11/3/17

Di tích Chăm pa tại chùa Ưu Điềm

Di tích Chăm pa tại chùa Ưu Điềm.

              Chùa Ưu Điềm ở xã Phong Hòa, không biết xây dựng từ thời nào, nhưng trong sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn có chép: “phía hữu chùa có tượng Phật đá nổi, tục gọi “tượng Bà Lồi”, trước tượng khoảng đất rộng chừng một trượng có bức bình phong bằng đá, cao rộng đều ba thước, trông phảng phất như hình ngựa, hình người, năm Minh Mạng thứ hai (1821) sửa chữa lại”. Di tích, hiện vật được triều Nguyễn ghi nhận chính là những di tích hiện vật của nền văn hóa Chăm Pa, nay vẫn còn. Trong chuyến đi khảo sát di tích Chăm Pa ở chùa Ưu Điềm thuộc xã Phong Hòa, khi tiếp cận với bức phù điêu Siva-Parvati đặt trước miếu thờ Bà (phía trái chùa), Trần Kỳ Phương cho rằng tác phẩm này là một bức Tympan đặt trên cửa chính của ngôi đền. Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Chăm Pa thể hiện đề tài lễ cưới Siva-Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa. Ở miếu thờ Bà còn tượng Bà cao 80cm có đôi vú tròn căng, chắp tay ngồi kiết già trên tòa sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ. Tượng này đã một lần bị mất đầu, nhưng sau tìm lại được. Hiện nay tượng đã thếp màu vàng, đầu sơn đen, bên ngoài có khoác áo mũ bằng vải vàng. Nơi đây còn có một bộ Linga (dương vật) lớn, nhưng ngẫu tượng Yoni (âm vật) đã bị vỡ, chỉ còn một nửa, ngẫu tượng Linga còn nguyên, có đường kính dài 30cm và nhiều mẫu cột đá hình vuông, tròn, có rãnh gờ múi khế.

              Trần Kỳ Phương cho rằng các tác phẩm ở đây có thể được xếp vào giai đoạn muộn hay giai đoạn kéo dài của phong cách Mỹ Sơn E1, vào khoảng từ cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét