Phong Điền chống ách thống trị của Thực dân Pháp và Phong kiến tay sai
Sáng ngày 7-5-1885, Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra dần phía Bắc. Hơn hai tháng sau, ngày 19-9-1885 thực dân Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi vua. Tháng 3-1886, vị vua bù nhìn này ra một đạo dụ và một bản cáo thị ca ngợi công lao của Pháp và lên án nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Từ đây nhân dân Phong Điền chịu sự thống trị hà khắc của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai.
Từ tháng 9-1897, Thượng thư của sáu bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Lễ, Bộ Công) họp lại thành Hội đồng Cơ mật, do Khâm sứ Trung Kỳ chủ toạ và phê duyệt các quyết định. Ở cấp tỉnh, Pháp đặt quan Công sứ để chỉ huy công việc cai trị. Ở thôn xã, việc điều hành tuy do quan lại Nam triều của phủ Thừa Thiên đảm trách, nhưng thực dân Pháp cũng tìm cách can thiệp. Ngày 19-12-1935, vua Bảo Đại ra đạo dụ về việc tổ chức cơ quan quản trị làng xã ở Trung Kỳ, quy định việc bầu lý trưởng và các chức sắc khác của làng xã trong khuôn khổ “cải lương hương chính” của Pháp.
Đồng bạc Đông Dương được lưu hành thay cho hệ thống tiền tệ cũ. Từ ngày 1-1-1899, tiền thuế từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận đều phải nộp bằng đồng bạc Đông Dương. Vừa chịu sưu cao thuế nặng, người dân Phong Điền còn phải chịu cảnh bất công trong quân cấp ruộng đất.
“Đại bộ phận ruộng đất trong vùng chúng tôi là ruộng đất công. Mặc dầu theo quy định từ xưa thì ruộng đất phải được chia đều cho dân trong từng xã. Nhưng những người có quyền thế ở nông thôn có cách chia đều mà lại rất có lợi cho họ. Đó là chia đều về diện tích, tốt theo tốt, xấu theo xấu. Những người có quyền thế có địa vị nhận phần trước, những người ít quyền thế hoặc không có quyền thế nhận sau và người nhận sau cùng là dân thường được gọi là bạch đinh. Cứ như vậy, bao nhiêu ruộng đất tốt, thuận lợi đều bị những người có quyền thế chọn hết, đến lượt dân thường, chỉ còn lại ruộng đất cằn cỗi. Giá cho thuê một phần ruộng của quan viên chức sắc lúc bấy giờ cao gấp hàng trăm lần phần ruộng đất của dân thường”.
Theo báo Tiếng Dân, vào năm 1916, “gặp lúc đói rét”, làng Vĩnh An buộc phải đem 7 mẫu 6 sào ruộng công cầm cố cho ấp Khúc Lý lấy 950 đồng để cứu tế cho dân. Cũng theo báo này, dân làng Phù Ninh cũng điêu đứng vì tình trạng “ruộng xấu thuế cao”: “Nguyên chúng tôi nghèo không có ruộng đất, trong làng có xứ Trằm Việt và xứ Chiền Chiện có đôi vạt đất hoang, xin làng canh tác làm ăn. Từ trước đến nay ai canh được ruộng trên núi, làng cũng chiếu lệ khai vào tứ hạng điền cả. Năm 1932, nhân việc làm địa bộ, làng cho chúng tôi đứng khai nghiệp chủ người một mẫu, kẻ năm ba sào. Nay phát trích lục, thấy ruộng của chúng tôi liệt vào nhì hạng. Ở miền núi ruộng xấu mà thuế cao, làm không đủ bồi thuế, nên không dám lãnh trích lục. Rất mong nhà nước xét lại”.
Bên cạnh việc nộp thuế quá cao cho địa chủ khi buộc phải làm rẽ vì thiếu ruộng (phải nộp đến 50% sản phẩm thu hoạch được), người nông dân còn phải chịu thêm cảnh đục khoét của một số lý trưởng cậy quyền cậy thế ức hiếp dân nghèo. Mười ba người làng Phú Nông năm 1936 ký tên và điểm chỉ vào đơn kiện gửi cấp trên vì lý trưởng làm trái phép, không cấp ruộng để canh tác nhưng vẫn bắt dân nộp thuế.
Từ sự bất công và cảnh sống cơ cực, người dân Phong Điền đã nhiều lần vùng lên tranh đấu. Một số cường hào ở Phù Ninh và Đông Dạ do mua chuộc được nhân viên đạc điền đã chuyển ruộng công thành ruộng tư hoặc ruộng họ. Nhân dân trong làng đồng lòng làm đơn kêu kiện lên huyện, lên tỉnh và cả Toà Khâm. Sau gần 8 tháng kiên trì, cuộc đấu tranh chống chiếm ruộng đất công giành được thắng lợi, bọn cường hào phải trả lại ruộng cho làng.
Nhân dân Phong Điền không chỉ kêu kiện lên trên mà còn tham gia tích cực các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và chính quyền tay sai.
Sáng ngày 5-7-1885, Kinh thành Huế rơi vào tay quân Pháp, phái chủ chiến phò vua Hàm Nghi ra dần phía Bắc và ngày 13-7-1885 tại Sơn phòng Quảng Trị, vị vua yêu nước ra dụ Cần Vương, làm bùng lên khắp cả nước nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo.
Cùng với người dân hai huyện làng giềng Quảng Điền và Hương Trà, nhân dân huyện Phong Điền đã tham gia cuộc khởi nghĩa do Đặng Huy Cát, Đặng Hữu Phổ và Đặng Hữu Bác chỉ huy, ngăn chặn việc bắt lính của triều đình và tập kích vào huyện nha Quảng Điền vào tháng 8-1885.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét