24/2/17

Thân Văn Thiếp


          Thân Văn Nhiếp (chữ Hán: 申文燮, 1804 - 1872) tự Ngưng Chi (凝芝) hiệu Lỗ Đình (魯亭) là một quan đại thần triều Nguyễn.
Tiểu sử
            Thân Văn Nhiếp sinh ngày 28 tháng 9 năm Giáp Tí (1804) tại kinh đô Huế. Cụ thân sinh ra ông là Thân Văn Quyền được tiếng là học giỏi, nhưng vì thế cuộc tao loạn hồi Tây Sơn nên không theo nghiệp lều chõng mà chỉ ở nhà hành nghề gõ đầu trẻ. Mãi đến năm 53 tuổi, tức niên hiệu Minh Mệnh thứ 4, cụ mới được người quen tiến cử ra làm quan, nhưng hoạn lộ cũng thăng giáng bao phen vì bản tính thật thà cương trực, bênh lẽ phải đến nơi đến chốn. Niên hiệu Minh Mệnh thứ 15, cụ đứng ra can vua hãy giảm tội cho tiến sĩ Nguyễn Trữ bấy giờ làm quan Án sát Hưng Yên, viện lẽ chiếu cố kẻ hiền tài, vua cả giận sai truyền đưa cụ đi xử trảm ngang lưng. Thời may vua kịp trấn tĩnh lại, mới cho thị vệ đem Hỏa bài rượt ngựa theo đến An Hòa môn đòi hoãn lệnh thi hành án.
            Đến Thân Văn Nhiếp được cha rèn cặp nghiêm khắc từ nhỏ, 4 lần thi thì đậu tú tài cả 4 nhưng mãi đến khoa Tân Sửu (1841) mới trúng hương tiến. Vì thế, phải chờ đến khi 40 tuổi ông mới được bổ dụng làm quan. Thân Văn Nhiếp lần lượt được bổ nhiệm tại các tỉnh Khánh Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bình Định... hiếm khi lắm ông mới được triệu về kinh, từ Hành tẩu Bí thư sở, cho đến Tham biện Lễ bộ, Lại bộ, Binh bộ...
           Từ những năm Tự Đức trở đi, thế cuộc ngày càng nhiễu nhương. Tháng 11 năm 1856, từ chức vụ Biện lý Binh bộ, triều đình cử Thân Văn Nhiếp làm Bố chánh Quảng Nam. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải giải quyết nạn đói, phủ dụ dân chúng để kịp đối phó các cuộc gây hấn của người Pháp. Sau gần 2 năm khó nhọc, cuộc sống ở Quảng Nam dần yên ổn.
           Tháng 4 năm 1861, triều đình lại cử Thân Văn Nhiếp làm Hiệp tán Quân thứ ở Biên Hòa. Ông rắp tâm thực hiện ý đồ chủ động cản bước tiến của quân Pháp. Thân Văn Nhiếp đem quân sĩ giấu mình trong núi Long Ân để chặn đường bộ nhằm không cho người Pháp đến được chân thành Biên Hòa. Ông lựa thế đánh gấp để thu hồi các vùng Bình An, Thủ Dầu Một, việc này càng khiến đối phương khó băng qua đất Đồng Bản để tiến về Biên Hòa. Phải đến ngày 17 tháng 11 cùng năm, quân Pháp dùng các loại chiến đĩnh để vượt khúc sông Phúc Giang thì thành Biên Hòa mới thất thủ. Bấy giờ Thân Văn Nhiếp bèn giao lại binh quyền cho Phó đề đốc Lê Quang Tiếng rồi cải trang vượt rừng ngót ba ngày để tới núi Nữ Tang. Ông cùng mấy người hào nghĩa xuống thuyền qua cửa Cần Giờ đến huyện Phúc Lộc (Gia Định), tại đây ông cùng quan Tuần vũ Đỗ Quang trù nghị, mộ nghĩa binh hơn 100 người, binh cơ được 3 vạn, khuyến quyên hơn 30 vạn quan, ngũ sự bằng đồng hơn 100 bộ. Nghĩa quân lấy cột nhà đốt than mà đúc thêm súng, lại đốc thúc thổ hào Bùi Quang Diệu, tùy thế phòng tiện để chờ viện binh.
            Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế bất đắc dĩ phải cắt nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông cho phía Pháp. Lúc này, Thân Văn Nhiếp tự thấy tình thế vô phương nên từ bỏ ý định kháng cự quân Pháp bằng võ lực, ông đành trở về đất Vĩnh Long để đợi mệnh triều đình. Ông sống bình lặng trong những năm còn lại.
Gia thế
            Cứ theo Đại Nam thực lục quyển IV và thế phổ họ Thân, ông Thân Văn Nhiếp có ít nhất 3 người con trai, lần lượt là Trọng Trữ, Trọng Huề, Trọng Thuận đều được triều đình ưu ái cho làm quan. Các hậu duệ của họ dần tạo nên một vọng tộc ở đất thần kinh, hầu hết nhờ truyền thống siêng học.

Nguyễn Duy

Nguyễn Duy (阮惟) hay Nguyễn Văn Duy (阮文惟), tự: Nhữ Hiền (18091861), là một danh tướng triều Nguyễn, (Việt Nam) hy sinh trong Trận Đại đồn Chí Hòa. Ông cũng chính là em của danh tướng Nguyễn Tri Phương.
Tiểu s
Nguyễn Duy sinh ngày 21 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1809), tại làng Đường Long tức Chí Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Thuở nhỏ ông thông minh, hiếu học, năm Đinh Dậu (1837) đỗ tú tài, năm Thiệu Trị nguyên niên đậu cử nhân khoa Tân Sửu 1841. Năm sau (Nhâm Dần 1842), thi Đình đậu Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân.
Năm 1843, ông được bổ dụng làm Biên tu ở Nội các, năm sau thăng Tu soạn, năm 1845 được bổ Tri phủ Tân An ở Gia Định, năm 1847 chuyển về làm Tri phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cùng trong năm này, thân phụ ông mất, ông phải về cư tang. Đến năm sau (1848), ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1851, ông được thăng Tập hiền viện Thị độc sung giảng sách ở Tòa Kinh diên. Năm 1852, ông làm Thị giảng học sĩ. Cùng năm này ông được sung vào phái bộ đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi đi sứ về, ông được thăng hàm Hồng lô tự khanh, sung chức Biện lý bộ Lại kiêm Nội các, làm việc tại triều đình.
Năm 1856, tàu chiến Pháp đến khiêu khích ở Đà Nẵng, ông được phái vào giúp Tổng đốc Quảng Nam là Đào Trí lo chống ngăn. Năm 1859 thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, ông sung chức Tán lý đạo Định Biên trông coi việc quân sự.
Và mặc dù lực lượng của Pháp lúc này rất ít, chủ tướng Tôn Thất Cáp vẫn chủ trương cố thủ. Thấy quân lực của mình dường như bất động, vua Tự Đức phái Tham biện các vụ Huỳnh Văn Tuyên vào điều tra. Nghe ông Tuyên về báo cáo, là Tôn Thất Cáp có tinh thần khiếp nhược, trước sau chỉ muốn hòa, nhà vua liền giáng Tôn Thất Cáp xuống Thị lang, Tán lý Nguyễn Duy xuống Lang trung, nhưng vẫn phải ở Gia Định chiến đấu.
Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, trông coi việc quân sự ở miền Nam, ông Duy tòng sự dưới quyền của anh.
Ngày 24 tháng 2 năm 1861, Thủy sư đô đốc là Charner đánh phá Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương trấn giữ. Dưới áp lực của quân Pháp, Nguyễn Duy chiến đấu và đã chết tại trận cùng với Tôn Thất Trĩ. Riêng Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển thì bị thương (mấy ngày sau, do bị thương quá nặng, ông Hiển mất tại thôn Tân Tạo, phủ Tân Bình), nhưng cuối cùng Nguyễn Tri Phương cũng rút tàn quân về được Biên Hòa.
Sau khi Nguyễn Duy mất, triều đình truy tặng hàm Binh bộ Tả tham tri và được thờ tại đền Trung Nghĩa, đền Trung Hiếu cùng anh là Nguyễn Tri Phương và cháu là Phò mã Nguyễn Lâm.
Thương tiếc
Hay tin Nguyễn Duy hy sinh tại trận, danh sĩ cùng thời là Nguyễn Thông (1827-1884) đã làm thơ điếu ông như sau:
Phiên âm Hán-Việt:
Vãn Nguyễn Duy, Định Biên Tán lý
Tây phong phiêu đại thụ.
Nhất tịch ế viên môn.
Mãn địa mai hùng lược,
Tâm quân khấp cựu ân.
Đồ tích không y táng
Na tri hạo khí tồn.
Niên niên hư trủng thượng,
Di lão loại phương tôn.
Tạm dịch nghĩa:
Điếu ông Nguyễn Duy làm chức Tán lý Định Biên
Một đêm gió tây thổi mạnh,
Cây đại thụ ngã che cửa đồn.
Đất chôn vùi người anh hùng có mưu lược,
Ba quân than khóc vì nhớ ơn đức của ông xưa.
Luống tiếc chỉ nhận được dấu áo, thu hài cốt về mai táng,
Hay đâu chí khí lớn lao hãy còn.
Hàng năm trên chỗ mộ phần cũ,
Các bạn già sống sót rưới rượu lên mấy ngọn cỏ thơm.
                                                                                                            Nguồn Wikipedia.


11/2/17

Nguyễn Lộ Trạch

         Nguyễn Lộ Trạch sinh ngày 15 tháng 2 năm 1853 tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, quê gốc của ông là làng Kế Môn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
          Tổ tiên ông trước ở vùng châu Hoan-châu Ái (tức vùng Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh ngày nay), đến thế kỷ 16, theo tướng Nguyễn Hoàng vào vùng Thuận Hóa. Cha ông là Nguyễn Thanh Oai, đỗ Tiến sĩ năm 1843 dưới triều vua Thiệu Trị (cùng khoa với danh thần Phạm Phú Thứ), từng giữ chức quyền Thượng thư bộ Hình, Tổng đốc Ninh Thái (gồm Bắc Ninh và Thái Nguyên)...

Luôn lo cho vận nước

Bằng Công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa: Mộ Nguyễn Lộ Trạch.

  Nguyễn Lộ Trạch là người đọc nhiều sách, biết nghề thuốc, có kiến thức sâu rộng, nhưng không đi thi, chỉ chú tâm vào con đường thực dụng. Ông thường ngao du khắp các tỉnh miền Trung, tìm người cùng chí hướng kết giao, được người đương thời goi là "cậu ấm tàng tàng".
          Năm 20 tuổi, ông kết hôn với Trần Thị Nhàn, con gái Phụ chính Trần Tiễn Thành. Ở văn phòng cha vợ, ông đã đọc được nhiều sách tân thư của Trung Quốc, đọc được cả bản những bản điều của Nguyễn Trường Tộ, và chịu ảnh hưởng những tư tưởng canh tân này.
          Năm Tự Đức thứ 30 (Đinh Sửu, 1877), kỳ thi Hội ở Huế, có lấy chuyện "Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ" làm đề thi. Tuy không dự thi, nhưng Nguyễn Lộ Trạch đã dâng lên một bản "Thời vụ sách" (I), vạch rõ mưu kế giả vờ hòa nghị của thực dân Pháp, đồng thời khuyên triều đình nên "gấp lo tự cường tự trị" để cứu nước . Mặc dù, "Thời vụ sách" không được triều đình quan tâm đến, nhưng cũng đã gây được tiếng vang lớn trong giới sĩ phu . Năm 1882, Cơ mật viện có ý cử ông sang Hương Cảng (Hồng Kông) học kỹ thuật, nhưng về sau không thành. Sau đó, ông có gửi thư lên cha vợ là Trần Tiễn Thành đề nghị ông nhắc nhở triều đình là "phải biết tự cường, tự trị, đồng thời phải biết mật giao với các cường quốc thù địch của Pháp như Anh, Đức...để làm thế chân vạc kiềm chế Pháp". Nhưng khi xem xong, vua Tự Đức đã phê rằng "Ngôn hà quá cao" (Nói sao quá cao!) rồi thôi. Tháng 4 năm đó, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Nguyễn Lộ Trạch liền dâng bản "Thời vụ sách" (II), nêu lên sách lược cứu nước khẩn trương gồm 5 điều:
                     1. Dời kinh đô về Thanh Hóa lấy chỗ địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước.
                     2. Lập đồn điền ở các vùng rừng núi phía Bắc. Chọn lọc quân tinh nhuệ ở lại phòng thử các đồn lũy, số còn lại đưa đến các đồn điền trên để làm ra lương thực.
                     3. Luyện binh thường xuyên và mua sắm vũ khí mới.
                     4. Đưa con em tài giỏi ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí phương Tây.
                     5. Mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu, nhất là nước Đức và nước Anh để kiềm chế Pháp, như cái lối "hợp tung thời Chiến quốc".
          Song lần này, triều đình nhà Nguyễn cũng đã làm ngơ trước các đề nghị của ông.
          Tháng Giêng năm Giáp Thân (1884), Phụ chính Nguyễn Văn Tường mời ông và Phạm Phú Đường (con trai Phạm Phú Thứ) đến kinh đô Huế bàn việc nước. Để nhắc lại lần nữa những luận điểm cơ bản trong kế sách chống ngoại xâm của mình, khi trở về, Nguyễn Lộ Trạch đã thảo một bức thư có tên là "Dữ Phạm Phú Đường thướng Phụ chính đại thần" (Thư đứng tên cùng Phạm Phú Đường gửi Phụ chính đại thần), rồi dâng lên ông Tường.
           Tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 7 năm 1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra chiến khu Quảng Trị, ban bố dụ Cần Vương. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt, đồng thời phong trào Cần Vương bị đàn áp khốc liệt, Nguyễn Lộ Trạch đành phải lui về ở ẩn song vẫn không thôi khắc khoải về thời cuộc.
            Năm 1892 dưới triều Thành Thái, lại có kỳ thi Hội ở Huế. Tuy không đi thi, nhưng nhân đầu đề hỏi về "đại thế hoàn cầu", ông cũng viết một bài có tên là "Thiên hạ đại thế luận" (Bàn về thế lớn trong thiên hạ) bàn về tình thế các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của một số nước ở Phương Tây. Sau khi phân giải, ông đã chỉ ra đại để rằng: dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã có từ lâu, không vì chúng ta sợ sệt cầu hòa mà họ ngừng lại, cũng không vì chúng ta khiêu khích mà họ dấy binh nhiều hơn. Nay nhà vua và triều đình chỉ còn cách:
                 -Từ bỏ hẳn tệ quan liêu, tham nhũng, thói chuộng hư danh...thì "biết đâu một ngày kia lại không thể tung hoành làm nên nghiệp lớn".
                 -Cần nắm lấy, kịp thời sửa sang chính trị, giáo dục để không khỏi phụ lòng mong mỏi của nhân dân .
           Ông viết bài luận này cốt để khơi gợi cho vua Thành Thái và các quan đầu triều gấp lo phục hưng đất nước, nhưng khi được công bố, nó đã gây được tiếng vang rộng rãi, được đông đảo sĩ phu và những người có tư tưởng cách tân tìm đọc và tán thưởng, trong số đó có Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Phạm Hàm, Trương Gia Mô, v.v...
Qua đời
            Về cuối đời, ông lại tiếp tục ngao du đó đây, tìm người tài giỏi kết bạn tri âm. Năm Ất Mùi (1895), ông làm một chuyến Nam du vào Phan Thiết, trung tâm tỵ địa của nhóm sĩ phu Nam Trung Bộ thuở ấy. Ông còn tính chuyện xuất dương nhưng chưa thực hiện được đã lâm bệnh nặng rồi mất tại Bình Định vào năm đó (1895), lúc 42 tuổi.

                                  Mộ Nguyễn Lộ Trạch tại quê nhà.
            Năm 1957, con cháu Nguyễn Lộ Trạch đã đưa di cốt ông từ Bình Định về táng tại nghĩa trang của làng Kế Môn, thuộc xã Ðiền Môn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Mộ ông hình tròn đơn giản, đường kính 3 m, thành cao 40 cm, dày 20 cm; và đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia theo quyết định số 52/2001/QÐBVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.
Văn học
          Tác phẩm của Nguyễn Lộ Trạch phần lớn đều bằng chữ Hán, gồm có: 
                   + Quỳ Ưu lục: là tập hợp các bài văn nghị luận của ông (trong đó có "Thời vụ sách I, II", và "Thiên hạ đại thế luận"), do tự tay ông sắp xếp vào năm 1884. 
                   + Kỷ trào lục (Tự nhạo mình như người nước Kỷ)
                   + Kỳ Am dã thoại (Những lời quê mùa của Kỳ Am)
                   + Kỳ Am thi văn toàn tập (Toàn tập thơ văn của Kỳ Am)
                   + Quốc ngữ thị phụ giai ẩn từ (Bài ca quốc ngữ khuyên vợ cùng đi ẩn).
        Song phần lớn thơ văn trên đều đã thất lạc, chỉ còn lại tập Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch di văn (Những bài văn còn lại của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch) do người đời sau góp nhặt. Trong đó có Quỳ Ưu lục, một số thư từ và 15 bài thơ.
         Nhìn chung, thơ ông mang âm hưởng trầm buồn. Văn nghị luận của ông, ngoài sự nhiệt huyết ra còn hấp dẫn người đọc ở những ví dụ giàu sức biểu cảm, vừa tác động vào cảm xúc, vừa có ý vị trào lộng hài hước, khiến người đọc không ai có thể thờ ơ...
Được khen ngợi và ghi công: Viết về Nguyễn Lộ Trạch, trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam có đoạn: "Nguyễn Lộ Trạch tuy không xuất thân bằng con đường khoa cử, nhưng ông có một sức học uyên thâm với tinh thần thực dụng, và một tầm nhìn sâu sắc nên được giới sĩ phu yêu nước đương thời kính phục. Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... rất hâm mộ con người và thơ văn ông. Chính Huỳnh Thúc Kháng đã gọi ông là một "văn hào" của nền văn hoá Việt Nam".
 Nguồn Wikipedia.

10/2/17

Nguyễn Tri Phương

          Nguyễn Tri Phương (chữ Hán: 阮知方) tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đường Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân(1800), quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.


          Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên cơ nghiệp lớn.
         Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đề bạt ông hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các, hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ, năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.
         Năm 1832, ông được sung vào phái bộ sang Trung Quốc về việc thương mại. Năm 1835 ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Việc thành công ông được thăng hàm Thị lang.
         Năm 1837, ông bị triều thần dèm pha, nên bị giáng xuống làm thơ lại ở bộ Lại. Cuối năm, ông được khôi phục hàm Chủ sự, sung chức Lang trung. Năm sau ông thăng Thị lang bộ Lễ, năm 1839 thăng hàm Tham tri, làm việc ở Nội các.
          Năm Canh Tý (1840), ông được bổ làm Tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi), trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Công việc hoàn thành tốt đẹp, ông được triệu về kinh thăng Tham tri bộ Công, được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường). Tại đây, ông dẹp tan được các toán giặc cướp nước ngoài vào quấy phá. Tháng 5 âm năm 1844, ông được cải bổ Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên). Năm 1845, ông cùng với Doãn Uẩn đánh bại quân Xiêm La của tướng Bodin, bình định Cao Miên, ổn định hoàn toàn vùng biên giới Tây Nam thuộc miền Tây Nam bộ. Sau, thăng Khâm sai quân thứ đại thần Trấn Tây hàm Tòng Hiệp Biện Đại học sĩ (tháng 9 âm/1845), rồi được thưởng danh hiệu "An Tây trí dũng tướng" (tháng 2 âm/1847).
          Tháng 5 năm 1847, ông được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử[4] và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ "Quân kỳ thạc phụ", được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế). Sau khi vua Thiệu Trị mất, ông được đình thần tôn làm Phụ chính Đại thần (theo di chiếu).
           Năm Mậu Thân (1848), vua Tự Đức phong tước cho ông là Tráng Liệt bá. Cùng năm đó, cha ông qua đời. Ông xin về cư tang, nhưng vì đang làm Phụ chính nên chỉ được nghỉ một thời gian ngắn phải ra làm việc tại triều đình.
           Năm Canh Tuất (1850), vua Tự Đức chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Từ đó tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông. Sau đó ông được sung chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853, ông được thăng Điện hàm Đông các Đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, dân cư ở địa phương được an cư lập nghiệp.
           Năm Mậu Ngọ (1858), tàu chiến Pháp đến uy hiếp Đà Nẵng, vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ Tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống lại. Với vũ khí tối tân, Pháp đã uy hiếp và phá hủy một số lớn đồn lũy của Việt Nam, ông bị triều đình giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Tuy nhiên, do công cuộc kế hoạch phòng thủ của Nguyễn Tri Phương chu đáo nên quân Pháp không thể tiến lên được.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.

          Năm 1859, Pháp chuyển hướng đánh thành Gia Định, quân nhà Nguyễn không rõ thương vong nhưng tan rã gần hết. Thành bị hạ, Hộ đốc thành Gia Định là Võ Duy Ninh tự vẫn. Sau đó, Pháp đã cho phá hủy thành Gia Định. Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam.
         Nguyễn Tri Phương chủ trương huy động từ 15.000 đến 20.000 quân; nhưng không tập trung quân ở một nơi, mà chia thành ba đạo: một đạo chính đóng tại đồn Phú Thọ, chỗ quân thứ Gia Định hiện đóng; một đạo đóng ở phủ hạt Tân An; một đạo đóng ở tỉnh hạt Biên Hòa. Ông hạ lệnh phòng thủ các đường sông, ngòi lớn nhỏ, vừa đánh và giữ, dần dần đắp thêm đồn lũy tiến sát đến chỗ địch đóng quân. Trang bị cho quân đội cần từ 20 đến 30 cổ súng loại lớn, đường kính nòng từ 2 tấc 9 phân trở lên. Do không nắm vững tình hình quân sự và chính trị của Pháp, Nguyễn Tri Phương đã chủ trương xây dựng đại đồn Chí Hòa (về sau người Pháp gọi là Kỳ Hòa) để bao vây, bức rút quân Pháp. Tuy nhiên, sau vào ngày 25 tháng 10 năm 1861, quân Pháp đã tiến hành công phá đại đồn. Ông chỉ huy quân lính chống cự quyết liệt nhưng rồi bị thương, đại đồn thất thủ, Gia Định lại bị chiếm. Em ruột ông là Nguyễn Duy tử trận, ông bị cách chức xuống làm Tham tri, mãi đến năm sau lại được hàm Binh bộ Thượng thư, sung Đổng nhung quân vụ Biên Hòa, tập hợp lực lượng để chống sự bành trướng của quân đội Pháp.
         Năm 1862, sau khi triều đình Huế Hòa ước Nhâm Tuất, mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào tay Pháp, ông được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ, thăng chức Võ Hiển Đại học sĩ, tước Tráng Liệt Bá. Năm Nhâm Thân (1872), lại được điều về giữ chức Tuyên sát đổng sức đại thần, thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ.
        Từ năm 1863, ông được cử ra Bắc Kỳ đánh dẹp quân Lê Duy Phụng. Năm Tự Đức thứ 25 (1870), quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc vẫn đánh phá cướp bóc các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Trong 3 năm trường chúng vẫn uy hiếp các tỉnh này và quan quân liên tục thất bại.
         Sau khi quan Tổng đốc Phạm Chi Hương bại trận và bị bắt, triều đình đã phái Võ Trọng Bình ra làm Tổng đốc Hà Ninh kiêm Khâm sai Quân thứ đại thần Tuyên-Thái-Lạng. Quan Khâm sai hội với quan Đề đốc Quảng Tây để cùng đánh quân Ngô Côn vì họ cứ quấy phá cả hai bên biên thùy. Vào giữa năm 1869, Ngô Côn đem quân đánh Bắc Ninh, quan Tiểu phủ Ông Ích Khiêm đánh thắng một trận lớn, phá tan quân giặc và Ngô Côn bị bắn chết.
           Ngô Côn chết rồi thì đồng đảng chia làm 3 phe tiếp tục cướp phá các tỉnh mạn ngược ở miền Bắc: phe Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, phe Cờ Vàng của tướng Hoàng Sùng Anh, phe Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị và Lương Văn Lợi.
           Quan Trung quân Đoàn Thọ được gửi từ Kinh ra làm Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ. Ông liền kéo quân lên Lạng Sơn. Bọn giặc Khách là Tô Tứ thình lình nổi lên nửa đêm vào chiếm thành giết chết Đoàn Thọ. Võ Trọng Bình may mắn chạy thoát được. Triều đình Huế lại sai Hoàng Kế Viêm ra làm Thống đốc quân vụ Lạng-Bình-Ninh-Thái cùng với Tán tương Tôn Thất Thuyết tìm cách dẹp giặc cho yên. Tiếp theo vua lại sai ông Lê Tuấn là Thượng thơ Hình bộ ra làm Khâm sai thị sự để giúp Hoàng Kế Viêm. Rồi Hoàng Kế Viêm giữ mạn Sơn Tây, Lê Tuấn trấn đóng ở Hải Dương. Tuy vậy tình hình vẫn lằng nhằng không giải quyết thanh thỏa được.
             Vua Tự Đức quá lo lắng, lại phải vời Nguyễn Tri Phương cho làm chức Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần, được phép tùy nghi lo việc đánh dẹp cho yên. Vua ban cho ông kỳ bài, ấn kiếm, cờ mao tiết, nhung y, v.v. Đến miền Bắc, ông và Hoàng Kế Viêm chủ trương chia để trị, thu phục quân Cờ Đen vì lực lượng này mạnh nhất và dùng nó để chế ngự các nhóm khác. Vua Tự Đức bằng lòng và ban cho Lưu Vĩnh Phúc chức Đề đốc với nhiệm vụ tuần phòng ở biên cảnh. Chính sách này tỏ ra có hiệu quả, quân Cờ Đen giúp sức đánh quân Cờ Vàng, Cờ Trắng và sau này tham gia đánh Pháp.
             Năm Tự Đức thứ 24 (1871) vua xuống dụ chuẩn cho ông khôi phục nguyên hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá, nhưng vẫn sung Tam tuyên quân thứ Khâm mạng Đại thần.
Chống giữ thành Hà Nội
             Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Thoạt tiên Đô đốc Dupré định đưa ra hai ngàn quân, tuy nhiên việc phái một lực lượng quân sự lớn như vậy gây nghi ngờ từ phía triều đình Huế. Kết cục là đại úy Garnier thuyết phục đô đốc Dupré là chỉ cần vài chục binh sĩ tinh nhuệ là đủ. Trên giấy tờ, Garnier có lệnh điều tra tình hình tranh cãi giữa Dupuis và nhà đương cục, trục xuất Dupuis khỏi Bắc kỳ sau khi đã thu xếp bồi thường thiệt hại cho ông ta. Tiếp đó Garnier phải buộc nhà đương cục chấp thuận mở cửa thông thương tuyến đường thủy sông Hồng, đặt trạm thuế quan và dùng tiền thuế thu được để hoàn trả phí tổn cuộc viễn hành. Tuy nhiên thực tế là Garnier đã rất hoan hỉ viết thư cho anh trai "Tôi có toàn quyền hành động! Nước Pháp tiến lên!"
            Garnier chuyển quân ra bắc thành hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền (kể cả số thủy thủ và thủy binh). Tới ngày 5 tháng 11 ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis, do Dupuis đi đón dọc đường. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, gồm có 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ vàng, Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy các yêu sách của mình không đe dọa được Nguyễn Tri Phương.
            Đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp bất ngờ đánh chiếm vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam, và vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Đồng thời, pháo từ các pháo thuyền cũng bắn lên, khiến cho binh lính phòng thủ, do không quen với đạn pháo, bỏ chạy tán loạn khỏi thành theo cửa tây. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa nam, và chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội. Hơn hai nghìn quân triều đình bị bắt làm tù binh, về phía quân Pháp, chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam của Dupuis bị giết do một viên sĩ quan Pháp bắn nhầm.

Lăng mộ Nguyễn Tri Phương ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

          Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khẳng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa" Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.
            Sinh thời, Nguyễn Tri Phương rất ít làm thơ, nhưng năm 1866, nhân tiễn Phan Thanh Giản vào Nam nhậm chức, ông có bài thơ tặng Kinh lược sứ Phan Thanh Giản:
                                      Ven ngàn góc bể dặm chơi vơi,
                                      Vui tỏ phân nhau một bước đời.
                                      Cá lại Long giang hai ngã nước,
                                      Nhạn về du hợp một phương trời.
                                      Nửa hồ cố cựu trông lai lảng,
                                      Cạn chén tư hương gió lộng khơi.
                                      Hãy kịp Tràng An mau trở lại,
                                     Thăm người viếng cảnh hỡi người ơi!

Trần Văn Kỷ

            Trần Văn Kỷ người làng Vân Trình (tục gọi là làng Rào), tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa (nay thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Tượng Trần Văn Kỷ
            

         Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, anh chị em đông; song từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh & biết chăm chỉ học hành.
         Năm Đinh Dậu (1777), Trần Văn Kỷ đỗ đầu khoa thi Hương ở Phú Xuân.
         Năm 1786, ông được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tin dùng, phong đến chức chức Trung Thư Phụng Chính, tức chức quan chuyên lo việc dự thảo chính lệnh cho nhà vua. Sách Hoàng Lê nhất thống chí giới thiệu ông như sau: (Trần Văn) Kỷ, người Thuận Hóa, vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777) niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn (Phú Xuân) đậu giải nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới kinh (Thăng Long) thi Hội. Sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp quen biết ít nhiều. Năm Bính Ngọ (1786), Bắc Bình Vương (Nguyễn Huệ) đánh lấy thành Phú Xuân, sai người tìm Kỷ hỏi việc Nam, Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình Vương rất trọng, cho ở vào chỗ "màn trướng", việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy khi xa rời.
         Cũng trong năm này (1786), Nguyễn Huệ xuất quân ra Thăng Long lần thứ nhất để diệt Trịnh, phò Lê; gặp khi vua Lê Hiển Tông mất (ngày 10 tháng 8), Trần Văn Kỷ cùng Nguyễn Hữu Chỉnh đã thay mặt Nguyễn Huệ mặc áo trắng đi theo hầu đám tang vua đến nơi an táng ở Bàn Thạch (Thanh Hóa).
          Năm 1787, nội bộ Tây Sơn lâm vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Và cũng chính ông đã đứng ra lo dàn xếp giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bằng cách lấy Bản Tân làm ranh giới. Từ Quảng Ngãi trở vào Nam do Nguyễn Nhạc làm chủ, từ Thăng Diện ra Bắc thuộc về Nguyễn Huệ. Theo sử liệu thì: Nhờ mưu kế của Trần Văn Kỷ, bề tôi yêu chuộng của Nguyễn Huệ, đã chấm dứt cuộc hỗn chiến đẫm máu kéo dài nhiều tháng (tháng 1 - tháng 5 năm 1787) giữa hai thủ lĩnh Tây Sơn làm thiệt hại chừng một nửa trong số 6 vạn quân của Nguyễn Huệ điều vào Quy Nhơn. Chép lại sự kiện rạn nứt này, sách Tây Sơn thủy mạt khảo của Đào Nguyên Phổ (1861-1908) cũng đã xác nhận rằng nội chiến chấm dứt đấy là nhờ mưu kế của Trần Văn Kỷ, là người hạnh thần của Nguyễn Huệ bày ra. Do thành quả trên, ông được phong tước Kỷ Thiện hầu, giữ chức Trung thư - Phụng chính, có nhiệm vụ tham mưu, nắm toàn bộ trung thư cơ mật, thảo sắc phong, chiếu lệnh...
          Năm 1788, ông theo Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai nhằm giải quyết vụ Vũ Văn Nhậm. Trong thời gian này, ông dành nhiều thời gian tiếp xúc với các sĩ phu đất Bắc và đã tiến cử một số nhân vật tài giỏi như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn, Trần Bá Lãm....Ngoài ra, ông còn đề xuất với Nguyễn Huệ cố mời cho được Nguyễn Thiếp đang ẩn dật ở Nghệ An ra giúp nước.

Trường THPT Trần Văn Kỷ tại quê hương ông.

          Năm 1788, vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) ra Bắc lần thứ ba để đánh quân xâm lược nhà Thanh. Lần này, Trần Văn Kỷ cũng được theo để giúp việc quân. Đầu xuân năm sau (1789), quân Thanh bị đánh tan; kể từ đó cho đến ngày vua Quang Trung mất (1792), Trần Văn Kỷ đã tích cực tham mưu cho nhà vua nhiều kế sách để đánh nhau với quân chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Ánh).
          Lúc vua Quang Trung bất ngờ lâm bệnh, Trần Văn Kỷ luôn có mặt bên cạnh. Đến khi vua sắp mất, ông và tướng Trần Quang Diệu được nhà vua cử làm Phụ chính. Nhưng sau vì vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) còn quá trẻ, nên quyền hành sớm vào tay người cậu ruột của vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
          Ở phía Nam, Nguyễn Phúc Ánh thừa cơ nhà Tây Sơn lục đục, tấn công rất dữ. Bùi Đắc Tuyên nhân cơ hội này đã cử tướng Lê Văn Hưng, người không cùng phe cánh với mình, vào chiến trường Phú Yên. Ngờ đâu Lê Văn Hưng thắng trận, Bùi Đắc Tuyên liền vu cho Hưng tội mưu phản, xin lệnh chém đầu. Biết tướng Hưng chịu hàm oan, phụ chính Trần Văn Kỷ đứng ra can thiệp, thì bị Đắc Tuyên giáng chức làm lính, bắt ra coi trạm Mỹ Xuyên thuộc huyện Hương Điền, Thừa Thiên. Đề cập đến giai đoạn này, sách Hoàng Việt hưng long chí kể: Tây Sơn Nguyễn Quang Toản giao việc nước cho (Bùi Đắc) Tuyên nắm giữ, quyền sinh sát nằm cả trong tay Tuyên. Phụng chính Trần Văn Kỷ có tội bị bắt đày ra trạm Mỹ Xuyên. Khi ấy (Võ) Văn Dũng làm Trấn thủ Bắc thành. Sợ Dũng cậy quân ngoài, rồi ra sẽ là cái gai cho mình, Đắc Tuyên bèn sai người cùng phe cánh là Ngô Văn Sở (ra) thay Dũng làm Trấn thủ Bắc Thành, gọi Dũng về Phú Xuân. Dũng về tới Mỹ Xuyên gặp (Trần Văn) Kỷ. Kỷ nói: "Thái sư chuyên quyền tác oai tác phúc, sẽ là điều bất lợi cho xã tắc; nếu không sớm trừ đi, sau này hối cũng không kịp.
           Nghe lời bàn Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng gấp rút dẫn quân về Phú Xuân, bí mật phối hợp với Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng vây bắt Bùi Đắc Tuyên ngay ở phủ của vua Cảnh Thịnh. Liền theo đó, Võ Văn Dũng cho làm chiếu lịnh giả giao cho Tiết chế Thùy (Nguyễn Quang Thùy) ra Thăng Long bắt Ngô Văn Sở giải về Phú Xuân. Văn Dũng lại sai vào Quy Nhơn bắt con Đắc Tuyên là Bùi Đắc Trụ cùng đồ đảng hơn mười người; rồi thêu dệt thành tội trạng phản loạn, đem dìm xuống sông cho chết cả. Dẹp trừ xong phe Bùi Đắc Tuyên, Trần Văn Kỷ được phục chức Phụ chính và giữ Viện trung thư...
          Lợi dụng các biến cố trong nội bộ nhà Tây Sơn, năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh đưa quân ra chiếm Quy Nhơn rồi Đà Nẵng. Ngày mồng ba tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801), Nguyễn Phúc Ánh vào đến thành nội kinh đô Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh lúc này đã bỏ lại cả ấn tín & sắc phong của nhà Thanh trốn ra Bắc.  
          Không theo vua, Trần Văn Kỷ đổi tên, cải dạng, lánh về ở quê nhà. Sau chúa Nguyễn biết được cho mời ra cộng tác, nhưng ông cương quyết không nhận lời. nhà sử học Đỗ Bang viết: Không thể dụ dỗ được, chúa Nguyễn buộc ông vào án tử, nhưng được ban ân chết theo lối "tam ban triều điển". Trước khi chịu chết, ông xin về quê bái yết từ đường, và được chấp thuận. Thuyền đưa ông theo ngã sông Hương ra phá Tam giang để đến làng Vân Trình, nhưng đến ngã ba Sình (phía Đông Bắc Huế), ông hô to câu: Trung thần bất sự nhị quân, rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Hôm đó nhằm ngày 19 tháng 11 năm Tân Dậu (tức 24 tháng 12 năm 1801).
           Nghe tâu lại, chúa Nguyễn thêm vào án xử ông bằng một cái lệnh cực kỳ thảm khốc: Sắc bằng thủ tiêu, hạ hồi dân tịch, tru di tam tộc. Căn cứ gia phả họ Trần ở làng Vân Trình, Đỗ Bang đã thống kê được tất cả 52 người đã bị xử chết, bị cải họ tên hoặc phải bí mật trốn khỏi làng.
            Và theo lời kể của người trong tộc thì sau khi Trần Văn Kỷ tự tử, người dân làng Kim Bôi (xã Quảng Lợi, huyện Hương Điền) đã bí mật vớt xác, rồi cùng với dân làng Vân Trình âm thầm đưa về táng tại Cửa Ngọc (cánh đồng ở phía Tây Nam làng Vân Trình). Ban đầu, mộ ông không đắp nấm, mãi đến khi nhà Nguyễn bị đổ (1945), dân làng ở quê ông mới dám sửa sang ngôi mộ, cho dựng bia và làm lễ tế hằng năm. Vào ngày 11 tháng 5 năm 1995, Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam đã ra quyết định công nhận lăng mộ ông là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Mộ Trần Văn Kỷ

           Theo gia phả họ Trần ở làng Vân Trình, thì Trần Văn Kỷ có vợ là Châu Thị Đang, người Bình Định, con trai đầu là Trần Văn Đức, sinh năm 1784.
          Tháng 6 năm 1801, ngay khi về đến quê nhà, biết trước thế nào cũng bị án nặng, nên Trần Văn Kỷ đã bí mật đưa con là Trần Văn Đức (17 tuổi) vào ẩn náu ở chùa Thuyền Tôn (phía Nam Huế). Văn Đức tu đến bậc Đại sư, hiệu là Trung Hậu bổn sư; nhưng sau lấy vợ và sinh con, rồi đến sống ở làng Văn Xá (huyện Hương Điền). Phần người con trai út tên Trần Văn Khuê (hoặc Quê), khi quan quân đến bắt, chỉ mới 8 tuổi, nhưng nhờ dân làng đem ẩn giấu nên cũng thoát chết. Hiện nhánh của Trần Văn Khuê vẫn còn sinh sống ở làng Vân Trình.