Lịch sử Phong Điền trong giai đoạn từ thế kỷ II đến năm 1306 nằm trong bối cảnh chung của vương quốc Lâm Ấp - Chăm Pa mà diễn trình của nó còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tuy nhiên, mật độ dày đặc của các phế tích Chăm Pa ở Phong Điền đã minh chứng cho một thời kỳ mật tập của cư dân Chăm Pa trên mảnh đất này.
Nước Lâm Ấp được thành lập vào cuối thời Hán (khoảng 190 - 193) ở huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam, rồi sau đó “dần vươn ra phía bắc, kiêm tính cả 5 thành”. Vị trí huyện Tượng Lâm, nơi khởi phát cuộc nổi dậy thành lập nước Lâm Ấp nằm ở cực Nam Nhật Nam nhưng hiện nay chính xác là ở địa bàn Thừa Thiên Huế hay Quảng Nam thì chưa thống nhất. Chỉ biết rằng sau sự kiện Lâm Ấp lập quốc, nhà Đông Hán suy yếu dần. Thời Tam Quốc, nhà Ngô không ổn định được tình hình nước ta. Năm 248, ở Cửu Chân nổ ra cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, Lâm Ấp đưa quân tiến đánh huyện Thọ Lãnh, chiếm giữ được thành Khu Túc và lấy huyện Thọ Lãnh làm biên giới, nước Lâm Ấp từ huyện Tượng Lâm mở rộng ra đến khu vực trên sông Gianh.
Trong bối cảnh nước Lâm Ấp ra đời và mở rộng từ cuối thế kỷ II đến nửa đầu thế kỷ thứ IV, mảnh đất Phong Điền đã trở thành một địa bàn để Lâm Ấp làm bàn đạp bành trướng lên phía Bắc. Sau đó, cùng với quá trình hình thành một nhà nước độc lập thì từ những sắc thái bản địa, chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán đã chuyển dần sang một quốc gia tiếp nhận những yếu tố của văn hoá Ấn Độ. Phong Điền cũng từng bước tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới.
Tấn Thư kể về vùng đất Lâm Ấp: “bốn mùa ấm áp, không có sương tuyết. Người đều ở trần, đi chân, lấy da màu đen làm đẹp. Nữ quý nam hèn, cưới nhau trong họ, đàn bà phải sắm sính lễ trước, mặc áo ca bàn, một bức vải rộng may ngang, đầu đội hoa quý. Cư tang thì cắt tóc gọi là hiếu, thiêu xác giữa đồng gọi là chôn. Vua đội mũ triền thiên đeo đủ thứ tua giải, mỗi khi triều chính con em bề tôi hầu cận không được đến gần”. Một số di vật tại Quảng Nam, Quảng Bình đã chứng minh sự du nhập của đạo Phật từ Ấn Độ vào Lâm Ấp ngay đầu công nguyên. Chắc chắn ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đã thấm đến vùng đất Thừa Thiên Huế, tạo cho vùng đất này nói riêng và khu vực từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang nói chung trở thành một trong những ngã tư đường đón nhận những nền văn hoá lớn của thế giới lúc bấy giờ.
Từ năm 349, khi nhà Tấn quyết định phản công Chăm Pa cho đến cuộc hành quân của Lưu Phương (605) nhà Tùy, khu vực từ đèo Ngang đến bên kia đèo Hải Vân, trở thành một vùng tranh chấp ác liệt. Chắc chắn cư dân ở thời kỳ này là nạn nhân của tình trạng bắt lính, bắt phu, bắt làm tù binh của các thế lực giao tranh. Sau đó, các vua Lâm Ấp áp dụng một chính sách hoà hiếu với lân bang.
Sự yên ổn trong hơn ba thế kỷ (605 - giữa thế kỷ thứ X) đã tạo điều kiện để Chăm Pa trở thành một vương quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử của nó, với một lãnh thổ phía Bắc đến đèo Ngang, phía Nam đến tận Đồng Nai. Vùng đất Phong Điền trong lòng của vương quốc Chăm Pa có điều kiện phát triển về kinh tế lẫn văn hoá. Các bi ký và phế tích còn lại trong vùng Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và riêng ở Phong Điền đã minh chứng cho điều đó.
Khi quốc gia Đại Việt khôi phục được nền độc lập tự chủ từ năm 905, vương quốc Chăm Pa đứng trước những áp lực mới từ Trung Quốc, Chân Lạp và đặc biệt là từ Đại Việt. Sau sự kiện giúp sứ quân lưu vong Ngô Nhật Khánh chống Đại Cồ Việt bất thành; năm 980, vua Chăm lại bắt giam sứ bộ của nhà Tiền Lê, Lê Đại Hành thân chinh đánh phá kinh đô Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam). Vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân trở thành vùng chiến tranh biên giới. Năm 1043, chiến thuyền của Chăm Pa cướp phá vùng ven biển. Năm 1044, Lý Thái Tông đích thân chỉ huy thuỷ quân chống đánh ở cửa biển Tư Hiền. Vua Chăm Pa là Sạ Đẩu tử trận, vua Lý tiến quân vào chiếm kinh đô Vijaya (Chà Bàn) rồi rút về.
Năm 1069, chiến tranh lại bùng nổ. Chế Củ cho quân đánh vào cửa biển Đại Việt. Vua Lý đem thuỷ quân tiến đánh, chiếm kinh đô Vijaya. Chế Củ bị bắt, phải dâng đất ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để chuộc tội. Từ đó, một vùng đất từ sông Gianh đến cửa Việt ngày nay thuộc về Đại Việt. Vùng đất Phong Điền, Bắc Thừa Thiên Huế và Nam Quảng Trị ngày nay trở thành biên giới cực Bắc của Chăm Pa. Chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra sau đó trong các năm 1074, 1103, 1104.
Từ đầu thế kỷ XII, thế lực Chân Lạp mạnh lên, không chỉ lấn cướp Đại Việt mà còn khống chế cả Chăm Pa. Năm 1220, lúc Jaya Paramesvaravarman II lấy lại được ngôi vua từ Chân Lạp thì ở Đại Việt nhà Trần thay thế nhà Lý (1225). Thời điểm này, người Chăm Pa thường dùng thuyền nhẹ cướp phá ven biển. Năm 1252, vua Trần Thái Tông phải thân chinh đánh Chăm Pa. Khi Jaya Indravarman VI nối ngôi, đã thực hiện chính sách hoà bình với Đại Việt, quan hệ hữu hảo tiếp tục được xây dựng.
Quan hệ Việt-Chăm đang diễn biến tốt đẹp thì ở phía Bắc xuất hiện đế quốc Mông - Nguyên muốn thôn tính lãnh thổ Việt, Chăm. Trước tình thế đó, vua Trần Nhân Tông cũng như Hoàng Thái Tử Bố Đích của Chăm Pa đều không chịu khuất phục. Năm 1282, vua Nguyên (Hốt Tất Liệt) yêu cầu Đại Việt cho mượn đường và cấp lương thực để quân Toa Đô sang đánh Chăm Pa. Vua Trần Nhân Tông không những cự tuyệt mà còn đem binh thuyền ứng viện Chăm Pa chống kẻ thù chung. Sau khi vượt biển đánh vào kinh đô Vijaya bất thành, Toa Đô buộc phải rút quân ra đóng ở biên giới Chăm - Việt (3 - 1284) để rồi sau đó bị quân Đai Việt chém đầu tại Tây Kết năm 1285. Sau chiến thắng, Hoàng Thái Tử lên ngôi lấy niên hiệu là Sinhavarman III (Chế Mân). Sau đó, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông theo đoàn sứ thần vào thăm Chăm Pa (1301). Ở chơi chín tháng, cảm mến Chế Mân, Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho vị vua này.
Tóm lại, trải qua những biến động xã hội lớn giữa những thế lực cầm quyền lúc bấy giờ, vùng đất Thừa Thiên Huế có may mắn trở thành món quà sính lễ của vua Chăm Pa dâng cưới công chúa Đại Việt. Dù còn phải trải qua một quá trình tranh chấp dai dẳng, nhưng cuối cùng mảnh đất châu Lý đã trở thành Thừa Thiên Huế ngày nay. Lịch sử Phong Điền và Thừa Thiên Huế bước sang một bước phát triển mới.
Từ một địa bàn trọng điểm trong thời kỳ Chăm Pa dựng nước, vùng đất cổ Thừa Thiên Huế với những cư dân bản địa ban đầu đã hoà nhập với cộng đồng các dân tộc của vương quốc Chăm Pa, liên kết đấu tranh thoát khỏi thân phận bị lệ thuộc Trung Quốc, sớm tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ với hệ thống chữ viết, dung hợp các hình thức tôn giáo của Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa mà những dấu ấn đến nay vẫn còn lưu lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, tiêu biểu là ở huyện Phong Điền. Nổi bật là tượng “Bà Lồi” và 12 hiện vật tại chùa Ưu Điềm, xã Phong Hòa. Tượng “Bà Lồi” có bệ, là dấu vết của một đền thờ Po Nagar, cao gần 80 cm có đôi vú tròn căng, chắp tay ngồi kiết già trên toà sen bằng đá... Hiện tượng đã được thiếp màu vàng, đầu sơn đen, bên ngoài có khoác áo mũ bằng vải vàng. 12 hiện vật điêu khắc Chăm Pa được tìm thấy và bảo lưu thờ cúng tại chùa là 2 mảnh bệ có kích thước lớn, 1 bộ ngẫu tượng Yony hình vuông, Linga hình khối, 6 trụ cột đá tạo dáng hình vuông hoặc bán nguyệt và hai tấm tựa. Một tấm bị vỡ là sự hoá thân của thần Visnu. Tấm tựa còn lại là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh diễn tả cảnh thần Shiva cùng vợ dạo chơi trên đỉnh núi Mêru, các vị thần ra đón chào. Kỹ thuật thể hiện khối nổi gọn, khắc tạc tỉ mỉ chi tiết, tóc búi nhiều tầng, đồ trang sức đeo cổ, tay và y phục đẹp, trau chuốt. Niên đại của bức phù điêu này ước vào khoảng thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX.
Ở làng Mỹ Xuyên có Cồn Sành mang dấu tích của gốm Chăm và miếu Linh Quang thờ tượng đá “Bà 8 tay”. Tượng gắn trên tấm lá nhĩ cao 1,24m thể hiện hình ảnh nữ thần tám tay đang đứng. Do quá trình tu sửa phủ lên lớp vôi vữa nên khó nhận biết chi tiết. Tượng có tám tay cân xứng ở các tư thế khác nhau. Có thể đây là tượng thần Laskimi. Nơi phát hiện được tượng này là Cồn Két, có một kiến trúc Chăm Pa đổ nát, hiện còn khá nhiều gạch. Ở gần vị trí này nhân dân đã xây dựng một ngôi đền thờ .
Tại làng Phước Tích có phế tích một tháp Chăm cổ đã bị san ủi hoàn toàn. Trên nền phế tích là ngôi đền mới xây dựng, còn lưu giữ hai hiện vật là bệ thờ Yony và cột đá. Bệ thờ Yony hoàn chỉnh, đẹp, cân đối, thanh thoát. Thân bệ khối hộp vuông, thóp giữa, hai bên cân xứng đỡ bệ Yony. Cột đá hình khối vuông dài, chất liệu là đá Silic, màu xám, hạt mịn, hai đầu cột có hai mộng vuông nhô ra để giá lắp vào kiến trúc.
Ở thôn Trạch Phổ có đền thờ bà Yàng. Đền cũ đã bị phá huỷ từ lâu, nay chỉ còn lại ngôi miếu nhỏ do nhân dân địa phương lập nên trên nền đài cũ. Bên trong có bài vị của thần Po Nagar và một hòm gỗ đặt ngay cạnh bài vị. Phía dưới bàn thờ là một vật tượng Linga hình trụ không nguyên vẹn có phần đế hình vuông. Po Nagar chính là “Thần mẹ xứ sở” theo quan niệm của người Chăm.
Ưu Điềm, Mỹ Xuyên, Phước Tích, Trạch Phổ đều thuộc xã Phong Hoà, một xã nằm phía Bắc huyện Phong Điền, bên bờ Nam hạ lưu sông Ô Lâu. Điều đáng lưu ý là ở Phong Hoà còn tồn tại nghề truyền thống như nghề gốm, nghề điêu khắc, trước đây còn có nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải... vốn là những nghề truyền thống của người dân Chăm Pa xưa đã được ghi lại trong Thuỷ Kinh Chú. Gần đó là thôn Phò Trạch thuộc xã Phong Bình, nơi đây có Trằm Giàng xuất lộ những chum vò xưa nằm rải rác. Đây chính là những vò tro xương theo tập tục mai táng của người Chăm Pa. Điều này cho thấy độ mật tập cao của cư dân Chăm Pa ở Phong Điền.
Đặc biệt là phế tích Vân Trạch Hoà - tên gọi chung của quần thể phế tích kiến trúc Chăm nằm trên địa bàn xóm Cồn Chùa, thôn Vân Trạch Hoà, xã Phong Thu. Quần thể kiến trúc này đã bị đổ nát từ lâu. Các phát hiện và khai quật năm 1991 và 1999 chỉ mới tập trung vào bệ thờ chính nhưng đã cho thấy Vân Trạch Hoà là một tổng thể phế tích kiến trúc lớn, gồm nhiều công trình chính và các công trình liên quan.
Hiện vật thu được gồm 1 chiếc đế lớn kê bệ thờ (dài 1,65m, rộng 1,05m, dày 0, 31m), hai chiếc bệ thờ, 3 mảnh tượng khắc tạc hình đầu voi, đầu tu sĩ và tu sĩ hai tay chắp ngực, một chiếc bệ Yony - Linga; 2 chiếc bệ Yony; 1 chiếc đá bệ cửa, 2 thành đá hình trụ khối dài, đầu có mộng gá lắp 4 chiếc chân tảng..., đặc biệt có 4 hiện vật kim loại màu vàng, dát mỏng, tạo tác hình trang trí. Một mảnh tạo dáng hình cánh hoa 7 cánh xoè cân xứng, giữa là hình tròn, kích thước rộng nhất 7cm, ba mảnh còn lại không có trang trí. Với mặt bằng và kiến trúc hiện biết, có thể thấy đây là loại hình kiến trúc tôn giáo. Những người khai quật cho rằng niên đại của phế tích Vân Trạch Hoà vào khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X.
Cách khu vực nền tháp Chăm khoảng 2km về phía Đông Bắc còn có một tượng người bằng đá rất lớn với tư thế chân co, chân duỗi được nhân dân chôn và xây thành mộ. Ở phía Nam huyện, xã Phong Hiền là nơi có nhiều dấu tích của nền văn hoá Chăm Pa như ở miếu Cồn Giàng, Cồn Đuồi Trâu.
Như thế, sự phân bố về các phế tích kiến trúc, đền thờ, tượng thần, vũ nữ, ngấu tượng Linga, Yoni, bi ký, lăng mộ... ở Phong Điền so với một số huyện khác trong địa bàn Thừa Thiên Huế là khá tập trung và dày đặc, chứng tỏ nơi đây là một vùng tụ cư của người Chăm Pa. Cùng với những sản phẩm lúa Chiêm, hạt mè; những hương liệu quý hiếm như gỗ trầm, xạ hương, long não, những nghề truyền thống như trồng dâu nuôi tằm, điêu khắc, gốm, đan đệm..., về tín ngưỡng Bà Yàng, Bà Lồi, về các lễ cúng đất, hát sắc bùa và các làn điệu ca nhạc cổ..., tất cả là kết quả của một thời cộng cư của người Việt và dân bản xứ còn lại mà nhiều thế hệ cư dân còn lưu giữ như một di sản đặc trưng của vùng đất Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Theo Dư Địa Chí Phong Điền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét