Phong Điền đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam
1. Sự thành lập chi bộ Phước Tích (10-1930)
Tháng 4-1927, một số học sinh quê ở Phong Điền đã tham gia các cuộc bãi khoá của học sinh trường Quốc Học, trường Kỹ nghệ thực hành, “từ đó truyền về quê hương sự bất bình đi đến tỏ thái độ chống đối chính sách giáo dục thực dân cùng với các chính sách xã hội khác của đế quốc, phong kiến. Chính từ phong trào đó đã khơi dậy, thúc đẩy lòng yêu nước trong nhiều tầng lớp xã hội”.
Tháng 7-1927, phái viên của Tổng bộ Thanh niên là Vương Thúc Oánh đã tuyên truyền và kết nạp Nguyễn Đức Tịnh, Phó Đức Trực, Lê Dung vào tổ chức Thanh Niên, đồng thời thành lập Tỉnh bộ lâm thời Thanh niên ở Huế do Nguyễn Đức Tịnh làm Bí thư.
Bên cạnh tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào giữa năm 1927, tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng ở Huế được hình thành với những đảng viên như Đào Duy Anh, Võ Liêm Sơn, Trần Hữu Duẫn, Phạm Văn Đại, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng.
Một số thanh niên ở Phong Điền bắt đầu tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng nói trên như Lê Văn Quýnh (Mỹ Cang), Lương Khoan, Lương Địch, Nguyễn Quán (Phước Tích) và Phạm Đình Hy (Vĩnh An), dẫn đến sự kiện năm 1928, Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Quảng Trị tổ chức một cơ sở Hội ở làng Phước Tích gồm Lương Khoan, Lương Địch, Nguyễn Quán, Lê Văn Quýnh, Lương Côn, Lương Trọng và Lê Hoàng. Ngày 1-5-1929, ở Phước Tích, Mỹ Xuyên, Ưu Điềm, Vĩnh An và Vân Trình nhiều truyền đơn tuyên truyền cho cộng sản đã xuất hiện.
Ở phía Nam của huyện cũng có những thanh niên tiến bộ “bắt tay liên lạc với nhau như Phạm Canh làng Phò Ninh quan hệ với Trần Liên, Trần Vân làng Lại Bằng (huyện Hương Trà), cùng nhau đi tìm con đường cứu nước”.
Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng cử Nguyễn Phong Sắc vào Huế để vận động phát triển tổ chức. Đầu tháng 7-1929, Tỉnh bộ Thừa Thiên của Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập trên cơ sở tuyển chọn những người tích cực nhất và tán thành cộng sản trong Thanh niên. Qua tháng 1-1930, sau khi Nguyễn Khoa Văn dự Hội nghị Đò Trai (Hà Tĩnh) trở về Huế, việc chuyển Tân Việt sang Đảng Cộng sản được tiến hành một cách khẩn trương, và đầu năm 1930, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn được thành lập ở Huế.
Từ năm 1930, với sự ra đời của hai Đảng bộ, thanh niên các huyện nông thôn trong tỉnh bắt đầu biết đến một đường lối cứu nước mới theo cách mạng vô sản do các đảng viên của hai tổ chức nói trên tuyên truyền và vận động. “Trên phạm vi Phong Điền đã xuất hiện những nhóm thanh niên yêu nước hoạt động. Nhóm Phước Tích liên hệ trực tiếp với cơ sở Ngô Xá - một chi bộ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tỉnh Quảng Trị”.
Sau Hội nghị ở Hương Cảng (họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều địa phương trên cả nước xúc tiến mạnh mẽ việc tổ chức Đảng Cộng sản để thống nhất trong lãnh đạo phong trào đấu tranh chống thực dân và phong kiến. Tháng 4-1930, tỉnh Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên họp Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên do Lê Viết Lượng làm Bí thư. Từ đây, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên.
Sau khi thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên, Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy nêu rõ: “Mở phong trào học sinh, công nhân, nông dân chuẩn bị tổ chức ngày 1-5 trong 15 ngày từ 22-4 đến 7-5-1930 để phát động quần chúng”.
Ngày 1-5-1930, truyền đơn được rải ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, nội dung “kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính và thanh niên học sinh đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tăng tiền lương, thực hiện ngày làm việc 8 giờ, phản đối chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ Liên bang Xô-Viết”. Ở Phong Điền, nhóm thanh niên yêu nước Phước Tích đã tích cực hoạt động kỷ niệm ngày 1-5, rải truyền đơn và treo cờ búa liềm ở Phước Tích, Ưu Điềm. Sau đó, trong những tháng 7, 8, 9, 10-1930, truyền đơn tiếp tục được rải ở Phong Điền, “phản đối địch lập tổ chức Đảng quốc gia-một tổ chức phản cách mạng, ủng hộ phong trào “Nghệ An đỏ”, chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga”.
Trong bối cảnh của những cuộc đấu tranh bước đầu đó, vào tháng 10-1930, chi bộ Phước Tích - chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phong Điền được thành lập với các đảng viên Lương Địch, Nguyễn Quán và Lê Văn Quýnh do Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức và lãnh đạo. Phong Điền từ đây thực sự chuyển mình trong đấu tranh chống thực dân và phong kiến, cùng cả tỉnh và cả nước vì mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.
2. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Phong Điền từ khi có Đảng đến trước Cách mạng tháng Tám 1945
Ra đời trong bối cảnh phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước đi vào thoái trào, từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, chi bộ Phước Tích gặp những khó khăn rất lớn. Các đảng viên thuộc chi bộ bị địch truy lùng ráo riết và bị bắt gần hết. Đồng chí Lương Khoan, sinh hoạt tại chi bộ Ngô Xá Đông (Quảng Trị), người trực tiếp phụ trách chi bộ Phước Tích do Tỉnh ủy Quảng Trị phân công bị bắt cuối năm 1930 và bị kết án 12 năm tù giam. Đầu năm 1931, đồng chí Lê Văn Quýnh học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế bị địch bắt và đày đi Lao Bảo, sau đó hy sinh ở nhà tù này vào tháng 2-1931. Đồng chí Lương Địch cũng bị địch bắt ở Quảng Trị, bị kết án 5 năm tù giam. Qua tháng 3-1931, đồng chí Nguyễn Quán bị bắt ở Thế Chí Đông, vì không đủ chứng cớ nên địch phải thả đồng chí sau ba tháng giam giữ ở lao Thừa Phủ. Khi đồng chí Nguyễn Quán trở về, đồng chí Lương Tốn (con đồng chí Lương Khoan) đã vào Phước Tích để cùng hoạt động. Tuy không còn đủ đảng viên để tổ chức thành một chi bộ nhưng các đồng chí vẫn tìm mọi cách để sinh hoạt, duy trì đường dây và tiếp tục tuyên truyền, vận động ở Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, Phú Xuân và mở rộng ra các địa bàn Vĩnh An, Trạch Phổ, Phú Nông, Thanh Hương, Đại Lộc và Thế Chí.
Từ đầu năm 1933, nhóm “Thanh niên sông Bồ” gồm Phạm Tế, Hoàng Anh, Trần Linh và Hoàng Liệu được hình thành gồm những người trẻ tuổi cùng chí hướng nhưng chưa được tiếp xúc với Đảng. Trước đó, vào cuối năm 1931, chính nhóm thanh niên yêu nước này đã làm hạt nhân cho cuộc đấu tranh chống hãng dầu tràm Pháp F.I.A chiếm vùng đồi núi của tổng Phù Ninh. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi, vùng núi đồi được giữ nguyên, hãng F.I.A phải mua tràm của dân. Cho đến cuối năm 1934, nhóm “Thanh niên sông Bồ” đã tập hợp khá đông thanh niên ở các làng Cổ Bi, Hiền Sĩ, Đông Dạ, Phù Ninh và Thượng An để cùng hoạt động.
Cùng thời gian này ở Phong Điền xuất hiện thêm những nhóm cảm tình Đảng: nhóm Bắc Phong Điền có cơ sở ở Vĩnh An, Phú Nông, Trung Thạnh, Chính An và Mỹ Phú; nhóm Phò Trạch Thượng của vợ chồng ông Ấm Năm (tức Nguyễn Tri Luận và Trương Thị Nữ). Các nhóm đã tổ chức thành công những cuộc đấu tranh chống cường hào, tổng lý chiếm đoạt ruộng đất, chống quân cấp ruộng đất bất công và bài trừ mê tín dị đoan trong dân chúng.
Không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyện, có nhóm đã vào Huế và đến tận Phú Lộc để nắm bắt tình hình, tìm cách liên lạc với Đảng. Nhóm “Thanh niên sông Bồ” góp tiền đến mua sách báo tiến bộ ở hiệu sách Hương Giang của Hải Triều và Quan Hải Tùng Thư của Đào Duy Anh. Qua đó, Hoàng Anh gặp được Hải Triều và bắt đầu tiếp xúc với những sách báo cách mạng. Trụ sở báo Nhành Lúa và nhà Cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự cũng là nơi các thanh niên của nhóm thường xuyên lui tới, dẫn đến việc đồng chí Nguyễn Chí Diểu (Ủy viên Trung ương Đảng) ra Phong Điền gặp mặt và bày cách tuyên truyền, vận động quần chúng cho nhóm. “Được nghe anh Diểu phân tích và giải thích, chúng tôi dần dần thấy được tầm vóc rộng lớn của cuộc đấu tranh mà mình được vinh dự tham gia và cũng thấy được những việc thiết thực cần làm để góp sức vào cuộc đấu tranh rộng lớn ấy. Từ đó, chúng tôi thực sự đã bắt được liên lạc với Đảng”.
Ngày 1-1-1937, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp cử Justin Godart làm Đặc sứ sang điều tra tình hình Đông Dương. Nhân dịp này, lấy lý do hợp pháp là đón tiếp Godart, các tổ chức Đảng trong nước đã huy động hàng vạn người thuộc đủ các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu dương lực lượng với khẩu hiệu đòi ân xá chính trị phạm, bỏ thuế thân, tự do nghiệp đoàn và tự do ngôn luận. Một đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân được tiến hành thông qua nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết và trên báo chí. Nhóm “Thanh niên sông Bồ” được giao nhiệm vụ vận động và tổ chức nhân dân trong huyện đến Huế để đón tiếp Godart.
Thực dân Pháp và chính quyền tay sai tìm mọi cách ngăn cản không cho dân chúng gặp Godart nhưng đã không thể. Ngày 24-2-1937, 200 người dân Phong Điền hoà chung vào dòng người từ khắp mọi nơi kéo về Huế. Chờ đợi và giữ vững đội ngũ cho đến ngày thứ ba, khi Godart đến Huế ngày 26-2-1937, quần chúng đã ào tới vây quanh. Hàng ngàn lá đơn thỉnh cầu được đưa tới. Các khẩu hiệu, biểu ngữ như “Hoan nghênh Mặt trận Bình dân”, “Tự do báo chí”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Bỏ thuế thân” được căng lên rợp trời. Quần chúng diễu hành qua Toà Khâm với khí thế hào hùng. Chưa bao giờ không khí chính trị ở Huế lại sôi động như thế.
Từ sự kiện này Hoàng Anh, Phạm Tế và Phạm Oanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Một thời gian ngắn sau, Hoàng Anh được cử vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên kiêm Bí thư huyện Phong Điền.
Cho đến giữa năm 1937, ở Phong Điền đã có hai chi bộ Đảng. Chi bộ Nam Phong Điền gồm các đảng viên Phạm Oanh, Hoàng Anh, Phạm Tế, Hoàng Tiến, Trần Lưu, Hoàng Thái và Nguyễn Thái, do Phạm Oanh làm Bí thư. Chi bộ Bắc Phong Điền (Phước Tích) thành lập từ trước thuộc Tỉnh Đảng bộ Quảng Trị gồm các đảng viên Nguyễn Quán, Lương Tốn, Lương Địch và Phan Đồng, do Nguyễn Quán làm Bí thư.
Trong phong trào dân chủ ở Thừa Thiên những năm 1936-1939, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực nghị trường đã giành được thắng lợi quan trọng, trong đó có công sức của nhân dân trong huyện. Mùa Thu 1937 diễn ra cuộc bầu cử đại biểu vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nói đại biểu của Viện do dân bầu ra nhưng không phải ai đến tuổi công dân là được đi bầu, mà chỉ riêng những hương lý và quan viên chức sắc trong làng xã mới được phát thẻ cử tri.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc vận động cử tri bầu những nhân sĩ tiến bộ vào Viện Dân biểu, các đảng viên Phong Điền khẩn trương và tích cực đến từng thôn xã vận động bỏ phiếu cho Nguyễn Đình Diễn - một học sinh ở làng Chí Long tham gia cuộc bãi khóa năm 1927 bị đuổi học. Kết quả Nguyễn Đình Diễn trúng cử, cùng với Hoàng Đức Trạch là hai dân biểu (trong tổng số 3 dân biểu được bầu của tỉnh Thừa Thiên) do Đảng ta lãnh đạo vận động.
Sau đợt bầu cử thắng lợi, các đảng viên Phong Điền trực tiếp đề đạt nguyện vọng của nhân dân đến Nguyễn Đình Diễn. Trong phiên họp của Viện Dân biểu Trung Kỳ tháng 11-1937, dân biểu Nguyễn Đình Diễn đã nói lên tiếng nói của nhân dân, yêu cầu chính quyền bỏ thuế thân, giảm thuế điền thổ, bỏ độc quyền rượu, muối và thuốc lá, giảm thuế chợ, thuế đò, lập thêm nhà thương, trường học, coi sóc mùa màng và để cho người dân được quyền bầu cử.
Tại một số làng trong huyện, chi bộ đã tổ chức được Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ dân chủ. Nhiều tổ chức quần chúng được lập ra như hội cấy gặt, hội hiếu hỷ, phường đi săn, hội đá bóng, hội đọc báo v.v.. góp phần tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết trong dân chúng, chuẩn bị lực lượng cho những cuộc đấu tranh về sau.
Mùa Thu 1938, chính quyền thực dân dự kiến tăng thuế thân và thuế điền. Khi dự án công bố trên báo, lập tức nổ ra phong trào đấu tranh trong toàn tỉnh đòi bác bỏ. Các đảng viên Phong Điền lập ra “Ban dân vận chống dự án thuế mới”, vận động nông dân chống tăng thuế thân và thuế điền. Ngày 16-8-1938, nông dân và thanh niên, học sinh Phong Điền kéo vào Huế, đến trụ sở của Viện Dân biểu đưa bản dân nguyện và hô vang các khẩu hiệu chống tăng thuế.
Trước phong trào đấu tranh của quần chúng, tại diễn đàn nghị viện, các nghị viên tiến bộ đã phê phán sự bất công của dự án tăng thuế, lên tiếng bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động. Kết quả là ngày 16-9-1938, Viện Dân biểu Trung Kỳ nhất trí bác bỏ dự án tăng thuế của chính quyền thực dân phong kiến. Sau đó, thuế thân từ 2đ5 được giảm xuống còn 0đ6.
Từ sự kiện này chính quyền thực dân ráo riết hơn trong việc truy lùng những đảng viên cộng sản. Xảy ra một số vụ bắt bớ và doạ dẫm quần chúng tham gia đấu tranh. Tháng 10-1938, các đảng viên Hoàng Tiến, Hoàng Anh, Hoàng Thái, Phạm Tế, Trần Lưu và Nguyễn Thái bị bắt, đưa vào giam ở nhà lao Thừa Phủ rồi sau đó bị chính quyền thực dân kết án (Hoàng Tiến 2 năm tù giam, Phạm Tế và Hoàng Anh 6 tháng tù giam, Hoàng Thái, Trần Lưu và Nguyễn Thái 3 tháng tù giam). Đến tháng 3-1939, một số được ra tù nhưng không lâu sau thì bị bắt trở lại. Tuy nhiên, cho đến tháng 10-1939, trên địa bàn huyện vẫn còn 2 chi bộ hoạt động (chi bộ sông Bồ 3 đảng viên và chi bộ Phước Tích 4 đảng viên). Đó là khoảng thời gian Đông Dương đầy biến động bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuộc đấu tranh của nhân dân Phong Điền chuyển sang một giai đoạn mới.
3. Nhân dân Phong Điền tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945
Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh thế giới, chính phủ Pháp đã thi hành một chính sách phát xít ở Đông dương, vừa ra lệnh tổng động viên nhân tài vật lực, bòn rút của cải và đưa thanh niên Việt Nam sang các chiến trường ở châu Âu, vừa đàn áp khốc liệt phong trào đấu tranh của quần chúng, bắt bớ giam cầm những người cộng sản. Riêng tại Phong Điền, chúng lập một trại tập trung tại Ưu Điềm để quản thúc những cựu tù chính trị đã mãn hạn tù và những người bị cho là nguy hiểm đến nhà cầm quyền.
Tháng 11-1939, Ban Chấp hành trung ương họp Hội nghị, nhất trí đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đồng thời tạm gác lại khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Trong tình hình các đảng viên chủ chốt của tỉnh vẫn còn bị giam giữ, các đảng viên và cơ sở cảm tình Đảng ở Phong Điền vẫn kiên trì hoạt động. Ngày 14-7-1940, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp, nhiều truyền đơn cách mạng đã được rải ở Phò Trạch, Phò Ninh và Ưu Điềm. Những người bị địch quản thúc ở Ưu Điềm còn đấu tranh thắng lợi, không phải mỗi ngày phải lên trình diện huyện một lần.
Cuối năm 1940, 6 chính trị phạm Lê Thế Tiết, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Tế, Lê Tự Nhiên, Hoàng Anh và Tố Hữu bị đem giam ở nhà ngục Lao Bảo (Quảng Trị). Bấy giờ, quân đội phát xít Nhật đã vượt biên giới Việt - Trung, tràn vào Lạng Sơn (22-9-1940), thực dân Pháp cùng Phát xít Nhật thống trị Đông Dương, nhân dân ta lâm vào cảnh một cổ hai tròng!
Trước những khó khăn của phong trào cách mạng trong tỉnh, chi bộ nhà lao Thừa Phủ tiếp tục kêu gọi đảng viên ở bên ngoài tích cực hoạt động, gây dựng và duy trì cơ sở, đồng thời chuẩn bị cho những vụ vượt ngục khi có điều kiện.
Một số cán bộ chủ chốt sau khi ra tù đã trở về địa phương củng cố lại tổ chức. Tháng 6-1941, Hoàng Tiến và Trần Bá Song họp đại diện các nhóm cộng sản ở Phong Điền, Quảng Điền và Diêm Trường (Phú Lộc) tại Niêm Phò (Quảng Điền) để bàn kế hoạch hoạt động. Cuộc họp này quyết định thành lập Ban Vận động thống nhất Đảng tỉnh Thừa Thiên. Sau đó, chi bộ ghép Phong - Quảng - Hương Trà được thành lập gồm 12 đảng viên. Từ năm 1942, một số nhóm cơ sở cảm tình Đảng hình thành ở Phong Điền như nhóm Vĩnh An (Phan Ngô), nhóm Phú Nông và Chánh Lộc (Nguyễn Hiệp), nhóm Chính An (Nguyễn Biên), nhóm Phò Trạch Thượng (Nguyễn Tri Tân), nhóm Trung Thạnh (Nguyễn Tri Cu), nhóm Khánh Mỹ (Hoàng Công Phẩm) và nhóm Mỹ Phú (Nguyễn Hữu Bảng).
Do mất liên lạc với Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, tổ chức Đảng ở Thừa Thiên đến lúc đó vẫn chưa tiếp thu được Nghị quyết 8 của Trung ương (5-1941) về việc thành lập Mặt trận Việt Minh và chuẩn bị mọi mặt để đi từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa trong cả nước khi có thời cơ. Tháng 2-1942, từ nhà lao Buôn Ma Thuột vượt ngục trở về, Nguyễn Chí Thanh đã khẩn trương nắm bắt tình hình trong tỉnh và qua tháng 7-1942, triệu tập Hội nghị Cán bộ Đảng tại Bến Tu (Quảng Điền). Hội nghị phân tích tình hình và nghe Nguyễn Chí Thanh phổ biến tinh thần cơ bản của Nghị quyết 6 và 8 của Trung ương Đảng, sau đó tiến hành bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 5 ủy viên do Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư.
Sau Hội nghị lập lại Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng dần dần được hồi phục. Một số trạm giao thông liên lạc hình thành ở Phong Điền, Phú Lộc và Huế dựa vào những gia đình cơ sở. Liên chi ủy Phong - Quảng phát triển thêm nhiều đảng viên mới và tách ra làm hai chi bộ (chi bộ Phong Điền và chi bộ Quảng Điền). Nhà Phạm Oanh và Hoàng Tiến ở làng Phò Ninh được chọn làm trạm liên lạc của Tỉnh ủy ở phía Bắc.
Cuối năm 1942, địch tập trung khủng bố mạnh hơn, những cơ sở cách mạng mới xây dựng bị đánh phá, nhiều cán bộ đảng viên bị tù đày. Trong một chuyến đi công tác ở Phú Lộc vào tháng 7-1943, Nguyễn Chí Thanh lại bị bắt và nhốt chặt trong nhà đày Buôn Ma Thuột. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy lâm thời trong một cuộc họp đã bàn kế hoạch xây dựng lại phong trào và bầu bổ sung ban chấp hành. Nguyễn Sơn được cử làm Bí thư Tỉnh ủy và 2 đoàn cán bộ được Tỉnh ủy cử đi bắt liên lạc với cấp trên. Giữa năm 1944, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng họp ở ngã ba Sình, đặt nhiệm vụ phát triển và củng cố cơ sở Đảng ở các nhà máy, trường học, các chợ, các khu phố, tiếp tục lưu hành tờ báo Vì Nước làm công cụ tuyên truyền và chuyển cơ quan Tỉnh ủy về chợ Xép (Huế) để thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào.
Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, do chính sách vơ vét lúa gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp mà ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ 2 triệu người bị chết đói thê thảm. Tình trạng đói kém lan đến các huyện trong tỉnh, không trừ một thôn xóm nào. Các gia đình ở ven biển và trên phá Tam Giang làm nghề chài lưới càng thiếu đói nghiêm trọng.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, một cuộc vận động cứu đói đã diễn ra. Nhiều hội từ thiện, hội cứu đói được thành lập ở các làng, đi quyên góp, giúp nhau cái ăn. Một số nhóm vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi mua gạo, khoai và sắn khô về chia cho đồng bào.
Đêm mồng 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đến chiều ngày 10-3-1945, quân Nhật làm chủ thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, kiểm sát toàn bộ các đồn bót, công sở và đường giao thông. Bảo Đại theo lệnh Nhật lập nội các mới. Ngày 17-4, Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Ngày 23-5-1945, Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh dưới sự chủ tọa của Bí thư Tỉnh ủy (lâm thời) Nguyễn Sơn họp ở đầm Cầu Hai (Phú Lộc). Tham dự Hội nghị có 28 đại biểu (Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Lê Minh, Hoàng Tiến, Trần Thanh Từ, Nguyễn Dĩnh, Lê Hải, Đặng Do...). Hội nghị bầu Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh (bí danh là Việt Minh Nguyễn Tri Phương) gồm 13 người và phân công các ủy viên về cơ sở: Lê Minh (Hương Thủy), Lê Hải và Đặng Do (Phú Vang), Hoàng Tiến (Phong Điền), Lê Bá Khanh và Lê Bá Dị (Phú Lộc). Quảng Điền và Hương Trà do Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách.
Giữa tháng 6-1945, cán bộ toàn huyện Phong Điền họp tại làng Hiền Sĩ, thành lập Việt Minh huyện, lấy bí danh là Việt Minh Trường Sơn. Sau đó, tổ chức Việt Minh lần lượt thành lập ở nhiều tổng và làng trong huyện. Công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa khi có thời cơ được tiến hành khẩn trương.
Lực lượng tự vệ cứu quốc bao gồm những thanh niên nhiệt tình, khoẻ mạnh được thành lập ở các tổng và làng để làm nòng cốt cho khởi nghĩa của quần chúng. Các đoàn thể cứu quốc - thành viên của Mặt trận Việt Minh tích cực vận động quần chúng đi nghe cán bộ diễn thuyết. Công tác chuẩn bị vũ khí và lương thực lôi kéo nhiều tầng lớp tham gia. Thợ rèn Hiền Lương, Cổ Bi và nhiều làng khác ngày đêm rèn dao, kiếm, mã tấu. Nhiều người dân tìm gặp cán bộ để đóng góp cho quỹ khởi nghĩa. Việt Minh huyện còn vay lúa của các nhà khá giả để chuẩn bị cho lực lượng khởi nghĩa.
Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Được tin này, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị Cán bộ, nhất trí chủ trương phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh, quyết định chọn huyện Phú Lộc và Phong Điền giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế tiến hành khởi nghĩa ngay sau đó. Tại Phong Điền, Việt Minh huyện nhanh chóng thành lập Ủy ban Khởi nghĩa gồm Hoàng Tiến, Hoàng Thái, Trần Lưu, Phan Đồng, Hoàng Công Phẩm và Hoàng Trình, khẩn trương xúc tiến công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 18-8-1645, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh huyện, nhân dân và tự vệ hai tổng Phò Ninh, Hiền Lương và các làng thuộc Phong Thu trang bị vũ khí thô sơ, giương cao băng cờ, khẩu hiệu, nổi dậy giành chính quyền, tịch thu đồng triện (con dấu) và sổ sách của tổng lý. Sáng ngày 19-8, nhân dân 3 tổng còn lại là Phò Trạch, Chánh Lộc, Vĩnh Xương giành chính quyền ở tổng, sau đó kéo vào bao vây huyện đường ở Ưu Điềm. Ủy ban Khởi nghĩa huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng do Hoàng Thái làm Chủ tịch và Hoàng Tiến làm Chủ nhiệm Việt Minh.
Ngày 23-8-1945, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã huy động nhân dân trong huyện tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, và ngày 29-8, đông đảo nhân dân đứng dọc theo đường quốc lộ hân hoan đón chào phái đoàn của Trung ương vào tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.
Chiều ngày 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Đại-vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến ở Việt Nam được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành. Hoà chung với 5 vạn người trong toàn tỉnh, nhân dân Phong Điền với hàng ngũ chỉnh tề đã có mặt từ sớm trên sân cỏ trải rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân Kỳ đài. Trên Kỳ đài, lá cờ quẻ ly của nhà vua (treo sẵn từ giữa trưa theo yêu cầu của Bảo Đại) được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên. Bảo Đại trân trọng trao cho Trưởng đoàn Trần Huy Liệu ấn kiếm trong tiếng hô rền vang của nhân dân Thừa Thiên Huế: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến. Nhân dân Phong Điền từ đây thực sự đổi đời, làm chủ một đất nước độc lập, tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét