Phế tích Đền tháp Chăm-pa Vân Trạch Hòa
Phong Điền là vùng đất có nhiều dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa. Phong Điền có sông Ô Lâu, dòng sông mang cái tên lịch sử của châu Ô xưa. Nơi đây có đường thiên lý, con đường mà có thể kiệu cưới của Huyền Trân công chúa đã từng đi qua. Trước đây, các dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa đã được các nhà khảo cứu người Pháp thống kê nhưng chưa thật đầy đủ. Từ năm 1975 đến nay, nhiều di tích, hiện vật của văn hóa Chăm Pa liên tục được phát hiện đã cho thấy trên mảnh đất Phong Điền ngày xưa từng là một trung tâm văn hóa lớn của người Chăm, thậm chí có thể nêu giả thiết nơi đây từng là một Kinh đô xưa của Lâm Ấp. Tiêu biểu cho các dấu tích của nền văn hóa Chăm Pa tại Phong Điền là đền tháp Vân Trạch Hoà.
Đây là một trong những di tích đã được người Pháp nghiên cứu và công bố khá sớm, nhưng lúc đó chỉ ghi nhận những hiện vật xuất lộ trên mặt đất bao gồm bộ tượng ở bức màn cửa tháp với ba tấm phù điêu: Brahma, Visnu, Siva và một số vật liệu kiến trúc như các bậc cửa tháp, gạch, đá... Cho đến năm 1989, bộ tượng này vẫn còn, riêng đối với đài thờ chính của tháp vẫn còn nằm trong lòng đất, ngay dưới gốc cây đu đủ của nhà bà Hoàng Thị Kiếm (thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu), nhưng sau khi nhà bà Kiếm chuyển đi nơi khác thì nhiều người đã đào bới khu phế tích này và lấy đi một số tượng nhỏ. Đến tháng 10-1990, lợi dụng một trận lũ lớn, nước ngập đến gần khu tháp, một kẻ gian đã dùng thuyền đến lấy cắp hai phù điêu thần Brahma và Siva, đồng thời quật phần trên của đài thờ và di chuyển đến cách đó vài mét nhưng chưa kịp chuyển đi thì nước rút. Sau đó, phù điêu thần Visnu và phần trên đài thờ được chuyển về Phòng Văn hóa thông tin huyện, còn phần dưới đài thờ do quá nặng nên vẫn để lại, nhưng rồi phần dưới đài thờ lại bị kẻ gian tiếp tục xâm hại nên sau đó địa phương phải khai quật và được đưa về bảo quản tại Phòng Văn hóa thông tin huyện. Hiện đài thờ này đang được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đài thờ hình vuông, gồm hai phần chồng khít lên nhau. Qua nghiên cứu, nhà Chăm Pa học Trần Kỳ Phương cho rằng: “Trong quá trình chuyển hóa của nền điêu khắc Chăm Pa, phù điêu Vân Trạch Hòa chiếm vị trí quan trọng vì nó đánh dấu giai đoạn Hindu-Buddhist xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ X với những ảnh hưởng từ nghệ thuật Java mà trước đây nhiều người nghiên cứu đã quan tâm. Trong điêu khắc Chăm Pa, đây là phù điêu duy nhất thể hiện đầy đủ hình tượng Hộ thế bát phương thiên trên một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc của một ngôi đền; các ngẫu tượng dikplakas khác đều là những tượng tròn riêng rẽ đặt trong các miếu nhỏ xung quanh ngôi đền chính tại các khu thờ tự quan trọng”.
Các mặt của đài thờ.
Về niên đại của đài thờ Vân Trạch Hòa, TS. Phạm Hữu Mý (Thành phố Hồ Chí Minh) trong Luận án PTS Khoa học lịch sử năm 1995 đã cho rằng đài thờ có niên đại từ cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX. Theo TS. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) thì niên đại của đài thờ Vân Trạch Hòa là vào khoảng cuối thế kỷ IX đến thế kỷ X, riêng Trần Kỳ Phương xác định tác phẩm này có niên đại khoảng đầu thế kỷ X, thuộc giai đoạn muộn của phong cách Đồng Dương.
Phù điêu thần Visnu, một bộ phận của phù điêu màn cửa tháp (thường gọi là Tympan) tìm thấy ở di tích Vân Trạch Hòa được Trần Kỳ Phương khảo tả một cách rất chi tiết: “Thần Visnu đội mũ kirita-mukuta, trên mũ có cái miện điểm ba đóa hoa, hàng lông mày giao nhau, hai mắt lớn có con ngươi tròn, ngài có bộ râu mép dày; tai to đeo hoa tai nặng thả trên vai, cổ ba ngấn, đeo vòng kiền là những cánh hoa kết lại, bả vai trái có đeo trang sức; các cổ tay có đeo vòng hạt cườm; thần mặc một cái sampốt dài đến đầu gối, có nhiều nếp gấp, dải buộc sampốt dài, thả trên lưng heo rừng”.
So sánh chi tiết thể hiện trên khuôn mặt cũng như trang sức, Trần Kỳ Phương cho rằng tác phẩm này có thể được xếp vào giai đoạn kéo dài của phong cách Mỹ Sơn E1, vào khoảng cuối thế kỷ VIII-IX, đồng thời cho biết:“Phù điêu kiểu Tympan thể hiện sự xuất hiện của Linga/ Lingodbhavamurti, đây là tác phẩm duy nhất có chủ đề này xuất hiện trong nền điêu khắc Chăm Pa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét