11/3/17

Phong Điền đầu thế kỷ XV (1400 - 1427)

          Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ. Năm 1402, Hồ Hán Thương sai sửa chữa đường sá từ Tây Đô đến châu Hoá, dọc đường đặt trạm dịch để liên lạc, gọi là đường thiên lý. Nhà Hồ cũng đem đại quân đánh Chăm Pa. Quân Chăm thua trận phải dâng đất Chiêm Động, Cổ Luỹ. Nhà Hồ chia đất ấy làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa - hợp thành lộ Thăng Hoa. Biên giới lùi xa về phương Nam và đặc biệt con đường thiên lý Bắc Nam xuyên qua hai làng Phước Tích, Mỹ Xuyên, tạo điều kiện cho công cuộc di dân vào Phong Điền và vào Nam được tiếp tục thuận lợi hơn.
          Năm 1407, sau thất bại của nhà Hồ, lãnh thổ Đại Việt bị quân Minh chiếm đóng. Phong Điền - Hoá châu đã góp phần nhất định vào các cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần. Khi Trần Ngỗi (Giản Định Đế) khởi nghĩa chống Minh, Đặng Tất (vốn là Đại Tri châu Hóa châu) đã hưởng ứng, giết chết bọn quan lại nhà Minh ở Hoá châu rồi đem quân Thuận Hoá kéo ra Nghệ An theo phò. Ông cùng Nguyễn Cảnh Chân giữ vai trò chủ chốt trong lực lượng khởi nghĩa. Đầu năm 1408, nghĩa quân chiếm cả miền Nghệ An và Diễn châu. Trương Phụ phản công, nghĩa quân phải lui về Hoá châu.
           Năm 1409, do mâu thuẫn nội bộ, Giản Định Đế đã mưu sát Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Thấy cha mình bị giết oan, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đem quân từ Thuận Hoá ra Thanh Hoá tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, hiệu là Trùng Quang. Sau đó, lực lượng nghĩa quân càng trở nên lớn mạnh hơn, giằng co với quân địch khắp chiến trường Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình; và Thuận Hóa trở thành trọng địa để nghĩa quân củng cố, bổ sung lực lượng khi khó khăn trong các năm 1411-1413. Đánh giá cao vị trí chiến lược của Hóa châu, Trương Phụ quyết đánh chiếm bằng được. Thành Hoá châu thất thủ, nghĩa quân lại rút ra Thuận châu. Sau trận quyết chiến ở Ái Tử, nghĩa quân thất bại, Trần Quý Khoáng và các tướng lần lượt sa vào tay giặc. Dù thất bại nhưng tinh thần yêu nước, nỗ lực hy sinh kháng chiến cứu nước của nhân dân vùng đất mới Hoá châu đã được khẳng định.
          Tái chiếm Hóa châu, quân Minh đã đặt ách đô hộ khắc nghiệt lên toàn cõi Đại Việt. Hai châu Thuận, Hoá bị sáp nhập làm châu Thuận Hoá. Chúng đã thi hành chính sách trả thù trấn áp về chính trị, bóc lột về kinh tế, đồng hóa về văn hóa. Nhân dân vừa chịu sưu dịch, vừa chịu gánh nặng binh dịch. Tình hình đó đã làm cho dân chúng khốn khổ, xóm làng suy kiệt cả về nhân lực lẫn vật lực.
          Sau khi dựng cờ khởi nghĩa chống Minh ở Lam Sơn, năm 1425, Bình Định Vương Lê Lợi chuyển hướng tiến về phương Nam để mở rộng vùng hậu phương. Dưới quyền chỉ huy của Trần Nguyên Hãn và Lê Nỗ, 1.000 nghĩa quân đã thu phục được Tân Bình và Thuận Hoá. Ngoài một số nhân vật như ngài họ Hà (La Chữ), Phạm Bá Tùng (Thanh Thủy Thượng) tham gia chỉ huy, nhân dân Phong Điền cùng với nhân dân Hoá châu tiếp tục cung cấp sức người sức của cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét