11/3/17

Phong Điền thời Chúa Nguyễn (1558 - 1774)

1. Nguyễn Hoàng vào Nam và hình thành vùng đất dựng nghiệp
          Vào giữa thế kỷ XVI, khi cuộc nội chiến Nam Bắc triều diễn ra, Trịnh Kiểm ra sức thâu tóm quyền lực của Nam triều thì Nguyễn Hoàng tìm cách ra đi, vừa để bảo toàn mạng sống vừa tính kế lâu dài cho thế lực của dòng họ. Tháng 11-1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đem 1.000 quân thủy và nhiều tướng lĩnh, quan lại, binh lính và dân nghèo vùng Thanh- Nghệ cùng theo vào.
           Cai quản vùng đất hiểm yếu Thuận Hóa vốn bị coi là “ác địa” và sự khống chế của triều đình còn lỏng lẻo, rồi được giao kiêm quản luôn đất Quảng Nam (1570), Nguyễn Hoàng đã từng bước thực hiện ý đồ xây dựng cơ sở cho riêng mình. Trong lời trăn trối với người con nối nghiệp, Nguyễn Hoàng nói: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Thuận Hóa (trong đó có Phong Điền) trở thành đất dựng nghiệp của dòng họ Nguyễn từ đó.
           Để xây dựng cơ nghiệp, trước hết Nguyễn Hoàng dựa vào lực lượng người “bản tộc”, “bản huyện” đồng hương Thanh Hóa, cho họ nắm giữ những chức vụ trọng yếu, sau đó thu hút thêm cư dân và nhân tài các tỉnh phía Bắc theo vào, cộng với những tù binh chiến tranh và quan trọng nhất là cư dân vốn có ở địa phương. Các thành phần cư dân đó được họ Nguyễn thu phục, vỗ về để khai hoang phục hóa, phát triển kinh tế và từng bước củng cố thế lực.
          Lê Quý Đôn nhận xét Nguyễn Hoàng là người: “Có uy lực, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu, tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục”. Từ đó “nhân sĩ châu Ô, châu Lý, không ai là không theo thời thế mà lập công danh”.
          Từ vùng đất Quảng Trị thưở ban đầu mới dừng chân dựng phủ (Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát), Thừa Thiên Huế dần dần lộ rõ và khẳng định vị thế là đất dựng nghiệp của dòng họ Nguyễn khi chính quyền Đàng Trong nâng cấp và dịch chuyển dần thủ phủ từ Phước Yên đến Kim Long, Phú Xuân, Bác Vọng và trở lại Phú Xuân. Cùng với quá trình tìm đất đứng chân thích hợp thì nền tảng kinh tế xã hội vùng đất này từng bước được phát triển vững mạnh. Phong Điền - địa bàn đứng giữa hai vùng thủ phủ đó thực sự có bước chuyển biến nhanh chóng dưới thời các chúa Nguyễn.
2. Phong Điền thời các chúa Nguyễn (1558 - 1774)
         Về chính trị, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp một mặt củng cố đất Thuận Quảng, chống lại có hiệu quả quân Trịnh, mặt khác ra sức tìm cách mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Cho đến năm 1757, cả vùng đất Thủy Chân Lạp đã hoàn toàn thuộc về quyền quản lý của chúa. Cùng với quá trình đó, các chúa đã từng bước tổ chức bộ máy cai trị trên vùng đất Đàng Trong.
         Buổi đầu, việc cắt đặt quan lại của Nguyễn Hoàng còn chịu sự chi phối của triều đình Lê -Trịnh. Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha, quyết định thải hồi các quan lại do nhà Lê cắt cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền. Thừa Thiên Huế với tư cách Chính dinh - nơi đóng thủ phủ có nhiều thay đổi lớn về tổ chức chính quyền. Xứ Thuận Hóa vào năm 1570 có 2 phủ, 8 huyện và 4 châu. Trong 6 huyện của phủ Triệu Phong thì Phong Điền nằm trong hai huyện Quảng Điền và Hương Trà.
          Viên chức ở phủ thì có Tri phủ đứng đầu, Đề lại, Thông lại. Ngoài ra, cấp phủ còn có Huấn đạo và Lễ sinh. Cấp huyện thì có Tri huyện trông coi từ tụng, Đề lại chuyên giải quyết văn án, Thông lại huyện phụ trách việc tra xét. Riêng về thuế má, sưu dịch, chúa Nguyễn đặt một cơ quan gọi là Bản đường quan từ phủ đến tổng.
         Tổng là đơn vị trung gian giữa huyện và xã bắt đầu có từ thời các chúa Nguyễn. Đứng đầu mỗi tổng là viên Cai tổng, phó Cai tổng mà nhiệm chủ yếu là đốc thúc việc thu thuế nằm trong ngạch Bản đường quan. Các làng xã Phong Điền cuối thời chúa Nguyễn nằm rải rác trong 6 tổng với 26 xã, 6 thôn và 1 phường. Trong đó, huyện Hương Trà có 2/9 tổng là tổng Vĩnh Xương (7 xã 3 thôn) và Phò Trạch (8 xã 2 thôn). Huyện Quảng Điền có 4/8 tổng là tổng Hoa Lang (6 xã trong tổng số 8 xã 2 thôn 2 phường), tổng Đông Lâm (2 xã / 9 xã 1 thôn), tổng Phò Ninh (4 xã / 9 xã 1 thôn 1 phường) và tổng Phú Ốc (1 phường / 4 xã 2 phường). Như vây, số làng xã sau 200 năm đã tăng lên khoảng 1,5 lần (từ 24 làng tăng lên 33 làng).
           Đứng đầu chính quyền cơ sở xã thôn phường là 2 chức dịch tướng thần và xã trưởng. Theo qui định năm 1707, số lượng chức dịch này tùy thuộc vào qui mô làng xã. Xã có hơn 400 người thì có 18 tướng thần xã trưởng. Xã có từ 200 đến 400 người thì có 8 tướng thần xã trưởng. Xã có từ 71 đến 199 người thì có 2 tướng thần xã trưởng. Xã có 70 người trở xuống thì có 1 tướng thần xã trưởng.
           Về kinh tế, Phong Điền vốn tiếp nhận nhiều thành phần cư dân các nơi đến sinh sống. Tuy nhiên, cũng như Thuận Hóa, Phong Điền vẫn bị coi là vùng biên viễn xa xôi, là nơi lưu đày tội nhân, tù binh, nơi lập nghiệp của dân nghèo phía Bắc, những cư dân Chăm và các tộc người bản địa sống rải rác ở vùng đồng bằng, đồi núi cùng lực lượng quan trọng là binh lính... Nguyễn Hoàng và con cháu của ông đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tập hợp, cố kết tất cả các thành phần nói trên, khôn khéo dựa vào sức lao động của họ để phát triển vùng đất mới.
           Trước hết là tổ chức khẩn hoang mở rộng diện tích canh tác. Họ Nguyễn chia dân thành từng đoàn, cấp lương thực, nông cụ cho đi các nơi khai phá đất hoang, đặt thành ruộng đất công của làng xã mới thành lập. Lực lượng binh lính cũng được huy động khẩn hoang, hình thành quan đồn điền và quan điền trang. Quá trình khai phá xuất phát từ một nhóm người thì hình thành ruộng đất tư, gọi là “bản bức tư điền”, được nhà nước thừa nhận từ năm 1669. Có ít nhất là 12 làng được thành lập thời này. Trong đó vừa có hiện tượng khá phổ biến là tách lập làng mới ra khỏi làng cũ do dân cư đông đảo tại các vùng cồn bãi, gò đồi, ven đầm phá; vừa có nhiều làng mới được thành lập mà các vị khai canh, khai khẩn ở đây phần lớn là quan quân hoặc đồng hương họ Nguyễn.
           Để quản lý chặt ruộng đất và đánh thuế, từ năm 1618, chúa bắt đầu tiến hành đo đạc ruộng đất. Năm 1774, tổng diện tích xứ Thuận Hóa được kê khai là 265.507 mẫu. Trong đó 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang là 86.879 mẫu, với số hộ và số dân ước tính là 37.400 hộ, 149.600 dân. Từ năm 1669, chúa Nguyễn chính thức ban hành phép thu thuế. Ruộng công, ruộng tư đều được chia làm ba hạng, đánh thuế ngang nhau, mỗi mẫu ruộng hạng nhất nộp 40 thăng thóc (1 thăng = 20 lít), ruộng hạng nhì 30 thăng thóc và ruộng hạng ba 20 thăng thóc. Ruộng mùa thu và đất khô thì không chia hạng, mỗi mẫu nộp 3 tiền.
           Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, các chúa Nguyễn còn thi hành chính sách khuyến khích công thương nghiệp, mở mang giao thông thủy bộ. Các ngành nghề thủ công phát triển rộng rãi với những làng nghề như gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, đệm Phò Trạch. “Xã Phò Trạch huyện Hương Trà dệt lác làm chiếu, tục gọi là chiếu đệm, cũng dùng làm buồm, chiếu ấy cũng như chiếu Quảng Lâm xứ Kinh Bắc". Trên cơ sở phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, những nhu cầu trong cuộc sống của nhân dân và chính sách cởi mở của chúa Nguyễn đã giúp cho nội ngoại thương có những bước tiến đáng kể, nhiều trung tâm đô thị ở Thừa Thiên Huế ra đời, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của Phong Điền.
           Mặc khác, những phong tục, nếp sống từ các làng quê Đàng Ngoài đã được hòa nhập cùng với người dân bản địa và chịu tác động bởi môi trường tự nhiên xã hội mới, tạo nên sắc thái văn hóa mới ở quê hương Phong Điền. Chịu ảnh hưởng của nếp sống các đô thị gần kề, nếp sống đài các, thanh lịch cũng dần ảnh hưởng đến vùng thôn dã. Hệ thống giáo dục thi cử nho học thâm nhập mạnh vào nông thôn nhưng các làng quê ở Phong Điền vốn lấy Phật giáo làm chỗ dựa vững chắc cho đời sống cộng đồng. Chùa Giác Lương nổi tiếng ở Hiền Lương và hệ thống các chùa làng nói lên điều đó. Biểu hiện tập trung của đời sống tâm linh vẫn là đạo thờ cúng tổ tiên với sự củng cố bền chặt quan hệ gia đình, dòng tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét