24/3/18

Làng Mộc Mỹ Xuyên

           Trong các nghề thủ công tiêu biểu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, phải kể đến nghề chạm khắc gỗ của làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phía bắc. Nằm bên dòng Ô Lâu, làng Mỹ Xuyên tồn tại hàng trăm năm, nổi tiếng với nghề truyền thống về mộc và chạm khắc mỹ nghệ.

Gian hàng Mộc Mỹ Xuyên tại festival Huế.

1.Nguồn gốc hình thành
            Làng Mỹ Xuyên được hình thành khá sớm so với xứ Đàng Trong (vào khoảng giữa thế kỷ 15). Ở đây có nghề chạm khắc gỗ khá nổi tiếng. Theo một số tư liệu sử học và gia phả họ Nguyễn Văn ở làng Mỹ Xuyên có ghi, nghề chạm khắc trên gỗ bắt đầu xuất hiện ở làng Mỹ Xuyên khoảng vào thế kỷ 19. Người khai sinh ra nghề này cho làng là ông Nguyễn Văn Thọ, con rể của làng. Ông Thọ (truyền nhân xuất sắc của ông Trần Văn Cao nổi tiếng về nghề mộc, chạm khắc phục vụ triều đình), người gốc xứ Thanh, vốn trước đây là nghệ nhân nổi tiếng của triều đình nhà Nguyễn. Sau đó ông đã kết duyên với bà Lê Thị Núc, người làng Mỹ Xuyên và sinh sống ở quê vợ để truyền nghề lại cho con cháu và người dân trong làng. Từ đó về sau, nghề chạm khắc gỗ với đội ngũ thợ điêu khắc tài hoa ngày càng phát triển ở Mỹ Xuyên.
2.Di sản văn hóa

            Nói đến làng mộc Mỹ Xuyên, phải nhắc đến nhà thờ họ Lê Văn. Đây là dòng họ lớn và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lập làng Mỹ Xuyên. Cùng với sự ra đời của hàng loạt kiến trúc đình chùa, miếu mạo ở thế kỷ 19 trên đất Thuận Hóa, nhà thờ họ Lê Văn được xây dựng vào năm 1881 - đời Tự Đức thứ 34. Nhà thờ họ Lê Văn nằm ở vị trí trung tâm của làng, mặt quay về hướng nam, trên một gò đất cao, bằng phẳng. Kết cấu xây dựng gồm 3 gian, 2 chái, diện tích 160 m2 với 4 bộ vì kéo được gắn kết trên 48 cột lớn chia làm 3 hàng. Tất cả hệ thống cột, kèo, đòn tay đều bằng gỗ, được các nghệ nhân là những con dân trong dòng họ chạm khắc một cách công phu. Tuy đã trải qua 2 lần trùng tu vào các năm 1928 và 1961 nhưng điều đáng quý là cho đến nay những giá trị về mặt kiến trúc ban đầu vẫn gần như được giữ nguyên.
             Có thể nói nhà thờ họ Lê văn là nơi hội tụ và bảo lưu những tinh hoa truyền thống về nghề chạm khắc của làng Mỹ Xuyên vào cuối thế kỷ 19. Mái của nhà thờ họ Lê Văn hơi ngang, tạo thành một hình khối nhẹ nhàng, phía trước và hai bên lợp ngói liệt, dùng kiểu đắp bờ nóc phụ ở lưng chừng mái. Ở mái trước được trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” cách điệu bằng vật liệu xi măng sành sứ. Với chức năng là nơi để tưởng niệm và thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, công trình kiến trúc này mang phong cách nhà rường dân gian xứ Huế. Toàn bộ kết cấu bên trong của ngôi nhà là một khung gỗ mộng mẹo một cách sít sao. Các cột cái, cột quân, cột hiên trong cùng một vì kèo được nối với nhau từng đôi một. Tất cả các vì kèo trong ngôi nhà được nối với nhau tạo thành mối liên kết ngang , gồm thượng lương, xà và hoành tử. Nhìn một cách tổng thể, các đề tài chạm khắc, trang trí trong nội thất của nhà thờ họ Lê Văn có phần hơi khiêm nhường và không đi vào các đề tài sinh hoạt về con người như ở một số di tích kiến trúc nghệ thuật khác. Với kiểu dáng, kỹ năng mỹ thuật, các đồ trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng của thời nhà Nguyễn, nhà thờ họ Lê Văn đã phản ánh được tính chất của một dòng họ ở một làng quê có bề dày truyền thống văn hóa cũng như truyền thống ngành nghề.
               Nhà thờ họ Lê văn còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật quý giá mà đặc biệt là văn bản chữ Nôm thời Lê Sơ – triều vua Lê Nhân Tông thứ 9 năm 1451. Các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc trên gỗ, trang trí bên trong nội thất của ngôi nhà đã phản ánh được sự phát triển của ngành nghề thủ công truyền thống của vùng đất này. Đây cũng là một di sản dân gian quý báu cùng với hệ thống làng cổ Phước Tích, làng đệm bàng Phò Trạch đã tạo nên một hệ thống di sản bên dòng Ô Lâu.
3.Đặc trưng sản phẩm


            Điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế; thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp, trình độ chạm khắc và sự phối hợp thuần thục với cảm quan thẩm mỹ được thông qua đôi tay người thợ bằng những chiếc đục tạo nên trên chất liệu bằng gỗ.
            Nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên chiếm vị trí và có giá trị khá cao về trang trí nên có nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm chấm phá, chạm cạn, chạm sâu, nét trầm phù, chạm khảm. Nó đã điểm tô, tạo nét thẩm mỹ, thượng lưu hóa, trang trọng hóa sản phẩm của nghề chạm khắc. Ở đây không chỉ phổ biến dạng điêu khắc tượng tròn mà còn chạm khắc gỗ dưới dạng phù điêu rất phong phú thể hiện trong các công trình kiến trúc nổi tiếng trong các điện của kinh thành Huế, trên các tường, vách đố bảng, kèo, đòn tay của ngôi nhà rường và trên những đồ dùng sinh hoạt như bàn, ghế, tủ, giường... theo phong cách thể hiện tính độc đáo, đặc thù của văn hóa Huế. Nhiều sản phẩm của Mỹ Xuyên đã giành huy chương vàng, bạc tại các triển lãm trong tỉnh và toàn quốc.
          Để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, UBND huyện Phong Điền đã quyết định thành lập cụm làng nghề Mỹ Xuyên và đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp ra đời nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống này. Nhờ vậy, sản phẩm làng nghề mộc, mỹ nghệ Mỹ Xuyên đã được tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh, thành trong và ngoài nước.


20/3/17

PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền

             PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền , người con gái trưởng của ông Trần Lưu Hân ( đời thứ 15 họ Trần Đình Vĩnh Xương ) . Ông Trần Lưu Hân là kĩ sư vô tuyến điện , trước năm 1945 ông là Hiệu trưởng trường tư thục Chu Văn An do ông thành lập .

GS.TSKH Ngô Huy Cẩn và vợ PGS TS Trần Lưu Vân Hiền 

               PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền là mẹ của GS Ngô Bảo Châu , bà là học sinh giỏi văn những năm 1963-1964 , kỹ sư hóa , tiến sĩ dược học . Bà công tác ở Viện Y học cổ truyền Trung ương . Từ một nhóm cán bộ làm công tác nghiên cứu ; bà cùng cộng sự xây dựng và trở thành người lãnh đạo Phòng thí nghiệm nghiên cứu Đông y . PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền chủ trì thực hiện thành công và được đánh giá cao nhiều dự án , đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước , cấp Bộ y tế và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luân án tiến sĩ .


          Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên phải) và bố mẹ GS Ngô Bảo Châu- GS.TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS TS Trần Lưu Vân Hiền chiều ngày 8/8/2010.
          Hiện nay bà đang còn nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà . PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền nay là Phó hiệu trưởng trường Y học cổ truyền ở Hà Nội , liên kết với nhiều trường YHCT nhiều tỉnh thành khắp cả nước .
Theo website langvinhxuong.con.vn

Trương Như Thị Tịnh

             Khải Định Đế Hoàng quý phi Trương Như thị (chữ Hán: 啟定帝皇貴妃張如氏; 7 tháng 4, 1889 - 20 tháng 6, 1968), còn gọi là Giác Huệ ni sư (覺惠尼師), là Hoàng quý phi, người vợ đầu tiên và chính thức của Hoằng Tông Khải Định hoàng đế thuộc triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

             Danh hiệu của bà chỉ là hình thức phong tặng, vì bà từ chối nhận sắc phong của Hoằng Tông hoàng đế.
             Hoàng quý phi Trương Như thị nguyên danh Thị Tịnh (氏靜), là con gái quan Phụ chính đại thần Thượng thư bộ Lại, tước Hiền Lương tử Trương Như Cương (張如岡), người làng Hiền Lương, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1904, khi được 15 tuổi, tiểu thư Trương Như thị được cưới làm phủ thiếp (府妾) khi Hoằng Tông hoàng đế còn là Phụng Hóa công ở cung An Định.
             Hoằng Tông Khải Định lúc đó mê cờ bạc, ăn chơi, gia đình họ Trương lại khá giả, bèn cậy đó buộc bà phải đi xin tiền cha mẹ để có tiền đi đánh bạc. Thương con, ông bà Trương cũng đành chiều ý.
               Thấy thế Hoằng Tông đương nghĩ của cải nhà nhạc gia là vô tận nên càng cờ bạc ăn chơi đã đời. Tuy gia đình họ Trương đại thần giàu có nhưng chưa phải là muốn mấy cũng có. Ông Trương xuất thân từ làng thợ rèn Hiền Lương, một làng lao động có nề nếp, sau này dù làm quan đến tột đỉnh danh vọng, ông vẫn giữ phong cách giản dị, cần kiệm của người cha là người lao động. Nhiều lần bà Tịnh bị cha mẹ quở trách nặng nề.
                Một hôm, Hoằng Tông nảy ý định mở một chén bạc lớn để thử thời vận nhưng trắng tay, ông liền bảo vợ về nhà xin tiền. Bà Tịnh đau đớn vì thấy đức ông chồng đã chẳng còn biết liêm sỉ, bà dùng dằng không muốn đi. Công nổi nóng la lối om sòm, doạ sẽ có thái độ với bà. Cuối cùng bà đã đi và đó cũng là lần cuối cùng bà về nhà xin tiền cha mẹ cho chồng cờ bạc. Bà quyết định ra đi, lên chùa tu bỏ mặc sự đời.
               Năm 1913, bà lên chùa Tây Thiên trình bày nguyện vọng muốn xuất gia, lấy pháp hiệu là Giác Huệ (覺惠), biệt hiệu Đạm Thanh (淡清) và Tuyết Nhan (雪顏). Đến năm 1916, bà về xã Thuỷ Dương, lập một cảnh chùa tại Độn Sầm, làng Thanh Thủy, huyện Hương Thủy (cách kinh thành Huế chừng 3 km về phía Nam) để tu thiền, đó là Hoa Nghiêm Các. Trong thời gian này, bà hay cùng bầu bạn với nữ sĩ Đạm Phương.