11/3/17

Phong Điền dưới sự chiếm đóng của Lê - Trịnh (1775 - 1786)

         Sự cai quản của chúa Nguyễn đầu tiên đã có tác động tích cực đến sự phát triển của Phong Điền nhưng đến giữa thế kỷ XVIII, chế độ mà các chúa xây dựng bắt đầu suy yếu. Từ năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, xây dựng Đô thành nguy nga tráng lệ. Quý tộc cũng nhân đó xây dựng dinh thự. Đội ngũ quan liêu quý tộc đông đảo tha hồ nhũng nhiễu, đè nén cuộc sống người dân. Họ đua nhau ăn chơi xa xỉ như Lê Quí Đôn nhận xét: “Thuận Hóa được bình yên đã lâu, ... lại trải qua thời Nguyễn Phúc Khoát hào phóng, bắt chước nhau, làm thành thói quen, quan viên lớn nhỏ không ai là không nhà cửa, chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau... Đàn bà con gái thì đều mặc áo the là và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực”. Cảnh thịnh trị thái bình không còn nữa, mâu thuẫn xã hội trở nên sâu sắc. Nguyễn Phúc Khoát mất (1765), Trương Phúc Loan chuyên quyền và vơ vét làm giàu. Chế độ phong kiến Đàng Trong bước vào giai đọan khủng hoảng.
            Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở đất Quy Nhơn, chúa Trịnh Sâm cử Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc và Bùi Thế Đạt đem quân vào đánh chúa Nguyễn với danh nghĩa lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan và dẹp loạn Tây Sơn. Tháng 11-1774, quân Trịnh vượt sông Gianh và chiếm dần các dinh phía Bắc Phú Xuân. Một trận đánh lớn đã diễn ra trên đất Phong Điền ở bờ sông Bái Đáp (sông Bồ): “Lúc ấy Tôn Thất Thiệp làm thống binh, quản hạt thuộc hạ là bọn cai đội Đặng đem quân chống cự, chưởng cơ Nguyễn Văn Chính đem các quân thủy, quân bộ hội ở bờ sông Bái Đáp. Ngũ Phúc mật sai bọn Hoàng Đình Thể và Hoàng Nghĩa Phác do đường núi sang qua ghềnh Trầm và ghềnh Ma, rồi mặt trước mặt sau đánh khép lại. Văn Chính cố sức đánh, bị chết trận, các quân đều tan vỡ". Tháng 1-1775, quân Trịnh chiếm Phú Xuân. Chiến tranh của chúa Trịnh trên đất Phong Điền càng gây nên tình trạng tiêu điều xơ xác cho các làng xã nơi đây.
            Phú Xuân được chúa Trịnh xem là trọng trấn ở phương Nam, là tiền đồn ngăn chặn phong trào Tây Sơn ở phía Nam, nên đã phái nhiều tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm và ba vạn binh lính trấn giữ. Hơn mười năm dưới quyền cai trị của chính quyền Lê - Trịnh, Phú Xuân và Phong Điền vẫn không vượt qua được tình trạng khủng hoảng. Chính sách cai trị của chúa Trịnh ở Phú Xuân là tiếp tục đàn áp nhân dân, vơ vét của cải. Quan quân chúa Trịnh trấn giữ Phú Xuân đã bộc lộ bản chất xấu xa của giai cấp phong kiến thống trị vào buổi suy tàn chẳng khác gì quan quân chúa Nguyễn trước đó. Chính quyền Lê - Trịnh không những không cải thiện được tình hình kinh tế xã hội Thuận Hóa mà còn làm cho tình hình ở đây càng trở nên căng thẳng. Trong khi đó, quân Tây Sơn đang mở rộng địa bàn giải phóng ở miền Trung, cắt đứt nguồn cung cấp lương thực từ phía Nam ra Thuận Hóa, vì thế cuộc sống của các tầng lớp nhân dân Phong Điền càng thêm khó khăn. Mọi người dân hướng về phong trào Tây Sơn với hy vọng được giải phóng. Điều đó giải thích tại sao khi Nguyễn Huệ tiến ra Phú Xuân, rất nhiều người con của Phong Điền đã tích cực tham gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét