1. Dấu tích thời tiền sử
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở Phong Điền một số dấu tích thời tiền sử, chứng minh từ thời nguyên thủy vùng đất này đã có con người sinh sống. Năm 1979, cán bộ khoa Sử trường Đại học Tổng Hợp Huế phát hiện những chiếc rìu, bôn đá ở phía Đông ga Phò Trạch (xã Phong Thu). Trong tình trạng tất cả rìu, bôn đá tìm thấy ở Thừa Thiên Huế đều được mài toàn thân, nhưng vẫn chưa hết những dấu tích của kỹ thuật ghè đẽo, mà chỉ mài sắc lưỡi rìu, bôn thì ở Phong Thu là loại rìu bôn “có vai xuôi, thân dài và hơi cong, khum. Lưỡi mài vát từ bụng ra lưng. Thiết diện ngang thân và lưng hình chữ nhật. Biên dài 9,8 cm (trong đó chuôi dài 2,4 cm); vai rộng 2,8 cm; lưỡi rộng 3,8 cm; thân dài 1,4 cm; góc lưỡi 30º ”. Điều đó cho thấy kỹ thuật chế tác đá của người nguyên thủy ở đây đã đạt đến trình độ khá cao, hoàn thiện hơn các nơi khác trên địa bàn tỉnh.
Nguyên liệu chủ yếu để chế tạo rìu, bôn là loại đá silex (hay là đá lửa) pha vẩy sét và một số ít làm từ đá gốc có nguồn gốc trầm tích. Các đặc điểm về định tính và định lượng của công cụ rìu, bôn đá đã xác nhận các công cụ của các nhóm cư dân nguyên thuỷ ở Thừa Thiên Huế nói chung và ở Phong Thu nói riêng cùng mang những đặc trưng chung về chất liệu, loại hình cũng như kỹ thuật chế tác công cụ đá giống như cư dân văn hoá Bàu Tró (Quảng Bình) thời hậu kỳ đá mới cách ngày nay 3.500 năm đến 4.000 năm.
Tuy chưa phát hiện được di chỉ nơi người nguyên thủy cư trú (tức di tích có tầng văn hoá) nhưng qua các dấu tích rìu, bôn cũng cho thấy địa bàn cư trú của người nguyên thuỷ bấy giờ khá rộng. Mật độ rìu bôn khá dày đặc ở miền núi phía Tây Phong Điền (thôn La Ngà xã Hồng Thủy, núi Mèo xã Hồng Vân và các xã Bắc Sơn, Hồng Bắc, Hồng Hạ, huyện A Lưới) chứng tỏ vùng này là địa bàn sinh tụ chính. Lúc ấy, do đợt biển tiến kết thúc, lượng mưa giảm dần, đồng bằng được bồi tụ, môi trường thay đổi có nhiều nét gần gũi, tương tự như ngày nay, một bộ phận cư dân nguyên thuỷ tiếp tục ở lại địa bàn cũ ở vùng thung lũng, chân núi, bìa rừng, một bộ phận khác đã lan toả xuống chiếm lĩnh vùng đồng bằng trước núi, ven sông. Vùng đồi núi thấp và vùng giữa của huyện Phong Điền ngày nay đã in dấu chân người nguyên thủy mà dấu tích còn lại tìm thấy ở Phong Thu đã minh chứng cho điều đó.
Cùng với quá trình tiến về đồng bằng, do nhu cầu của việc khai thác đất hoang và sản xuất nông nghiệp mà công cụ lao động không ngừng được cải tiến, bổ sung. Bên cạnh công cụ đá nguyên thủy, lúc bấy giờ cư dân ở đây còn dùng xương thú và tre, gỗ để chế tác công cụ như cư dân cùng thời tại các nơi khác, nhưng những chất liệu này đã bị tiêu huỷ qua thời gian.
Chính nhờ công cụ được cải tiến, phong phú hơn mà nền kinh tế không ngừng phát triển. Cơ cấu cây trồng đa dạng hơn. Bên cạnh cây lúa, bấy giờ họ còn trồng các cây lấy củ, cây ăn quả và rau dưa, bầu bí... Lương thực, thực phẩm thu được ngày càng nhiều, nhu cầu về sinh hoạt cuộc sống vật chất ngày càng cao, vì thế nghề gốm cũng có điều kiện phát triển. Có thể đã có một mối liên hệ nào đó giữa đồ gốm cổ với các dấu tích của nghề gốm thời ChămPa và Đại Việt sau đó ở làng Phước Tích. Bên cạnh nghề nông mới được manh nha, bấy giờ cư dân ở đây vẫn tiếp tục duy trì những hình thức kinh tế khai thác như săn bắt cá và thu lượm những sản vật sẵn có trong tự nhiên. Những hoạt động kinh tế khai thác này còn đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống cư dân thời bấy giờ.
Trên cơ sở một nền kinh tế khai thác và kinh tế sản xuất ngày càng ổn định, đa dạng và phát triển như vậy, đời sống văn hoá tinh thần và tổ chức xã hội cũng ngày càng được nâng cao. Qua việc tìm hiểu kỹ thuật chế tác các loại hình công cụ đá có thể nói họ đã có một trình độ tư duy kỹ thuật và mỹ cảm khá phát triển.
Tổ chức xã hội cũng có nhiều thay đổi tạo điều kiện cho con người có thêm sức mạnh mới. Sau khi thoát khỏi cuộc sống bầy đàn, con người bước vào giai đoạn công xã thị tộc mẫu hệ. Bấy giờ con người đã biết hợp lực cùng nhau để tạo ra sức mạnh tập thể trong lao động sản xuất và từng bước chinh phục, cải biến những vùng đất hoang thành ruộng lúa, nương khoai và những xóm làng, thôn bản ở khắp mọi nơi, từ vùng núi, thung lũng đến những gò đồi và đồng bằng ven sông, ven biển.
Như vậy, trên cơ sở dấu tích của người nguyên thủy ở Phong Thu cách ngày nay 3.500 - 4.000 năm, có thể thấy, lúc bấy giờ do điều kiện tự nhiên có nhiều thay đổi, con người ở đây đã từ nền nông nghiệp sơ khai tiến dần lên nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là một chuyển biến có ý nghĩa lớn lao của đời sống cư dân thời nguyên thuỷ. Đây chính là những tiền đề để đưa cư dân Thừa Thiên Huế nói chung và cư dân Phong Điền nói riêng tiến vào thời đại văn minh.
2. Di tích thời sơ sử
Thời sơ sử ứng với thời đại kim khí theo cách phân kỳ khảo cổ học, bao gồm cả thời đại đồ đồng cho đến sơ kỳ thời đại đồ sắt. Phong Điền nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung thời kim khí được xác định là nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh. Tuy chưa phát hiện được những di chỉ cư trú như ở Trung và Nam Trung Bộ nhưng đã tìm thấy hai di tích khá điển hình của văn hóa Sa Huỳnh ở gần Phong Điền là di tích mộ chum Cồn Ràng (thôn Phụ Ổ, Hương Chữ) và Cửa Thiềng (thị trấn Tứ Hạ)- đều thuộc Hương Trà. Những kết quả từ việc nghiên cứu các di tích này cho phép đoán định được cuộc sống của con người thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh trên đất Phong Điền cũng có bộ mặt văn hóa và trình độ kỹ thuật tương đồng với cư dân ở các vùng khác trên địa bàn phân bố của văn hóa này.
Cư dân thời bấy giờ đã có cuộc sống định cư lâu dài lấy nông nghiệp làm nguồn sống chính. Mật độ và qui mô phân bố mộ chum dày đặc ở Cồn Ràng cho thấy sự quần tụ đông đúc của ho. Công cụ lao động chủ yếu bằng sắt với các loại rìu cuốc, liềm, dao, thuổng... Do môi trường sống gần rừng, kề biển mà bấy giờ họ đã biết khai thác tốt hơn các nguồn lợi của biển của rừng như đánh bắt các loại thủy hải sản, săn bắt thú, khai thác các nguồn hương liệu... Bên cạnh nghề nông, cư dân nơi đây còn phát triển thêm một số ngành thủ công như nghề đan lát, xe sợi và dệt vải. Đặc biệt là nghề làm đồ gốm ngày càng tinh xảo hơn. Kỹ nghệ chế tạo đồ trang sức bằng đá, bằng thủy tinh đánh dấu năng lực chế tác và trình độ thẩm mỹ của cư dân thời bấy giờ. Nhờ vậy mà đời sống vật chất của con người thuở ấy không ngừng cải thiện và nâng cao. Theo đó, đời sống tinh thần cũng phong phú đa dạng hơn.
Trên cơ sở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cư dân Sa Huỳnh đã từng bước mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi, buôn bán với các cư dân thời đại kim khí trong khu vực, đặc biệt là với cư dân Việt cổ - chủ nhân của văn hoá Đông Sơn. Sự có mặt của trống đồng Đông Sơn ở xã Phong Mỹ là một minh chứng về mối quan hệ giao lưu văn hoá này. Trống Phong Mỹ là chiếc trống đồng duy nhất cho đến nay được tìm thấy trên địa bàn Thừa Thiên Huế, do ông Dương Văn Năm (xã Phong An) tình cờ phát hiện vào ngày 18 - 03 - 1994 trong khi đi dò tìm sắt thép phế liệu tại khu vực Hầm Heo (Khe Trăn, Phong Mỹ). Trống nằm ở độ sâu 120cm, cách tả ngạn sông Ô Lâu 50m về phía Bắc, cách huyện lỵ Phong Điền 23km về phía Tây Nam.
Trống có kích thước khá lớn, đường kính mặt rộng 64cm, ở giữa mặt trống là hình mặt trời với 12 tia chiếu sáng, xen giữa các tia là hình rẽ quạt. Tiếp đến là một gờ chỉ nổi, rồi các vành trang trí: tam giác đối đỉnh, đường tròn tiếp tuyến, những vạch ngắn hướng tâm, hoa văn kỷ hà, người hóa trang cắm lông chim, hình 10 con hạc nối đuôi nhau bay theo chiều ngược với kim đồng hồ; vành là những vạch ngắn hướng tâm, ngoài cùng là một vành chỉ nhỏ. Phần thân và tang trống cũng có hoa văn trang trí nhưng vì vỡ vụn nên khó nhận biết các đồ án và mô-tip. Căn cứ vào hình dáng, kích thước và đặc biệt là những đồ án hoa văn trang trí trên mặt trống, các nhà khảo cổ học đã xếp trống đồng Phong Mỹ vào nhóm trống đồng muộn, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm.
Trống đồng được xem là loại di vật điển hình nhất của văn hóa Đông Sơn, có địa bàn phân bố vượt ra khỏi phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam là Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Với chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở Khe Trăn, có nhiều khả năng để giải thích cho sự có mặt của hiện vật này trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhưng khả năng được nhiều người đồng tình hơn cả chính là kết quả của quá trình giao lưu trao đổi của cư dân Sa Huỳnh với cư dân Đông Sơn. Trên thực tế, không chỉ có trống đồng xuất hiện ở Phong Mỹ mà bản đồ phân bố của trống Đông Sơn còn rộng hơn, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Dù chưa có nhiều dấu vết văn hóa Sa Huỳnh trên đất Phong Điền nhưng qua các di tích gần kề như ở Hương Trà cho thấy sự có mặt của cư dân Sa Huỳnh ở vùng đất này là điều đã được khẳng định. Địa bàn Thừa Thiên Huế vốn là vùng đất phía Bắc của văn hoá Sa Huỳnh. Và trên địa bàn Phong Điền, việc phát hiện chiếc trống đồng Đông Sơn ở Phong Mỹ có ý nghĩa rất lớn đối với cả khoa học lẫn thực tiễn. Và cũng giống như những thành tựu mà các nền văn hóa trong thời đại kim khí có được, cư dân Sa Huỳnh đã bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước sơ khai, chuẩn bị những tiền đề cho sự ra đời của vương quốc Chăm Pa sau đó.
Theo Dư địa chí Phong Điền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét