Phong Điền thời Trần (1306 - 1400)
Mùa Hạ năm 1306, đám cưới giữa Chế Mân và Huyền Trân diễn ra. Vua Chăm Pa xin dâng hai châu Ô và Lý làm lễ vật dẫn cưới. Đây là cột mốc lịch sử quan trọng đánh dấu dải đất từ bờ Nam sông Hiếu đến sông Thu Bồn (Quảng Nam), trong đó có Phong Điền, được tích hợp vào lãnh thổ quốc gia Đại Việt.
Buổi đầu, sự kiện này không tránh khỏi phản ứng của một số người dân Chăm Pa. Năm Đinh Mùi (1307) vì dân các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không phục, vua đã sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài “đến tuyên dụ đức ý, chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất miễn tô thuế trong 3 năm”, rồi đổi hai châu Ô, Lý làm hai châu Thuận, Hoá. Phong Điền đi vào ổn định với bộ máy địa phương do người Chăm Pa quản lý. Bấy giờ, cư dân Chăm Pa vẫn ở lại đất này, sống rải rác ở vùng đồng bằng sông Ô Lâu và vùng đầm phá ven biển. Họ tỏ ra thành thạo nghề nông cũng như nghề đánh cá ven đầm phá, sông biển, cùng chung sức với người Việt nhập cư lập nên các làng xã mới. Ở vùng đầu nguồn, thung lũng phía Tây là thiểu số cư dân làm nương rẫy và săn bắt hái lượm.
Từ năm 1307, công cuộc di dân của người Việt từ đồng bằng Thanh - Nghệ vào vùng đất mới được mở ra. Con đường di dân là tuyến thuỷ trình ven biển, men theo đầm phá, rồi ngược dòng Ô Lâu, định cư ở các dải đất phù sa màu mỡ ven sông, ven phá. Đó là quá trình cộng cư với dân Chăm Pa bản địa mà văn bản Thỉ Thiên tự (nguyên ủy việc di dân) miêu tả sự chung sống hòa bình giữa người Việt và người Chăm cuối thế kỷ XIV thời khai phá lập làng Câu Lãm (Bắc sông Ô Lâu) đã chứng minh.
Cho đến cuối thế kỷ XIV, trong 7 huyện của Hóa châu thời này (Trà Kệ, Lợi Bồng, Sạ Lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh gồm trên dưới 40 làng, ấp) thì có thể một số làng ở huyện Trà Kệ, Sạ Lệnh, Bồ Đài bắt đầu hình thành. Đó chính là địa bàn của huyện Phong Điền hiện nay.
Sau khi Chế Mân mất, quan hệ Việt - Chăm không còn yên bình. Liên tục trong các năm 1312, 1314, 1318, 1324, 1352, 1362, vua tôi nhà Trần đã phải cầm quân đánh dẹp và giao việc trấn giữ cho các trọng thần như Hưng Hiếu Vương, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình.
Mùa xuân năm 1365, dân quê đang tổ chức lễ hội vui chơi Tết trước miếu Bà Yàng ở Trạch Phổ (xã Phong Hoà) thì bị quân Chăm Pa mai phục ở đầu nguồn châu Hoá bắt cóc đem về Chăm Pa. Để tăng cường sự ổn định ngoài biên viễn, năm 1372, vua Trần Nghệ Tông đã cất nhắc một viên quan người địa phương là Hồ Long làm Đại Tri châu Hoá châu. Cuối thế kỷ XIV, chiến tranh Việt - Chăm diễn ra ác liêt. Vua Trần Duệ Tông bị phục kích chết ở Chà Bàn năm 1377. Vua Chế Bồng Nga nhiều lần cướp phá vùng ven biển và vào tận Kinh thành Thăng Long đồng thời chiếm giữ châu Hoá, cho đến năm 1389 khi Chế Bồng Nga bị bắn chết, quân Chăm Pa mới rút lui.
Chiến tranh biên viễn suốt thế kỷ XIV đã làm chậm quá trình di dân lập làng của người Việt trên đất Phong Điền cũng như cả vùng Thuận Hóa, những làng mạc mới thành lập và những làng Chăm xơ xác, tiêu điều. Những thế hệ đầu tiên khai canh, lập làng ấp phần lớn bị phiêu tán và ruộng đồng hầu hết hoang hoá, phải đến thế kỷ sau mới phục hồi trở lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét