Hiền Lương sớm được học hành đỗ đạt: thời Hán học đã có nhiều người đỗ đại khoa, cử nhân, tú tài; thời hiện đại nhiều người là PGS.Tiến sĩ, Bác sĩ, kỹ sử, nhà văn, nhà báo, nhà giáo... đều không quên cái gốc con dân làng rèn.
              Những năm gần đây, trong công cuộc đổi mới đất nước, rất nhiều người con dân làng rèn Hiền Lương sống ở mọi miền Tổ quốc đã được phong Nghệ nhân Bàn Tay Vàng nhờ có kỹ năng nghề rèn – cơ khí tinh xảo bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Hiền Lương. Nhiều doanh nghiệp cơ khí của người Hiền Lương được thành lập và làm ăn phát đạt.
             Nói về nghề rèn Hiền Lương xưa, ngay vào giữa thế kỷ 19, cụ Đặng Huy Trứ, một danh sĩ nổi tiếng của đất nước, ông Tổ nghề Nhiếp ảnh Việt Nam, đã cảm phục và mến mộ Nghề Rèn làng Hiền Lương, qua tác phẩm “Đặng Hoàng Trung thi sao” cụ có bài thơ “Dã nhượng Hiền Lương”. Xin được thoát dịch bài thất ngôn này ra thể lục bát:
Nghề rèn phải nhường Hiền Lương
                      “Nghề rèn nối nghiệp vì đời
                Gần xa đều biết tiếng người Hiền Lương
                        Sấm vang tiếng búa Ngô Cương
                Bễ lò Thái Ất bốn phương gió đầy
                       Công lao trời đất đặt bày
                Mưu sinh năm tháng vui vầy vợ con
                       Đến mùa, nhà hóa chợ đông
                Hái, liềm, cày, cuốc…nhiều không chỗ bày”.
           Nghề rèn đã đem ngôi làng thuần nông Hiền Lương lên một vị thế mới. Nhớ ơn vị Tổ sư và các bậc tiền nhân đã dày công truyền dạy nghề rèn cho dân làng, vào cuối thế kỷ 18, dân làng đã thiết lập một ngôi nhà tranh, rước thần chủ vị Tổ Sư Nghề Rèn vào thờ, sau này ngôi nhà tranh ấy đã trở thành Tổ Đình Nghề Rèn Hiền Lương. Trải qua năm tháng, trên nền cũ xưa, nhà thờ Tổ Nghề Rèn cũng đã nhiều lần được dân làng xây dựng lại, từ nhà tranh thành nhà ngói. Kiến trúc theo kiểu truyền thống, chung quanh xây la thành bao bọc, trước dựng trụ biểu tạc câu đối tôn vinh, xây bình phong chắn chướng khí, đào hồ chữ nhật để thả cá, vừa trồng sen làm mát mùa hạ, vừa lấy nước phòng hỏa khi cần. Ở nội điện Tổ Đình, chính giữa thờ vị Tổ Sư Nghề Rèn, văn tế hàng năm linh bái ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, về sau triều Nguyễn lại gia phong Thái Lợi Chi Thần, cùng phối thờ liệt vị tiên sư.Tả hữu nội điện thờ tiên hiền, hậu hiền trong làng và những người có công với nghề rèn truyền thống.

Lễ đón nhận bằng công nhận "Làng nghề truyền thống" tại tổ đình Nghề Rèn

            Xuân thu một năm hai lần tế bái. Chánh giỗ ngài Tổ Sư nhằm ngày 18 tháng hai âm lịch hàng năm, con dân dâu rể của làng và cả những học trò nghề rèn ở mọi miền đất nước thường trở về đây chiêm bái, tri ân Tổ sư Nghề Rèn và bao lớp thầy thợ ngày trước đã truyền dạy cho hậu thế cái nghề lương thiện “đứng đầu trong bách nghệ” làm rạng danh ngôi làng và góp phần mở mang cơ nghiệp vững vàng của nghề cơ khí nước nhà như hôm nay và cầu mong mọi điều tốt lành. Đồng thời cũng là một cách “bảo thủ hương phong”, lưu giữ những giá trị lịch sử, nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau về một ngôi làng nghề truyền thống của xứ Thuận Hóa – Phú Xuân và của Thừa Thiên Huế ngày nay trước những đổi thay của thời cuộc.