11/3/17

Phong Điền thời Nguyễn (1802 - 1885)

1. Tổ chức quản lý hành chính
         Sau khi đánh bại Cảnh Thịnh, Nguyễn Ánh lên ngôi vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), đặt niên hiệu là Gia Long, thiết lập nên triều Nguyễn trong bối cảnh nước nhà thống nhất trên một lãnh thổ rộng lớn chưa từng có. Với vị trí là Kinh đô của một vương triều độc lập (1802-1885), Phú Xuân-Huế được xây dựng bề thế và trở thành trung tâm chính trị - văn hoá của quốc gia.
         Công cuộc xây dựng Kinh đô Huế đồ sộ, kiên cố kéo dài với hàng loạt các công trình kiến trúc cung điện đền đài đòi hỏi huy động rất nhiều nhân tài vật lực trong toàn quốc. Để thực hiện công trình này không chỉ sức lao động dân phu, biền binh mà còn là tài năng sáng tạo của biết bao người thợ khéo từ mọi miền của đất nước. Phong Điền là mảnh đất gần kề Kinh đô có nền kinh tế sớm phát triển, nhất là các nghề thủ công như rèn, luyện sắt, nghề mộc, nề, vôi vữa... cũng không nằm ngoài sự đóng góp đó. Nhiều thợ giỏi được chiêu tập về đây, những sản phẩm của các nghề thủ công cũng được phát huy tác dụng trong việc kiến thiết xây dựng. Năm 1832, vua dụ rằng “Lần này có dựng các xưởng tướng quân, có 100 người thợ của dân 2 xã Đường Long và Lương Mai đòi bắt (đến làm việc), cấp phát cho bọn ấy lệ lương nửa tháng mỗi người 5 tiền và 15 phương gạo, kể bắt đầu từ ngày khởi công”.
          Cùng với việc xây dựng Kinh thành, vua Gia Long và Minh Mạng đã xây dựng một bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở có quy củ, được tổ chức chặt chẽ, đủ sức quản lý cả một đất nước rộng lớn. Chính sách chung của nhà Nguyễn đối với vùng đất kinh sư là nhanh chóng xác lập vững chắc nền hành chính, chú ý phát triển kinh tế, tạo chỗ đứng chân vững chắc cho vương triều. Điều này đã phần nào tác động đến tình hình chính trị của huyện Phong Điền.
          Từ tháng 8-1801, Nguyễn Ánh lấy 3 huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang (thuộc phủ Triệu Phong) đặt làm dinh Quảng Đức, đến năm 1806, cho đổi làm dinh trực lệ. Dưới cấp dinh là huyện, dưới cấp huyện là tổng. Huyện Hương Trà gồm 5 tổng, huyện Phú Vang gồm 6 tổng, huyện Quảng Điền gồm 9 tổng. Dưới thời vua Gia Long, cấp huyện ở Phong Điền vẫn chưa có gì thay đổi, vẫn là một bộ phận thuộc 2 huyện Hương Trà và Quảng Điền.
          Đến thời Minh Mạng, nhà vua đã thực hiện một chế độ trung ương tập quyền triệt để. Dinh Quảng Đức đổi thành phủ Thừa Thiên vào đầu 1823. Sau đó, nhà vua tiến hành cải cách hành chính trong cả nước vào năm 1831-1832, Bắc thành và Gia Định thành bị xóa bỏ, trấn dinh thống nhất chuyển thành cấp tỉnh, cả nước gồm 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên.
           Huyện Phong Điền trong giai đoạn này vẫn thuộc địa phận của 2 huyện Hương Trà và Quảng Điền. Nhà Nguyễn tăng cường bộ máy quản lý cấp huyện. Năm 1823, mỗi huyện chỉ được đặt 1 viên Tri huyện (trước là 2 viên). Huyện nào nhiều việc đặt thêm chức Huyện thừa để giúp việc cho tri huyện. Với quy định trên, ở 2 huyện Hương Trà, Quảng Điền, mỗi huyện bớt đi một chức Tri huyện và đặt thêm 1 Huyện thừa.
Năm 1828, triều đình phân các huyện thành 4 loại: huyện rất nhiều việc, huyện nhiều việc, huyện việc vừa và huyện việc ít. Với quy định đó, vào năm 1831, vua chuẩn định cho 2 huyện Hương Trà và Phú Vang là nơi rất nhiều việc (“tối yết khuyết”), huyện Quảng Điền là nơi công việc nhiều vừa phải (“yết khuyết”).
           Tổ chức chính quyền cấp xã cũng có sự thay đổi. Năm 1828, triều đình cho đổi chức Xã trưởng thành Lý trưởng, bỏ chức Thôn trưởng và cho đổi thành Phó lý trưởng. Xã nào có số đinh trên 150 thì đặt thêm 2 Phó lý. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh trong làng xã, nhà Nguyễn lại có thêm chức Khán thủ.
          Năm 1835, tên gọi Phong Điền với tư cách là một huyện của phủ Thừa Thiên chính thức ra đời. Năm 1838, triều đình xếp huyện Phong Ðiền cùng với Quảng Ðiền, Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc là nơi việc vừa. Ðứng đầu huyện là Tri huyện, giúp việc cho Tri huyện là Huyện thừa, ngoài ra còn có chức Trị sự và Lại mục.
          Cấp tổng thời kỳ này cũng có sự thay đổi. Sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ cho biết phủ Thừa Thiên bấy giờ có 31 tổng, trong đó 5 tổng: Hiền Lương, Phò Trạch, Vĩnh Xương, Chánh Lộc và Phò Ninh thuộc huyện Phong Ðiền. Ðứng đầu tổng là quan Cai tổng, ngang hàng với lại mục của huyện. Tổng lớn có Phó tổng giúp việc. Để tránh tình trạng kéo bè cánh, vào năm 1846, triều đình quy định là cấm cho Cai tổng, Phó tổng là người cùng làng, cùng họ, không được gả con em cho nhau và chỉ những người 35 tuổi trở lên mới được bầu.
           Dưới cấp tổng là cấp xã. Phủ Thừa Thiên sau năm 1835 có 431 làng xã, trong đó huyện Phong Ðiền có 40 xã, thôn, ấp. Đến cuối thế kỷ XIX, theo Ðồng Khánh dư địa chí, huyện Phong Ðiền có 45 xã, thôn, ấp, phường, giáp.
           Lý trưởng đứng đầu các xã được dân làng bầu lên theo nguyên tắc dân chủ, tuy nhiên người muốn dự bầu phải có một số tài sản nhất định. Theo lệ định năm 1856, Lý trưởng phải là người từ 30 tuổi trở lên và không có quan hệ ruột thịt hay thông gia với Cai tổng, Phó tổng. Lý trưởng phải chịu trách nhiệm mọi công việc của làng xã từ việc binh lương, thu thuế, phu phen, tạp dịch đến việc an ninh, xét xử các vụ kiện cáo. Giúp việc cho Lý trưởng và Phó lý còn có bộ máy Ngũ hương. Những người này do Lý trưởng và Phó lý chỉ định như ở làng Ưu Ðiềm... Tuy nhiên, phần lớn Ngũ hương lại do nhân dân bầu ra như làng Phò Trạch, Phước Tích... Nhiệm kỳ của Lý trưởng, Phó lý và Ngũ hương là 3 năm.
           Ngoài tổ chức hành chính do nhà nước đặt ra, ở các làng xã đều duy trì bộ máy tự quản. Nhân dân làng xã ngoài việc chấp hành luật pháp của nhà nước họ còn phải tuân thủ lệ làng. Lệ làng là quy ước nhằm thực thi phép nước trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của làng nhằm đảm bảo sự ổn định trong đời sống làng xã. Ðứng dầu bộ máy tự quản là Tiên chỉ, Thứ chỉ có địa vị cao nhất về mặt tinh thần, chẳng hạn như đứng chủ lễ trong tế lễ ở đình làng. Tiên chỉ được đề cử vốn là quan viên có chức sắc, phẩm hàm cao nhất trong làng. Bộ máy tự quản có từ rất lâu và tồn tại mãi đến sau này.
2. Kinh tế
         Vốn là đất được ưu đãi của vương triều Nguyễn nên kinh tế Thừa Thiên Huế trong đó có Phong Điền càng có điều kiện để phát triển.
         Về ruộng đất, bên cạnh chế độ quân điền, nhà nước ra lệnh cấm bán ruộng đất công của làng xã. Gia Long cho lập địa bạ Thừa Thiên (1810-1818) để xác định vị trí và phân hạng các loại ruộng đất. Phong Điền nói chung có ruộng đất công nhiều hơn ruộng đất tư. Làng Mỹ Xuyên, Vân Trình, Ưu Điềm, Hiền Lương... có số lượng ruộng công nhiều hơn ruộng tư, nhưng ở Phước Tích và Phò Trạch ruộng tư lại nhiều hơn ruộng công.
           Địa bạ của một số làng vào nửa sau thế kỷ XIX cho biết cụ thể như sau: Ưu Ðiềm hơn 500 mẫu, trong đó ruộng đất công chiếm 343 mẫu. Riêng Mỹ Xuyên có 372 mẫu 8 sào, 4 thước, 3 tấc công điền, 35 mẫu 1 sào, 1 thước công thổ và 52 sào 2 mẫu 14 thước tư thổ. Làng Trạch Phổ có gần 400 mẫu, công điền chiếm chủ yếu. Làng Hiền Lương ruộng công cũng nhiều hơn ruông tư. Ðó cũng chính là tình hình chung của vùng Thuận Hoá. Tuy nhiên, nhiều làng lại có số ruộng tư nhiều hơn ruộng công, chẳng hạn làng Phò Trạch ruộng đất công chiếm 88 mẫu, 5 sào, tư 747 mẫu 6 sào 12 thước. Ruộng đất tư có xu hướng ngày càng tăng. Từ 1851, tô thuế ruộng đất công ở Thừa Thiên Huế được hạ xuống 30%, thể hiện chính sách ưu đãi ruộng đất công ở miền kinh độ.
          Về thủy lợi, các làng xã thường xuyên làm công tác đào vét sông kênh phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. Ở làng Hiền Lương công trình thuỷ lợi quy mô lớn là con ngòi được khơi vào thời vua Minh Mạng. Hai người làng là Cai đội Nguyễn Lương Ðàng và Hoàng Văn Gia đã trực tiếp chỉ huy binh lính cùng nhân dân trong tổng đào con mương lớn từ trảng cát trắng, lấy nguồn nước ngầm trong dãy Trường Sơn cách xa Hiền Lương chừng 12 km. Ðây là công trình thuỷ lợi có ý nghĩa lớn, đã dẫn nước về tưới cho các cánh đồng làng Hiền Lương và các làng lân cận vào mùa nắng, tiêu nước cho vùng trũng Bàu Sen vào mùa lũ. Năm 1872, vua Tự Đức “ngự ra chơi các thôn Kim Ðôi, Vân Trình... thấy dòng sông chảy thẳng đến sông Vĩnh Ðịnh tỉnh Quảng Trị có nhiều chỗ bồi nông, thuyền bè đi lại không tiện, ruộng hai bên sông lại khô, sai quan ở phủ và đạo ấy đào khơi ra”. Các làng còn đắp đê để ngăn nước mặn từ biển, phá tràn vào như làng Vân Trình có con đê lớn nhất làng chạy thẳng sang làng Siêu Quần.
           Do địa hình đất đai đa dạng nên ngoài lúa là cây trồng chính, nhiều cây hoa màu khác cũng được trồng như khoai sắn, đậu, mè và một số cây công nghiệp hồ tiêu, chè, dứa... Ngoài ra còn có đất ven sông, ven biển thuận lợi cho nhiều loại cây khác như cây ngô, cây thuốc lá (Ưu Ðiềm), trồng dâu nuôi tằm (Trạch Phổ) v.v..
           Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng khá phát triển. Do nhu cầu tiêu thụ lớn của Kinh đô, năm 1832, triều đình giao cho dân 16 xã của 3 huyện Thừa Thiên chăn nuôi trâu bò để lo việc tế tự, trong đó có 8 xã thuộc Phong Điền là Cổ Bi, Hiền Sĩ, Phù Ninh, Thượng An, Bồ Điền, Đông Lâm Thượng, Xuân Lộc và Sơn Quả. Hàng năm ở đây trâu bò nuôi mỗi thứ 450 con, đến kỳ chọn những con dùng được, gồm 20 con bò, 20 con trâu giao cho đội tể sinh. Có thể nói kinh tế nông nghiệp Phong Ðiền trong giai đoạn này phát triển cả về chăn nuôi và trồng trọt, không chỉ phục vụ người dân mà còn phục vụ cho triều đình.
           Thủ công nghiệp cũng có bước phát triển đáng kể. Kinh đô Huế với nhu cầu tiêu thụ hàng hoá lớn đã kích thích sự phát triển của các nghề thủ công ven đô như Phong Điền. Những nghề và làng nghề vốn có ở Phong Điền trở nên nổi tiếng như làm đồ gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, nghề tơ tằm, làm đệm Phò Trạch. Thêm vào đó là sự ra đời của một số nghề mới như kim hoàn Kế Môn, chạm khắc Mỹ Xuyên. Các nghề đó vừa phục vụ nhân dân trong vùng vừa thỏa mãn nhu cầu của triều đình.
            Sản phẩm gốm Phước Tích có ưu điểm như nấu chín thức ăn mà không mất chất vị, đựng vật dụng, gia vị không hư hỏng. Mặc dù có nhiều đồ dùng quý, song nhà vua vẫn thích ăn cơm nấu từ nồi đất nung. Qui cách nồi do nhà nước quy định theo mẫu riêng gọi là “om ngự” được mệnh danh là “ngọc oa ngự” (nồi quý của vua dùng). “Nồi nấu cơm là một cái om rất đặc biệt do làng Phước Tích, sản xuất hàng loạt và đưa lên trữ trong kho của nhà Thượng Thiện. Trước khi trữ vào kho, người ta nung các om đất với nước chè xanh đậm đặc tạo thành một lớp men xanh xanh. Cơm cháy nấu trong om đất Thượng Thiện không dính nồi và rất dòn". Mỗi năm 4 lần, làng phải cử người gánh om vào dâng triều đình hàng trăm cái. Điều này đã phản ánh giá trị của gốm Phước Tích cũng như nhu cầu và sự phát triển vượt bậc của nó.
         Nghề rèn Hiền Lương ở Phong Điền cũng phát triển không kém. Trong hệ thống tượng cục ở Kinh đô Huế, các tượng cục nấu kim khí, rèn đúc khí giới có không ít thợ giỏi xuất thân từ những lò rèn ở Hiền Lương. Khắp trong dân gian, thợ Hiền Lương có mặt ở nhiều nơi và tổ chức “hàng kỉnh” đa dạng hơn trước. Với kỹ thuật vốn có lại được tiếp xúc học hỏi trên địa bàn rộng, cho phép người Hiền Lương phát triển nhanh cả về không gian phục vụ lẫn trình độ kỹ thuật.
         Trong bài văn tế tại chùa Giác Lương (Hiền Lương) năm 1806 có ghi rõ danh tánh, chức vị của Hội chủ, các vị trưởng tộc, các vị hương quan và 50 vị lính, 25 vị hai ty thợ đúc súng và thợ rèn xã Hoa Lang đứng tên dâng lễ cúng Phật. Quả chuông đúc năm 1819, có khắc họ tên, sự nghiệp của một số nhân vật người làng nổi tiếng về nghề rèn, cơ khí triều Nguyễn như các ông Nguyễn Lương Nhĩ, Nguyễn Lương Xa, Hoàng Văn Lịch. Riêng Hoàng Văn Lịch (1774 - 1849), từ thợ rèn dần dần chế tạo được súng đạn, máy móc. Ðầu 1839, ông được bổ nhiệm chức giám đốc Vũ Khố Chế tạo ty, trực tiếp đốc xuất chế tạo 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam.
           Nghề kim hoàn ở Phong Điền phát triển đầu thời Nguyễn. Vua Gia Long nghe tiếng ông Cao Đình Độ ở làng Kế Môn bèn xuống chiếu trưng tập ông vào nội kim tượng cuộc. Khi về già, ông truyền lại cho con là Cao Đình Hương và trở lại làng Kế Môn truyền nghề cho dân làng. Từ đấy làng Kế Môn nổi tiếng với nghề làm vàng. Cả hai cha con ông đều được tôn vinh là đệ nhất và đệ nhị tổ sư nghề kim hoàn không chỉ tại Huế mà cả các tỉnh phía Nam sau này. Đồ ngự dụng và quan dụng cần đến bịt chạm hay làm bằng vàng bạc đều do phần lớn thợ Kế Môn đảm trách. Họ biết cách luyện vàng để loại bỏ tạp chất từ các loại vàng đãi. Ngày xưa các loại trâm cài, neo, xuyến, hoa tai, kiềng, mão, đai, hột... đều có sự đóng góp của thợ Kế Môn.
           Ðiêu khắc ở Mỹ Xuyên cũng mới xuất hiện nửa sau thế kỷ XIX từ trong cung đình. Tổ sư của nghề điêu khắc là ông Nguyễn Văn Thọ, gốc Thanh Hoá theo cha Nguyễn Văn Cao vào Huế, theo chế độ trưng tập thợ của nhà nước. Vào khoảng những năm đầu thời Tự Ðức, ông đã lấy vợ người làng Mỹ Xuyên là bà Lê Thị Trúc - con gái họ Lê Ðộ, rồi truyền nghề tại đây.
            Hầu hết các làng đều có các nghề thủ công, thậm chí có những làng lại có nhiều nghề khác nhau như nghề trồng dâu nuôi tằm, ép dầu, đan lưới đánh cá, trồng thuốc lá... Nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng nhất ở làng Ưu Ðiềm. Làng Vân Trình có nghề đan lưới đánh cá. Phò Trạch có nghề đan đệm khá nổi tiếng.
            Ở Phong Điền có 2 hệ thông sông ngòi là sông Ô Lâu ở phía Bắc và sông Bồ ở phía Nam, còn có đường Thiên lý chạy qua với 2 trạm Thừa Mỹ và Thừa An. Điều kiện đó tạo nên sự thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán hàng hoá, lưu thông sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
           Hệ thống chợ vốn có ở Phong Điền tiếp tục tồn tại, hình thành thêm chợ huyện và các chợ làng. Nổi tiếng nhất là chợ Đại Lộc và chợ Phù Lễ. Do sự thuận lợi về giao thông đường thuỷ nối với các vùng ven phá Tam Giang mà chợ Ðại Lộc trở thành chợ huyện. Đây là trung tâm trao đổi hàng hóa giữa các địa phương trong vùng và với các chợ nổi tiếng như chợ Sịa, Phú Lễ, An Cựu, Mậu Tài, Nam Phổ ở ven đô Huế.
           Ngoài ra ở Phong Điền còn có mạng lưới chợ làng Phò Ninh, Kế Môn, Vĩnh An, An Lỗ, Thế Chí, Vĩnh Xương, Ưu Điềm, Thanh Hương, Thượng An, chợ Ấp Thượng Nguyên (xã Vĩnh An), Mỹ Cang. Chợ Ưu Ðiềm nằm trên dòng sông Ô Lâu, có bến đò Ðiềm, có đường giao thông nội huyện. Chợ Ưu Ðiềm hoạt động liên tục từ 3 giờ sáng đến 7 giờ tối. Các mặt hàng trong chợ khá phong phú, từ các mặt hàng thủ công như nón, chiếu đệm, gốm, các loại củi mây tre, đến các mặt hàng tạp hoá và các loại thực phẩm tươi, khô khác như gạo, thịt v.v..
            Sự ra đời và phát triển của các chợ, sự phong phú, đa dạng của các mặt hàng nhất là các mặt hàng thủ công đã phản ánh sự phát triển thương nghiệp của huyện Phong Ðiền trong giai đoạn này. Từ đó mà hình thành nên một đội ngũ khá chuyên nghiệp làm nghề buôn bán. Có những mặt hàng được đưa đến nhiều chợ trong huyện cũng như các huyện và tỉnh khác một cách phổ biến và rộng rãi.
            Phong Ðiền mặt phía Ðông giáp biển, địa hình lại có nhiều sông hồ ao trằm, đầm phá rộng lớn thúc đẩy kinh tế ngư nghiệp phát triển ở cả hai loại hình chủ yếu là ngư nghiệp đầm phá và ngư nghiệp ven biển.
             Phía Bắc phá Tam Giang là nơi có sông Ô Lâu chảy vào tạo cho vùng đầm phá này một lượng sản vật nước lợ khá phong phú là cá, tôm, cua, hến, rau câu... Với các công cụ đánh bắt còn thô sơ phù hợp với từng loại cá như sáo, nò, vó, đáy, lưới, te, nhủi, nơm, dẹp..., ngư dân chuyên nghiệp là các vạn chài và cư dân không chuyên (gọi là ngư nông) đã thường xuyên đánh bắt để tạo ra nguồn thực phẩm quí giá cho bữa ăn hàng ngày. Đối với cư dân các vạn chài thì đây là nguồn kinh tế chủ đạo của họ.
Phong Ðiền có đường bờ biển dài gần 16 km, khá dồi dào về nguồn lợi hải sản nên ngư nghiệp ven biển cũng có điều kiện phát triển. Từ rất sớm cư dân ở đây đã hướng ra biển đánh bắt hải sản phục vụ cho đời sống của mình. Công cụ đánh bắt hải sản vẫn còn đơn giản như lưới rê trích, lưới quét, mành, giã, câu được sử dụng ở phạm vi đánh bắt gần bờ, đối tượng đánh bắt hạn chế... Tuy vậy, nghề làm biển luôn ở trong tình trạng mong manh, quy mô nhỏ, kỷ thuật đánh bắt thô sơ.
             Những hoạt động ngư nghiệp này vẫn chỉ là nghề phụ nhưng lại là nguồn sống chính của nhiều gia đình ven sông biển. Một số làng xã có nghề ngư phát triển là làng Ưu Ðiềm, Vân Trình, Trung Đồng, Ðại Lộc, Mỹ Hoà, Tân Hội.
Là một huyện ven đô thời Nguyễn, kinh tế Phong Điền phát triển khá toàn diện. Song nhìn chung nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo chi phối đến đời sống của người dân. Đời sống của nhân dân được cải thiện hơn song với một nền kinh tế tiểu nông, nhiều gia đình còn thiếu thốn, đói kém triền miên. Các ngành kinh tế thủ công, thượng nghiệp, ngư nghiệp có phát triển nhưng cũng chỉ đóng vai trò là hỗ trợ cho nông nghiệp mà thôi.
3. Văn hoá
          Cùng với hệ thống giáo dục trung ương tập trung tại Huế, năm 1823, vua Minh Mạng xuống chiếu dựng nhà học phủ và huyện. Ở huyện Phong Điền trường học nguyên xây dựng ở xã Ưu Đàm, năm Thành Thái 12 (1900) dời đến xã Mỹ Xuyên, năm Thành Thái 15 (1903) đem trở lại xã Ưu Đàm.
            Ở Phong Điền trường tư được mở ở khắp thôn xóm, do nhân dân tự mở mời ông đồ đến dạy. Nhiều làng thể hiện sự quan tâm đến giáo dục, bằng cách trích ruộng công làng xã cho số người đi học gọi là ruộng học điền. Đó chính là một hình thức khuyến học. Chẳng hạn làng Mỹ Xuyên, trong số 372 mẫu của ruộng của làng thì có tới 3 mẫu ruộng học điền.
            “Hội tư văn” phát triển phổ biến ở các làng xã cũng đã có những đóng góp thiết thực vào việc khuyến học như “Hội tư văn” làng Hiền Lương. Hội có từ 50 đến 60 người, được làng cung cấp cho một số ruộng để làm công quỹ là 3 sào/180 mẫu ruộng của làng.
           Phong Ðiền là mảnh đất có truyền thống khoa bảng và hiếu học, được sự khuyến khích của triều đình, đối tượng học được mở rộng nên số lượng thí sinh tham gia và đỗ đạt trong các kỳ thi do nhà nước tổ chức ngày càng đông. Suốt thời Nguyễn, Phong Điền có 5 vị Tiến sĩ và 7 vị Phó bảng.
           Ngoài ra, Phong Điền vào những năm đầu triều Nguyễn có nhiều người đỗ đạt làm quan cao cấp, đến bậc đại thần cũng không hiếm, như Nguyễn Bảo Trí, Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Đăng Minh, Nguyễn Tri Phương, Thân Văn Quyền, Thân Văn Nhiếp, Trương Văn Phượng, Hồ Uy. Nhiều vị giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính quyền đương thời. Có nhiều quan lại cao cấp nhu Trương Như Cương làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Thanh Oai làm đến Hình bộ Thượng thư. Bên cạnh đó còn có nhiều người lập thân bằng nghiệp võ và đã lập được nhiều công trạng đối với sự nghiệp giữ nước như Lê Trọng Ðạt, Lê Trọng Tấn người làng Phước Tích. Nhiều người ở làng Hiền Lương như Nguyễn Lương Ðàng làm Chưởng vệ, Hoàng Văn Hiền làm Lang trung, Hoàng Văn Bửu làm Quản vệ.
           Nho giáo được đề cao từ chốn kinh đô đã lan tỏa mạnh đến Phong Điền. Nhiều nơi trong huyện có đền thờ Khổng Tử và các vị thánh hiền của Nho giáo như Văn Thánh Miếu tại xóm Cầu của làng Phước Tích. Đây là một trong số không nhiều những di tích loại này tại những làng quê Việt Nam, thể hiện lòng tôn kính đối với Nho giáo. Văn chỉ ở An Hội thuộc làng Hiền Lương thờ Khổng Tử và Tứ phối (Tăng Tử, Nhan Uyên, Tử Tư, Mạnh Tử), thất thập nhị hiền và các vị khai khoa, danh nho làng. Làng Ưu Ðiềm cũng thờ Khổng Tử ở nhà Thánh.
            Phật giáo cũng du nhập khá sớm vào trong các làng quê, biểu hiện qua hệ thống chùa làng được xây dựng khắp rộng khắp, trở thành nơi qui tụ đông đảo cư dân làng xã. Phần lớn các làng đều có chùa, trừ một số làng nhỏ. Trải qua quá trình lâu dài đến thế kỷ XIX, nhiều ngôi chùa cổ được trùng tu, mở rộng hơn. Tiêu biểu như các chùa Linh Quang ở Ưu Ðiềm, Giác Lương ở Hiền Lương, Phước Bửu ở Phước Tích. Chùa Giác Lương ở làng Hiền Lương thời Nguyễn được trùng tu 2 lần. Đây là một trong vài ngôi chùa cổ nổi tiếng, được xây dựng sớm từ đầu thời các chúa Nguyễn. Chùa có kiến trúc độc đáo, là cơ sở sinh hoạt của nhân dân trong làng nhiều thế kỷ qua. Hầu hết các chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ Ðức Quan công và vị thuỷ tổ các dòng họ. Chùa làng vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, xã hội của dân làng. Một số chùa được làng cấp ruộng để phục vụ việc thờ cúng tế tự.
             Bên cạnh đó, Phong Ðiền cũng có Thiên Chúa giáo nhưng du nhập muộn hơn nhiều và không phổ biến so với Nho giáo và Phật giáo. Dưới triều Nguyễn, do chính sách cấm đạo rất gay gắt và những phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống quy định mà cư dân Phong Điền đã không dễ dàng tiếp cận và tin theo Thiên Chúa giáo. Một số làng có nhà thờ và số lượng tín đồ cũng không đáng kể. Ở Phong Ðiền có giáo xứ Phú Xuân đầu thế kỷ thứ XIX đến nay có 574 giáo dân. Có những giáo họ trực thuộc như Ðại Phú, Lương Mai, Mỹ Xuyên, Ưu Ðiềm, Vĩnh An, Phong Nguyên. Ngoài ra còn có một số giáo xứ khác như Bồ Ðiền, Thế Chí Ðông.
           Ngoài ra tư tưởng của Đạo giáo cũng ảnh hưởng không ít đến đời sống của cư dân nơi đây. Số lượng tín đồ chính thức của Ðạo giáo tuy không nhiều nhưng trong đời sống thực tế có ảnh hưởng sâu rộng. Họ là những người đảm nhận mọi lễ nghi cầu cúng phức tạp của dân gian. Hầu như làng nào cũng có vài ba nhà hành nghề phù thuỷ, cha truyền con nối nhiều đời đảm nhận mọi nghi lễ cầu cúng cho dân làng.
Ngoài các tôn giáo trên, các hình thái tín ngưỡng dân gian tồn tại phổ biến trong đời sống dân gian. Trong đó tiêu biểu ba loại hình tín ngưỡng: Tín ngưỡng Thành hoàng, thờ cúng tổ tiên và thờ cúng tổ nghề.
             Tín ngưỡng thờ thần trong các loại tín ngưỡng dân gian lưu hành ở làng xã Việt Nam cổ truyền là biểu hiện đầy đủ nhất và tập trung nhất ý thức tâm lý cộng đồng làng xã. Có những vị Thành hoàng có nguồn gốc rõ ràng nhưng lại có những làng vẫn thờ Thành hoàng nhưng đó chỉ là một vị thần không có lai lịch rõ ràng như làng Ưu Ðiềm chẳng hạn. Làng Phước Tích có miếu Thành hoàng ở xóm Hội cạnh miếu ngài bổn nghệ nên dân làng thường gọi là miếu Ðôi. Làng Hiền Lương, miếu này xây dựng ở xóm Phước Tự... Mỗi làng đều có một vị Thành Hoàng riêng tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh của dân làng trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá.
             Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống quý báu lâu đời của con người Việt Nam dù bất cứ ở đâu. Cư dân Phong Điền cũng như nhiều nơi khác rất xem trọng và thường đặt bàn thờ ở những nơi tôn nghiêm, trang trọng nhất. Hàng năm vào các ngày tế lễ, kỵ giỗ, chạp mả... đều thắp hương cúng cấp chu đáo để tưởng nhớ tổ tiên và xin phù hộ, độ trì cho con cháu. Ðây là nét đẹp văn hoá chung của cư dân người Việt.
             Thờ cúng tổ nghề là nét đẹp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Phong Ðiền có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng nên lại càng được coi trọng, tiêu biểu như nghề rèn, nghề gốm và nghề kim hoàn.
             Lễ tế tổ nghề rèn Hiền Lượng qui tụ hầu hết thợ rèn vùng Huế qui tụ về xóm Phước Tự, vào ngày 18-2 âm lịch hàng năm. Ðối với thợ rèn Hiền Lương, đây là một ngày thiêng liêng để gặp gỡ bà con, xóm giềng đồng nghiệp từ các địa phương, tăng thêm tính gắn bó với nghề và nhắc nhở nhau “ly hương bất ly tổ”.
            Nghề kim hoàn ở Huế có phường hội kim hoàn cùng nhau thờ cúng hai ông tổ sư Cao Ðình Ðộ, Cao Ðình Hương vào ngày 7 - 2 và 27 - 2 âm lịch. Ngoài ra, ở Phong Ðiền còn những làng vốn có một nghề truyền thống với những vị Tổ riêng của làng mình, như làng gốm Phước Tích đã lập miếu Ðào Nghệ (nghề gốm) thờ cúng trong dịp xuân kỳ, thu tế hàng năm. Danh hiệu Tổ được phụng thờ chỉ có ý nghĩa tập thể, gồm tổ tiên 3 họ chính ở làng đó truyền bá nghề này (“tam vị chánh tộc Ðào Nghệ tư công liệt vị tôn thần”).
            Làng chạm khắc Mỹ Xuyên không có miếu thần bổn nghề, mà chỉ thờ cúng tại nhà thợ cả. Lể cúng Tổ sư Nguyễn Văn Thọ diễn ra hàng năm vào ngày 4 tháng giêng.
Ngoài ra ở Phong Ðiền còn tồn tại rất nhiều hình tức tín ngưỡng khác mà cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều di tích mang dấu ấn của tín ngưỡng dân gian như làng Phước Tích có miếu Quảng Tế, miếu Cây Thị, miếu Cô Hồn..., ở Hiền Lương có miếu xóm, miếu Bà Hoả, miếu Bà Phiếu... Ở hầu hết các làng đều có miếu khai canh và đình làng. Ðình làng có quy mô khá lớn, thường xây dựng ở nơi trung tâm của làng. Ðình làng cũng thờ những ngài khai canh, khai khẩn, thiên thần, tiền quan, tiền chức..., đình làng cũng chính là trung tâm sinh hoạt văn hoá nơi hội họp của dân cư trong làng. Ðời sống tinh thần khá phong phú, có nhiều trò chơi vui nhộn vừa để giải trí vừa tăng thêm mối đoàn kết giữa các làng xóm với nhau. Ngoài ra còn có hát sắc bùa, tập chèo, hát trình nghệ (Phò Trạch), đánh đu (Phò Trạch, Thế Chí Tây, Da Viên) và các thể loại văn hóa văn nghệ dân gian khác.
            Sự tổng hoà, đan xen, kết hợp của các yếu tố văn hoá vật chất và tinh thần nói trên đã tạo nên bức tranh văn hoá đa sắc của Phong Ðiền. Quá trình sinh sống “cộng cư” và “cộng cảm” đã tạo ra những nét văn hoá chung. Ðó chính là sợi dây liên kết giữa các thành viên trong làng xã và giữa các làng xã với nhau. Có nhiều phong tục tập quán chi phối những mối quan hệ xã hội, biểu hiện trên nhiều mặt, nhất là tục cưới hỏi, tang ma. Chính những quy định đó dần dần được tập hợp thành những bản hương ước do những người có học thức soạn ra buộc mọi người phải tuân theo. Bởi vậy, dù đến cuối thế kỷ XIX các vua Nguyễn có nhiều biện pháp can thiệp vào trong các làng xã, bãi bỏ những hủ tục thì nó cũng vẫn tồn tại dai dẳng và ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân. Dù là hương ước thành văn hay tục lệ bất thành văn đều luôn quy định về những mối quan hệ xã hội giữa chính cư và ngụ cư, giữa các họ với nhau, giữa làng này với làng khác, giữa những người có chức quyền và dân thường. Nhìn chung các mối quan hệ này thường là thân thiện, tốt đẹp, nhưng cũng không tránh khỏi những phân biệt, bất bình đẳng giữa dân chính cư và ngụ cư.
            Mặc dù lúc này đồng tiền đã chi phối nhiều đến cuộc sống như có thể dùng nó để mua quan bán tước, phân biệt giàu nghèo, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, tôn trọng người cao tuổi, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tương thân tương ái... vẫn được giữ gìn, bảo lưu. Ðó cũng là một nét đẹp trong văn hoá của cư dân Phong Ðiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét