Truyện kể dân gian là một trong hai bộ phận lớn và chủ yếu của văn học dân gian Phong Điền. Phong phú nhất, đa dạng nhất trước hết phải kể đến các truyền thuyết dân gian. Phần lớn các truyện kể này đều nói về quá trình khai sơn, phá thạch, mở đất, lập làng của người dân từ phương Bắc xa xôi vào miền Trung sinh cơ lập nghiệp. Cách đây bảy trăm năm vùng đất giới hạn giữa bờ Nam sông Ô Lâu và bờ Bắc sông Bồ, phía Bắc châu Hoá nhiều nơi còn hoang vu. Lau lách và cây cối hoang dại phủ khắp gò đồi, triền sông, bãi cát...
Những người đầu tiên đi mở đất trên vùng đất mới đã phải đương đầu với bao trở ngại, gian khổ, khó khăn. Nhiều truyền thuyết dân gian đã ghi rõ tên tuổi và công lao của các bậc tiền hiền, hậu hiền trong việc khai phá đất đai, tạo lập nên làng trên xóm dưới. Làng Hương Lâm thì có họ Nguyễn đã chỉ huy binh lính khai khẩn một vùng đất trải dài từ Đồng Nam qua Đồng Dạ đến tận Đồng Lâm (truyện Vì sao không xây lăng mộ cho ngài khai khẩn đất Hương Lâm); còn xứ Nóc Nóc thì lại truyền tụng câu chuyện ông tổ dòng Nguyễn Ngọc (tên là Leo, tự là Trèo) khai phá 50 mẫu đất trong thung lũng nơi giáp ranh giữa các làng Vĩnh Nguyên, Huỳnh Liên, Huỳnh Trúc (truyện Ông thành hoàng làng Nóc Nóc). Các truyện Miếu linh ông ở Phù Ninh, Ngài khai khẩn đất Bồ Điền, Miếu ngài Cao sơn đại vương v.v.. cũng có nội dung tương tự. Điểm nổi bật trong các truyền thuyết nói về mở đất, lập làng là sự dũng cảm, sự hy sinh cao cả của những con người vì nghĩa lớn, vì hạnh phúc của nhân dân. Những người đó có thể là các vị lương tướng, các ngài có phép thuật lạ lùng, mà cũng có thể là một người dân bình thường nơi thôn cùng xóm vắng. Ông tổ họ Mai, vì dân làng mà một đêm lặn xuống sông sâu tìm con dao thần dâng vua, và nhờ đó dân Phong Hòa có được một vùng đất rộng lớn do vua ban từ Ưu Thượng đến Mỹ Xuyên để cấy cày (truyện Cây dao thiên trì của ông tổ họ Mai). Bà Hồ Thị Phiến, tuổi già, sức yếu, làm nghề bán cháo, bán bún rong, trước sự thách đố của hào lý Hiền Lương đã dám vác cả một hòn đá to và nặng đi trên một quãng đường dài mấy trăm mét để rồi đưa về cho dân Cao Xá - Phong Hiền đến hơn 10 ha đất màu mỡ (truyện Sự tích ruộng Lôi Đôi).
Bên cạnh các truyền thuyết kể về việc mở đất lập làng là các truyền thuyết nói về phẩm chất anh hùng, gan dạ, bất chấp cả cường quyền, bạo lực của những người dân vùng đất Phong Điền trong vòng xoáy của lịch sử thủa ban đầu đi mở nước. Những con người như Hồ Lành (truyện Ông họ Hồ), ông Nguyễn Lượng (Truyện Nước Thần ở bến Làng), ông Trần Văn Kỷ (truyện Những ngôi mộ của Trần Văn Kỷ), ngài Cao sơn đại vương v.v.. có thể xem là những tấm gương bất khuất, kiên trung, được nhân dân đời đời ngưỡng mộ, tôn vinh. Một số truyện khác thì lại kể cho đời sau biết về lai lịch các ngành nghề, ít nhiều sản vật, phong tục tập quán, truyền thống học hành đỗ đạt... của địa phương như nghề rèn ở Hiền Lương, khoai bùi, bưởi ngọt ở Phong Hiền, dòng họ ông Trương Như Cương ba đời đỗ cao, làm quan to trong triều ngoài trấn, tục kiêng dùng món thịt nướng khi giỗ kỵ ở làng Thanh Hương v.v..
Các truyền thuyết dân gian phần nhiều đều chứa đựng nhiều yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Song, cốt lõi của nó vẫn là chuyện về con người, về thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt văn hoá, lao động, sản xuất và đấu tranh của quần chúng nhân dân. Cư dân các làng xã với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đã tôn vinh những người có công với làng với nước bằng cách lập am miếu để phụng thờ và huyền thoại hoá những nhân vật mà họ hằng mến yêu, kính trọng.
Cùng ra đời, tồn tại và phát triển song song với các truyền thuyết là các truyện cổ tích và các giai thoại dân gian. Ở Phong Điền, bộ phận truyện kể này không phong phú, dồi dào và đa dạng như truyền thuyết. Không có nhiều truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích loài vật, chỉ có các loại cổ tích sinh hoạt, truyện cười giai thoại hò hát dân gian, bởi thời gian và cuộc sống ở một vùng đất mới, lại nhiều biến động lịch sử, chưa hội đủ độ lắng đọng và các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của các loại truyện vốn gắn với một thời kỳ rất xa xăm của xã hội loài người. Hầu hết các truyện cổ tích, truyện cười và giai thoại ở Phong Điền đều lấy đề tài từ cuộc sống thực tiễn của địa phương như: chọn rể (các truyện Ba chàng rể, Chọn rể), cuộc sống khốn khó của người dân quê (truyện Sự tích chim cơm còn cho cục, truyện Vì sao nhà ở Điền Lộc không lợp ngói), tình yêu nam nữ (truyện Cây đa bến cộ), các cuộc hò đối đáp thử tài cao thấp giữa các nghệ nhân dân gian... (truyện Hò đối đáp giữa o Quy với anh Long, với thầy Điệp v.v..), việc đấu tranh chống lại bọn quan lại, cường hào ác bá ở địa phương (truyện Quan huyện ăn bùn) v.v..
Dù còn giản đơn về kết cấu và hạn hẹp về mặt nội dung, nhưng kho tàng các truyện kể dân gian (dân tộc Kinh) Phong Điền cũng đã phác họa được nhiều nét sinh động về cuộc sống ở vùng đất địa đầu xứ Huế. Công cuộc mở đất, lập làng, chống giặc dã, chống áp bức cường quyền, các sinh hoạt văn hoá làng xã, quan hệ giữa con người với con người, trong gia đình, ngoài xã hội... tất cả đều được truyện cổ dân gian nói đến.
Cũng như dân tộc Kinh, bộ phận nhỏ các dân tộc Pahy, Pacô... trên đất Phong Điền, từ bao đời nay đã lưu truyền khá nhiều truyện cổ dân gian. Các truyện kể này phổ biến trong nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi Thừa Thiên Huế. Đề tài và chủ đề các truyện kể khá phong phú và đa dạng, từ thiên nhiên núi rừng, sông suối cuộc sống, các phong tục tập quán... đến các sinh hoạt văn hoá (tín ngưỡng, lễ hội...), cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với muôn loài v.v..
Theo Dư địa chí Phong Điền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét