11/3/17

Phong Điền Thời Tây Sơn (1786 - 1801)

          Tuy khởi phát từ Qui Nhơn nhưng Phú Xuân chính là vùng đất đưa phong trào Tây Sơn phát triển đến đỉnh cao dưới thời Quang Trung. Quân Trịnh đã gây ra bao đau thương mất mát ở vùng đất này. Đó chính là nguyên nhân và điều kiện thuận lợi để phong trào Tây Sơn mở cuộc hành quân đánh lấy Phú Xuân, giải phóng Thuận Hóa năm 1786 một cách dễ dàng.
          Từ đây, cùng với cư dân Thừa Thiên, nhân dân huyện Phong Điền đã tích cực hướng ứng phong trào, đem hết sức mình tham gia vào đội quân “áo vải, cờ đào” của người anh hùng Nguyễn Huệ. Những chứng tích lịch sử còn lại dù không nhiều nhưng cũng chứng tỏ đông đảo người dân đều đi theo vị anh hùng Nguyễn Huệ. Gia phả họ Hoàng ở làng Phước Tích cho biết trong họ có nhiều người là quan võ dưới triều Quang Trung... Chính nhân dân là lực lượng chủ lực để Tây Sơn để tiếp tục những cuộc chinh phục, lật đổ chính quyền phong kiến mục nát ở Bắc Hà và đập tan mưu toan xâm lược của nhà Thanh. Đối với tầng lớp nho sĩ thời bấy giờ, thấy Tây Sơn chính nghĩa nên nhiều người đã chủ động tìm đến với phong trào, tiêu biểu cho lớp người tiến bộ này là Trần Văn Kỷ.
          Trần Văn Kỷ người làng Vân Trình (xã Phong Bình), đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1777 ở Phú Xuân. Năm 1786, khi Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, ông ứng nghĩa, được tin dùng và đem hết tâm huyết phục vụ triều Quang Trung. Vua Cảnh Thịnh nối ngôi, vẫn trao cho ông chức Trung thư lệnh, coi giữ các việc cơ mật. Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, kiếm cớ tước chức ông, đày ra làm lính trạm Hoàng Giang (Phước Tích, Phong Điền). Năm 1794, ông được phục chức và giữ viện Trung thư. Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, Trần Văn Kỷ trốn về quê, ngầm liên lạc với vua Cảnh Thịnh ở Bắc Hà. Việc bại lộ, ông bị bắt rồi nhảy xuống sông Hương ở ngã ba Sình tuẫn tiết ngày 24-12-1801.
         Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân Thuận Hóa nói chung và Phong Điền nói riêng đã góp phần vào thắng lợi chung của phong trào Tây Sơn từ năm 1786. Đó là tiền đề để phong trào tiếp tục phát triển tại đây dưới vương triều Tây Sơn.
Sau khi tiến ra Bắc tiêu diệt thế lực họ Trịnh, Nguyễn Huệ được phong là Bắc Bình Vương, cai quản từ đèo Hải Vân trở ra Bắc. Quân Thanh xâm lược kéo vào Thăng Long, để chính danh vị, Bắc Bình Vương đã lên ngôi Hoàng đế, chọn Phú Xuân làm Kinh đô và tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Vương triều Tây Sơn ở mảnh đất này trải qua hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh nhưng hầu hết các chính sách xây dựng đất nước đều do vua Quang Trung vạch ra và bước đầu thực hiện. Vua Cảnh Thịnh tỏ ra bất tài, nội bộ chia rẽ đưa vương triều đến chỗ sụp đổ.
        Tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Phong Điền thời kỳ Tây Sơn nằm trong bối cảnh chung của tình hình Phú Xuân. Về tổ chức hành chính, vua Quang Trung vẫn duy trì hệ thống hành chính như thời chúa Nguyễn trên đất Phong Điền. Dưới trấn là phủ, huyện, tổng và xã. Tuy nhiên, về quan chế cả quan văn lẫn quan võ, cả ở trung ương lẫn ở địa phương thì có vài thay đổi. Điều đáng lưu ý là ở cấp xã có các viên chức Xã trưởng, Xã chính, Tri mục Trùm trưởng, Hương lão chia nhau phụ trách các việc do nhân dân bầu ra. Quan lại thời Quang Trung vẫn phải dựa vào những tướng lĩnh nông dân, một số quan lại, sĩ phu cũ được giữ lại và những quan lại mới xuất thân từ chế độ khoa cử do ông tổ chức.
         Về kinh tế, sau một thời gian dài chiến tranh, Phong Điền nói riêng, xứ Thuận Hóa nói chung lâm vào tình trạng ruộng dất bị hoang hóa, đời sống nghèo nàn, lạc hậu. Quang Trung kêu gọi cư dân lưu tán quay về quê cũ, khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích canh tác. Ngay khi mới giải phóng Thuận Hóa, Bắc Bình Vương đã sai các làng xã lập địa bạ ghi niên hiệu Thái Đức và tiếp tục sau đó. Địa bạ thời Tây Sơn còn đơn giản, có thể Nhà nước chỉ muốn nắm khái quát tổng số để bổ thuế đồng niên, còn chi tiết cụ thể, phân phối ra sao là việc nội bộ của làng xã. Thời Tây Sơn, ngoài thuế nông dân không phải đóng thêm một khoản nào nữa, nên họ dốc sức làm ăn, khai phá thêm đất hoang để sản xuất.
          Về giáo dục, Quang Trung chủ trương mở rộng hệ thống trường lớp đến tận cấp xã, loại bỏ nạn “sinh đồ ba quan”. Chữ Nôm được đề cao lên vị trí chữ viết chính thức của dân tộc. Năm 1789, kì thi hương được tổ chức đầu tiên ở Nghệ An, thí sinh phải thi thơ phú bằng chữ Nôm. Nhờ đó, chữ Nôm ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giới trí thức và trong nhân dân. Cũng như các triều đại phong kiến trước, chính quyền Quang Trung vẫn tôn sùng Nho giáo nhưng tỏ ra rất rộng rãi với các tôn giáo khác. Những nhà sư có đạo đức, sùng đạo đều được phép trụ trì ở các chùa. Các giáo sĩ đạo Thiên Chúa được tự do truyền đạo và được tôn trọng nên họ chỉ làm việc tôn giáo của mình.
           Về quân sự, Quang Trung quyết tâm xây dựng một lực lượng hùng hậu vừa để bảo vệ biên giới phía Bắc, vừa để tiêu diệt tàn dư của họ Nguyễn ở trong Nam. Vì vậy, việc kiểm kê dân số được thi hành khá chặt chẽ và thường xuyên. Trên cơ sở đó, nhà nước qui định cứ 3 suất đinh lấy 1 suất lính.
           Như vậy, nhờ công cuộc đẩy mạnh việc khai hoang phục hóa và các chính sách tích cực khác mà tình hình Phong Điền ngày càng đi vào thế ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do thời gian trị vì quá ngắn ngủi nên Quang Trung (mất năm 1792) chưa thể giải quyết hết mọi khó khăn. Vua Cảnh Thịnh không có năng lực kế thừa được những chính sách tích cực của vua cha nên thời Tây Sơn cũng chưa phải là thời thịnh trị, nhân dân vẫn chưa có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định năm 1787 trong bối cảnh anh em Tây Sơn bất hòa, phân chia đất nước để cai quản. Nhân dân lao động không còn nhìn Tây Sơn như những đại diện của mình nữa, họ đã quá chán ghét chiến tranh. Trong lúc đó thì bọn địa chủ, quan lại cũ lại chờ quân Nguyễn Ánh kéo ra. Lợi dụng sự suy yếu của vương triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh từng bước tấn công Tây Sơn, khôi phục cơ đồ. Tháng 6-1801, lợi dụng lúc Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng vây đánh Quy Nhơn, Nguyễn Ánh tấn công Phú Xuân. Quân của Quang Toản thua chạy. Lịch sử Phong Điền từ đó sang một trang khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét