11/3/17

Phong Điền những thế kỷ đầu của Công nguyên

             Từ cuối thế kỷ II trước công nguyên, nuớc ta chịu sự đô hộ của nhà Hán gồm 3 quận thuộc bộ Giao Chỉ. Quận Nhật Nam ở vùng cực Nam được sử sách ghi lại: “Thời Tiền Hán, quận Nhật Nam gồm 5 huyện Chu Ngô, Tỷ Ảnh, Lư Dung, Tây Quyển và Tượng Lâm, hộ 15.400 và khẩu 69.485... Thời Hậu Hán, quận Nhật Nam có 18.263 hộ, 100.676 khẩu” . Phong Điền nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung là một phần của quận Nhật Nam, là đất của huyện Lư Dung. Ở cấp bộ, cấp quận, chính quyền đô hộ đặt các chức quan Thứ sử, Thái thú, Đô úy, nhưng thực chất họ chỉ cai trị gián tiếp, ở các địa phương từ cấp huyện trở xuống đều do các Lạc tướng nắm chức Huyện lệnh cai quản. Trong bối cảnh đó cư dân bản địa vùng đất cổ Thừa Thiên Huế đã có điều kiện tự cai quản vùng đất của mình.
              Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) xuất phát từ quận Giao Chỉ, cư dân Nhật Nam đã hưởng ứng, nổi dậy đánh chiếm thành trì của nhà Hán. Quân bình định của Mã Viện chỉ khống chế được hai quận Giao chỉ và Cửu Chân, không vào đến Nhật Nam. Người bản địa ở đây tiếp tục tự quản, sự thống trị của nhà Đông Hán không còn chặt chẽ. Năm 100, hơn 2.000 người Nhật Nam nổi dậy, bắt đầu từ huyện Tượng Lâm ở phía Nam rồi lan ra các huyện khác, đốt phá dinh thự, giết Trưởng lại Trung Quốc. Quân Hán phải phát binh đánh dẹp, thiết lập lại bộ máy cai trị, đặt chức Trưởng sử trông coi binh lính và đề phòng người bản địa.
               Năm 137, khoảng vài ngàn người Khu Liên nổi dậy ở phía Nam quận Nhật Nam, đốt cháy huyện thành, giết Trưởng sử. Thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phải phát binh, lấy hơn hai vạn quân từ quận Giao Chỉ, Cửu Chân vào cứu viện. Vua nhà Hán phải điều đình với người Khu Liên và chiêu dụ binh lính Cửu Chân để ổn định tình hình. Năm 144, người bản địa ở quận Nhật Nam lại tiếp tục nổi dậy, đốt cháy thành phủ, Thứ sử Giao Chỉ là Hạ Phương phải vào chiêu dụ. Năm 155, nhân cư dân quận Cửu Chân nổi dậy, để giữ yên Cửu Chân, nhà Hán phải đóng thêm đồn binh ở quận Nhật Nam.
              Dưới sự cai trị lỏng lẻo của nhà Hán sau công nguyên, cư dân huyện Lư Dung cùng cư dân quận Nhật Nam đã nhiều lần khởi binh khiến cho ách đô hộ của nhà Đông Hán lung lay, tạo điều kiện để đến cuối thế kỷ thứ II, người dân huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam nổi dậy đánh đuổi quân đô hộ, hình thành nước Lâm Ấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét