14/3/17

Múa Thiên Hạ Thái Bình

         Múa bông hay còn gọi là ba vũ, là điệu múa cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Diễn viên trình diễn điệu múa này là lớp vũ sinh đồng ấu từ 13 đến 15 tuổi, phải có ít nhất là 24 người cho đến 48 người hay nhiều hơn nữa tùy theo số lượng diễn viên và điều kiện sân bãi. Đây là một điệu múa cung đình đã lan truyền đến Phò Trạch. Vũ đạo múa bông thiên về di chuyển, đoạn mở đầu đội hình đi theo phép đằng xà, tức là chuyển động và uốn lượn đội hình như loài rắn mà ta thường thấy các đội âm công biểu diễn khi chuẩn bị đưa tang, đội hình di chuyển theo bài ca xướng của người điều khiển để sắp xếp theo từng chữ “Thiên, hạ, thái, bình”.nên còn gọi là điệu múa “Thiên hạ thái bình”. Đây là điệu múa được luyện tập công phu để trình diễn trong các dịp làng mở hội lớn.
         Phần diễn xướng của tiết mục được thực hiện theo trình tự như sau: vũ công xếp thành hai hàng ở phía ngoài cổng đình làng, người điều khiển đứng ở phía trong đình và xướng to:
               “Truyền dự lê viên đệ tử, đồng lai hiến vũ ba đăng”. Đoàn vũ sinh đồng thanh dạ một tiếng dài, tiến vào sân đình và chạy lộn vòng theo điệu đằng xà, đội bát âm cử nhạc. Người điều khiển tiếp tục xướng:
               “Hạnh phùng thạnh thế, hội hiệp quý hương, nghe làng tế lễ kỳ phước cầu an”.  
                “ Thần đẳng nguyện thái bình thiên hạ”.
          Trong âm vang tiếng trống kèn nhộn nhịp, đoàn vũ sinh tùy theo số lượng mà xếp thành hai hoặc bốn hàng, sau đó tiến hành sắp xếp chữ theo các câu diễn xướng của người điều hành:
“Thiên hậu hữu sinh, sinh phú quí.
Hoàng trù cửu khúc, xí nhi xương”.
(Thiên hiện: đội hình xếp thành chữ Thiên)
“ Hạ liệt sơn hà, phô cẩm tú.
Y hy tuyết nguyệt, hảo phong quang”.
(Hạ hiện: đội hình sắp xếp theo chữ Hạ)
“ Thái đắc thiên niên, diên dật lạc.
Tiêu thiều điệt xướng, hiến du dương”.
(Thái hiện: đội hình sắp xếp theo chữ Thái)
“ Bình dương thảo mộc đô xuân sắc.
Củng hứng Trường An hiến thọ trường”.
(Bình hiện: đội hình xếp theo hình chữ Bình)
          Hát trò là bộ môn kịch hát dân gian, được tổ chức theo định kỳ 24 năm một lần vào dịp đầu Xuân, hoặc vào các dịp đặc biệt như khi làng nhận sắc phong hay khi có lệnh của triều đình mở hội mừng chiến thắng, mừng lễ đăng quang của tân vương, mừng thọ các vua chúa... Xưa kia, nơi diễn chính thức của bộ môn hát trò là khu vực bến nước giữa giáp Tây Phú và xóm Tây Hồ thuộc giáp Trung Thạnh, gọi là bến Trò. Trò diễn xoay quanh chủ đề tứ dân, bách nghệ như: sĩ, nông, công, thương - ngư, tiều, canh, mục... Từng mảng trò lại có các nhân vật điển hình như: mảng sĩ có vai ông thầy, cậu học trò..., mảng ngư có các vai ông Chài, ông Rớ, ông Câu..., mảng canh mục có vai ông đi cày, chú mục đồng... Diễn viên chủ yếu là nam giới, được chọn từ các gia đình có truyền thống hát trò. Trong thời gian tập luyện và biểu diễn, diễn viên phải giữ mình thật thanh khiết, không sinh hoạt vợ chồng, không ăn thịt trâu...
           Ngày xưa, hát trò của làng Phò Trạch được trình diễn ở “kịch trường” thiên nhiên tại khu vực bến Trò, bao gồm trên cạn lẫn dưới nước. Đạo cụ và phục trang thực cảnh, mang tính dân dã, nhất là khi biểu diễn trò Ngư ở dưới nước đã tạo nên một hoạt cảnh sống động và hấp dẫn. Lời ca tiếng hát của các nhân vật lan tỏa trên mặt nước với những âm thanh vang vọng làm nô nức lòng người. Về sau, do yêu cầu của tầng lớp quyền quý, bộ môn hát trò được đưa lên “sân khấu” trên cạn, động tác của các nhân vật được cách điệu hóa, mang tính ước lệ nên hát trò Phò Trạch bị mất đi một phần nào nét nghệ thuật chân chất nguyên thủy của nó.
Hãy nghe một đoạn đối thoại của 2 nhân vật trong mảng trò Ngư:
-Rớ:... Cấy chi đen đen như nôốc
Nôốc mô đậu đó
Lướt sáo vô vè
Phá chỗ cá đi
Không cho ta cất rớ (hử)
-Chài: Rứa rớ ai trương lên đó
Chẳng cho ta độ thuyền,
Ngoen ngoẻn mà lên
Đừng làm lớn giọng
-Rớ: Bốn bề sáo vọng
Mà lại hiếp nhau
Đại nghề làm trữa (giữa) rào
Tiểu nghề làm trong đất.
Cha thằng chài chó vất,
Tau cho một trào (sào)...
-Chài: Cha thằng rớ ăn mót
Mi lấy trào đánh ai?
Rú thì có ông voi
Đầm soi thì có kẻ chài
Mi mắng ai chó vất
Tau sẵn hòn đá hòn đất
Tau quăng cấy lở quai hàm
Dám xuống thuyền tau mà nói láo.
(lấy đá quăng rớ)
-Rớ: Thằng chài xược xạo
Quăng đá dằm (nhằm) tau
Tau quăng lại e lũng mụi
-Chài: Ậy ậy
Phân chứng cớ hai bên bờ bụi,
Thằng rớ khiến quăng lở mụi thuyền tui.
Tui nổi giận Trương Phi
Tui dảy (nhảy) lên tui bẻ cọng
(hai người ẩu đả)
-Chài: Tau bẻ cọng, mi nói rằng đau,
Chớ huống chi mi nói quăng lở mụi thuyền tau
Thì tau cũng nằm đây tau la cứu.
(hai người cùng la)
          Những trò chơi dân gian độc đáo như đu tiên, đu rút, đu nhún, đu giàng xay, đi cầu nước, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, leo cột mỡ, chơi cù, đấu vật, ù mọi, giựt cờ... làm cho không khí lễ hội càng sôi nổi. Đặc biệt trong nghi lễ còn có các loại hình nghệ thuật cung đình và dân gian như múa tứ dật, múa phương tướng.
            Múa tứ dật là điệu múa dùng trong nghi thức tế lễ. Diễn viên múa thường là 32 người xếp theo 4 hàng, mặc áo chẻn màu xanh, quần dài trắng, thắt lưng và khăn bịt đầu màu đỏ, tay phải cầm lông đuôi chim trĩ, tay trái cầm ống địch có buộc tua chỉ màu đỏ. Lời xướng trong tứ dật cùng hòa với lời xướng của nghi thức tế lễ.
            Đây chính là khúc thức múa tứ dật của văn vũ sinh. Vũ khúc này xuất phát từ bát dật của cung đình, được biến đổi cho phù hợp với nghi lễ của dân gian.
              Múa phương tướng thường được tổ chức ở các đám tang ở người cao tuổi, cầm đầu là hai ông mặc võ phục, một người hóa trang mặt màu đen, một người mặt màu đỏ tay cầm siêu đao, hàng đội chừng 10 người cầm kiếm gỗ hoặc gậy gỗ vừa xướng vừa múa trước linh cửu của người quá cố.
             Một đoạn xướng trong tiết mục múa phương tướng:
Khâm thừa Thượng đế sắc ban sai,
Phụng mạng Thiên tôn tốc tốc lai,
Giá vũ đằng vân hành nhược vũ,
Tàng hình xuất một thị kỳ tài,
Cử đao khai lộ trừ quỉ mị,
Dẫn độ vong linh vãng Tây đài.
                                                                                           Theo Dư địa chí Phong Điền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét