1. Thời Lê sơ (1428 - 1527)
Đầu thời Lê sơ, công cuộc bảo vệ, củng cố và xây dựng chính quyền ở vùng cực Nam đất nước được các vua Lê coi trọng. Các trọng thần được cử đi tuần du hoặc trấn trị châu Hoá với nhiệm vụ bảo vệ vùng trọng trấn phía Nam, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường việc di dân khai hoang, phục hoá thành lập làng xã mới. Đó là Tổng quản Lê Khôi (1430), Tư mã Lê Liệt, Tổng quản Lê Chuyết (sau năm 1434), Tri sự Nội Mật viện Nguyễn Văn Huyến (1437). Quân Chăm Pa cũng nhiều lần cướp bóc châu Hóa trong các năm 1434, 1444, 1445...
Tuy có những biến động như thế nhưng tình hình về cơ bản vẫn ổn định. Con đường di dân từ phía Bắc vào diễn ra mạnh mẽ trên đất Phong Điền đầu thế kỷ XV, đặc biệt là các làng ven sông Ô Lâu mà tư liệu cho phép xác định khá rõ ràng. Đó là các làng Đa Cảm (nay là Mỹ Xuyên), Đàm Bổng (Ưu Điềm), An Triền (Hòa Viện), Bến Thu (Phú Nông), vạn Ma Nê. Các nguồn tư liệu điền dã tại địa phương cũng cho phép nhận định một số làng ven sông Ô Lâu như Vĩnh Cố (Vĩnh An), Phò Trạch, Đường Long (Chí Long), Chánh Lộ (Chánh Lộc)..., ở lưu vực sông Bồ có các làng An Mục (An Lỗ), Hoa Lang (Hiền Lương)..., dọc theo bờ biển Phong Điền từ Bắc vào có các làng Trung Tuyền (Trung Đồng), Kế Môn, Thế Chí... cũng ra đời trong giai đoạn này.
Những người khai phá lập làng bấy giờ phần đông là cư dân nông nghiệp. Họ di dân tập thể, cùng nhau chọn mảnh đất màu mỡ ven sông, ven biển và đầm phá để khai phá đất đai, sống bằng nghề nông là chủ yếu. Có thể nói vùng ven sông Ô Lâu thời đó, hệ thống các làng xã đã khá ổn định, để rồi về sau sự khai phá lập nên làng mới không nhiều, chỉ là sự mở rộng thêm các làng cũ.
Vào tháng 6-1466, vua Lê Thánh Tông đã tiến hành cuộc cải cách hành chính nổi tiếng. Ông đặt 13 đạo thừa tuyên trong cả nước, đổi đặt các đơn vị hành chính, các viên chức trong bộ máy chính quyền. Phong Điền là một phần đất thuộc 2 huyện Kim Trà và Đan Điền, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hoá.
Tháng 9-1470, vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem 10 vạn quân và voi, ngựa tiến ra quấy phá châu Hoá. Vua Lê Thánh Tông cử tướng Đinh Liệt và Lê Niệm dẫn 10 vạn quân thuộc theo đường thuỷ đi trước, còn tự mình đốc suất 15 vạn thuỷ quân theo sau. Đại quân đã dừng lại ở cửa Eo để luyện tập thuỷ chiến cùng với quân địa phương Thuận Hoá. Ngoài ra nhà vua còn ban lệnh phân phát lương thực cho quân lính lấy từ kho thóc Thuận Hoá, rồi sau đó đại quân tiến vào xứ Quảng Nam.
Ngày 27-2, quan quân hạ thành Thi Nại và hôm sau tiến quân vây thành Chà Bàn. Cánh quân Thuận Hoá đã bắt sống được Trà Toàn giải đến nộp, vua cho đưa về Đại Việt. Khi đại quân về tới Thuận Hoá, vua cho trả lương thực lại kho tích trữ. Tại đây, sau khi duyệt quân thắng trận, vua đã ban chiếu khuyến khích quan, quân di dân, khai hoang, lập ấp, tăng cường sức dân cho Thuận Hoá.
Cuộc hành quân chinh phạt của vua Lê Thánh Tông vào Chăm Pa đã chấm dứt mối đe doạ xâm lấn Hoá châu. Biên cương Đại Việt đã vào tận phía Nam Bình Định. Phong Điền và Thừa Thiên Huế từ đây không còn là phên giậu mà bước vào một thời kỳ phát triển mới. Hưởng ứng chủ trương di dân, một số quan, quân Nam chinh đã đưa gia đình và bà con từ các vùng quê phía Bắc mà đa số là Thanh Hoá và Nghệ An vào khai khẩn đất đai lập nên những làng, ấp mới.
Có khá nhiều làng xã được lập nên trong giai đoạn này nhưng chủ yếu là ở hạ lưu sông Bồ và sông Hương. Phong Điền thời gian này xuất hiện thêm một số làng, phần lớn ở ven sông Bồ mà tiêu biểu là làng Cảm Quyết (Phước Tích) ven sông Ô Lâu chuyên về nghề làm gốm.
Người khai canh làng Phước Tích là Hoàng Minh Hùng. Gia phả họ Hoàng ghi: “Đời Lê Thánh Tôn... ngài thỉ tổ họ Hoàng là Hoàng Minh Hùng tục gọi là Nồi nguyên người Cảm Quyết, tỉnh Nghệ An, thân chinh đánh đuổi Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đi xem xét, bao chiếm địa phận từ khe Trăn, khe Trái đến xứ Cồn Dương, sau đó chiêu tập nhân dân thành lập làng xã”. Có thể vì quyết sinh sống bằng nghề gốm theo dấu vết gốm Chăm Pa ở Cồn Sành (Mỹ Xuyên) nên ông đã chọn vùng đất cao tránh ngập úng để xây dựng lò gốm. Chính vì vậy, làng Phước Tích không có mảnh ruộng nào.
2. Thời Lê Mạc (1528 - 1558)
Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê sơ bắt đầu suy yếu, tình hình Thuận Hóa cũng bắt đầu rối ren. Tháng 7-1519, viên Tổng binh Thuận Hóa là Phạm Văn Huấn nhũng nhiễu, làm cho nhân dân địa phương oán giận. Khi Phạm Văn Huấn lộng quyền giết Hồ Bá Quang và 3 người khác là thổ quan các làng Bồ Điền (Phong An), Võ Xá, An Truyền, thủ hạ của Hồ Bá Quang đã tập hợp dân binh đến 4.000 người kéo đến vây thành Hóa châu, Phạm Văn Huấn phải chạy trốn.
Sau đó, sự kiện Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê vào năm 1527 đã kéo theo hàng loạt biến động khắp cả nước. Một số dòng tộc di cư vào châu Hóa lập nghiệp. Cuộc xung đột giữa các thế lực phò Lê và phò Mạc lan rộng. Tình hình Hóa châu rối loạn, nạn bắt người cướp của diễn ra khắp các phủ, huyện. Các quan địa phương của nhà Mạc bị phân hóa, kẻ hưởng ứng theo phong trào khởi nghĩa, kẻ chống cự, kẻ bỏ quan về làm dân. Nhân dân cũng bị họa lây, sản xuất đình đốn. Nhà Mạc liên tục cử quan quân vào đánh dẹp mới tạm yên.
Trong các năm 1548, 1552, sau khi thu phục vùng Thanh Nghệ, vua Lê liên tiếp cử các đạo quân chinh phạt phía Nam. Năm 1554, nhà Mạc phong Kỳ Giang bá Phạm Khắc Khoan làm Tham tướng Thuận Hóa, tổ chức phản công nhưng thất bại. Viên Đàm Bá Hoàng Bôi trấn giữ đầu nguồn Hải Lăng, phía Bắc Phong Điền, cầm cự được 5 năm rồi cũng bị tiêu diệt. Từ đó Phong Điền mới trở lại yên ổn dưới sự cai trị của nhà Lê.
Danh mục làng xã trong Ô châu cận lục (viết năm 1555) cho thấy có ít nhất 21 làng đã ra đời trên đất Phong Điền. Đứng đầu bộ máy chính quyền cơ sở của nhà Lê là xã trưởng lo việc trị an, thuế má, binh dịch, sưu dịch ở các làng dưới sự cai quản trực tiếp của các tri huyện. Ở vùng đầu nguồn Cổ Bi có chức Thủ ngự để canh giữ và thu thuế. Cư dân tập trung sống ở vùng trung và hạ lưu sông Bồ, ven đầm phá Bắc Tam Giang và dọc theo đồi cát ven biển. Tuyệt đại đa số làm ruộng với chỉ một vụ hè trong năm là chủ yếu, hoa màu và đánh bắt cá ở đầm phá, ven biển.
Việc chế tác công cụ sản xuất do làng Hoa Lang rèn đúc cung cấp cho khắp vùng. Người làm nghề chia làm nhiều kỉnh, mỗi kỉnh là một tốp thợ có quan hệ đồng môn, đi làm ăn khắp nơi, hàng năm quy tụ về làng làm lễ tế tổ sư. Làng Cảm Quyết với nghề làm đồ gốm có các sản phẩm như om, nồi, hũ, vại. Đan lát chiếu đệm bằng cây bàng có làng Phò Trạch. Một số làng có nghề dệt vải như Niêm Phò, Vĩnh Cố với các loại vải lụa thô sơ. Làng nào cũng có nghề thợ mộc, thợ tre phục vụ nhu cầu làng xã. Việc chăn nuôi trâu bò để cày kéo, chăn nuôi gà, vịt, lợn diễn ra phổ biến. Ven sông Ô Lâu, sông Bồ rải rác có vài chợ nhỏ qui tụ nông dân dăm ba làng theo đường sông đến trao đổi mua bán đơn giản, trong đó chợ Phò Trạch và Ưu Điềm là tương đối lớn.
Trong tác phẩm Ô châu cận lục, Dương Văn An đã phác họa về sinh hoạt văn hoá vùng này: “Về người thì nam vẫn cương cường, nữ quen mềm mại. Tiếng nói giống Châu Hoan, y phục so với Trung Hoa chẳng khác... Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc. Hạ tới mở tiệc tàng qui, ca múa tưng bừng... Lễ tang thì chôn cất nhanh chóng, không có lễ cúng sớm cúng chiều để thờ phụng cha mẹ. Tế lễ thì chuộng lập đàn trai bạt, đến sạt của hàng vạn hàng muôn, ngõ cầu cạnh Phật. An táng thì ca múa ở trước linh cữu, tên gọi đưa linh. Giỗ đầu thì cúng tế vào lúc gà gáy canh đầu, gọi tên là giỗ trộm. Còn như hội họp ở đình thì sớm nhóm chiều mới tan, tiêu phí cả năm sau. Nơi ca múa thì gióng trống thúc cờ vui nhộn cả đêm. Lễ nạp cống chỉ dùng đồng tiền mắt ngỗng làm đồ dẫn cưới. Mỗi khi cầu đảo thì dùng lễ mọn con gà mà bày nghi lễ hát ca...”.
Khi cuộc sống đã đi dần vào ổn định, các thể loại văn hóa dân gian ra đời, trở nên một nhu cầu thiết yếu của con người. Các truyền thuyết của làng, lễ hội, hát trò, hò, vè đều là những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá dân gian Phong Điền. Ý chí vươn lên trong giáo dục học tập của nhân dân đã dần làm xuất hiện một tầng lớp Nho sĩ, từ trong các lớp của các cụ đồ, rồi tiến lên học tập tại phủ huyện, hoặc ra Thăng Long học tập rồi ra làm quan. Tiêu biểu là nhân vật Nguyễn Quang làng Vĩnh Cố (Vĩnh An) đã từng giữ chức vụ Đồng Tri phủ phủ Tân Bình. Người dân lúc bình thường thì sống cần cù, chất phác, gắn bó với cuộc sống nông nghiệp bình dị, nhưng lúc có biến cố thì kiên cường, không sợ uy vũ, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Họ đã nỗ lực không ngừng biến vùng đất biên cương trở thành làng mạc, đồng ruộng thanh bình, trở thành những thế hệ tiên phong trong xu thế mở cõi về phương Nam. Đó chính là những nhân tố thuận lợi cho Nguyễn Hoàng năm 1558 vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa có điều kiện để củng cố thế lực, đưa vùng đất này tiến lên một giai đoạn phát triển mới.
Theo Dư Địa Chí Phong Điền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét