I. XÂY DỰNG CUỘC SỐNG MỚI TRONG HOÀ BÌNH, ĐỘC LẬP, TỰ DO (1975 -
1990)
Từ những ngày đầu mới giải phóng, nhân dân Phong
Điền từ miền núi rừng, đồng bằng cho đến ven biển bắt đầu cuộc sống mới trong
hoà bình, độc lập và tự do, đã bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh,
khôi phục kinh tế và xây dựng lại quê hương.
Ngày 21-4-1975, hoà chung với không khí tưng
bừng của cả tỉnh, nhân dân Phong Điền với hàng ngũ chỉnh tề nô nức đến Huế dự
cuộc mít tinh lớn chào mừng chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành
độc lập dân tộc. Những ngày tiếp đó, nhất là vào tháng 5-1975, khi miền Nam
được hoàn toàn giải phóng, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy ngày
6-5-1975 về việc tổ chức trọng thể lễ mừng chiến thắng, khắp nơi trong huyện
sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động như mít tinh, biểu diễn văn nghệ, bắt đầu một
cuộc sống mới trong sự phấn chấn tự hào.
Bên cạnh niềm vui thắng lợi là những khó khăn,
thử thách không nhỏ mà nhân dân trong huyện phải nỗ lực vượt qua: hơn hai mươi
vạn người hồi cư không có nhà ở, thiếu lương thực và phương tiện làm ăn; hàng
ngàn người làm việc cho chế độ cũ trở về; làng xóm bị cày ủi, ruộng vườn hoang
hoá và chằng chịt hố bom, bãi mìn; những hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới để
lại rất nặng nề; cán bộ, đảng viên tuy đã trưởng thành trong chiến đấu nhưng
còn thiếu kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý việc xây dựng kinh tế trong thời
bình.
Ngày 28-3-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị yêu
cầu các huyện ủy, thành ủy thực hiện nhiệm vụ cấp bách trước mắt là lãnh đạo
hình thành chính quyền cách mạng ở thôn, xã. Đến ngày 9-5-1975, Thường vụ Tỉnh
ủy ra tiếp chỉ thị về việc kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở. Chỉ thị nhấn
mạnh: chính quyền cách mạng phải là chính quyền thực sự của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân; do đó, uỷ ban nhân dân cách mạng các cấp phải thực sự là
trung tâm tổ chức thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Huyện ủy Phong Điền nhanh chóng được củng cố,
Ban Chấp hành Huyện ủy gồm 13 người, do đồng chí Trần Văn Luyện làm Bí thư. Ủy
ban Nhân dân cách mạng huyện được thành lập do đồng chí Đồng Hữu Cường làm Chủ
tịch. Các ban, ngành cấp huyện được củng cố và thành lập (Huyện đội, Công an
huyện, Tài chính, Văn hoá thông tin, Giáo dục...). Chính quyền cách mạng ở 14
xã trong huyện cũng nhanh chóng được hình thành. Tổ chức Mặt trận và các đoàn
thể trực thuộc hình thành có hệ thống từ huyện xuống đến xã, thôn.
Trong vòng hai năm (tính đến tháng 3-1977, khi
Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà hợp nhất thành huyện Hương Điền), dưới sự
lãnh đạo của Huyện ủy, cán bộ và nhân dân trong huyện đã tích cực phấn đấu,
hoàn thành thắng lợi một số phong trào được dấy lên trong toàn huyện như: rà
phá bom mìn, khai hoang phục hoá, thi đua sản xuất, đóng góp lương thực, hợp
tác hoá trong nông nghiệp, xây dựng nếp sống mới, xoá nạn mù chữ...
Huyện một mặt tập trung lực lượng, phương tiện
và lương thực để giải quyết nhà ở, lương ăn cho hàng vạn đồng bào hồi cư, mặt
khác vận động nhân dân giúp nhau công của để dựng nhà, nhanh chóng ổn định nơi
ăn chốn ở.
Một lực lượng lớn bộ đội, du kích và nhân dân
được huy động thực hiện chiến dịch rà phá, tháo gỡ bom mìn nằm rải rác khắp các
thôn xã, nhất là vùng chung quanh quận lỵ Phong Điền (Phò Trạch) và quận lỵ
Hương Điền (Điền Hải). Đó thực sự là cuộc chiến đấu nhằm giải phóng đất đai,
phục vụ sản xuất. Trên mặt trận đầy hiểm nguy này, nhiều đồng chí, đồng bào đã
ngã xuống.
Trên một lĩnh vực khác, kể từ những ngày mới
giải phóng, huyện và các xã đã tổ chức học tập, cải tạo đối với những người làm
việc cho chế độ cũ. Toàn huyện có hơn 3.000 người được học tập theo đúng quy
định, sau đó trở về gia đình làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.
Từ tháng 4-1975, huyện đã tập trung chỉ đạo nhân
dân chăm bón và thu hoạch vụ mùa, đồng thời vận động nhân dân khai hoang, phục
hoá và mở rộng diện tích vụ trái. Ngày 28-4-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị
động viên nhân dân đóng góp lương thực nhằm đảm bảo tự túc một phần quan trọng
về lương thực để cung cấp cho công nhân, bộ đội địa phương và một phần dự trữ
đề phòng khó khăn, đồng thời bước đầu quản lý lương thực, chống đầu cơ tích
trữ, đảm bảo đời sống bình thường cho nhân dân. Cùng với nhân dân trong tỉnh,
nhân dân Phong Điền tuy còn nhiều khó khăn đã hoàn thành tốt việc đóng góp.
Trong hai năm 1975-1976, diện tích lúa và hoa
màu trong toàn huyện tăng lên đáng kể nhờ tháo gỡ bom mìn và khai hoang thêm
những vùng đất bị hoang hoá do chiến tranh.
Tháng 10-1975, một trận lụt lớn xảy ra gây thiệt
hại nặng nề. Nhân dân vùng ven sông Bồ, sông Ô Lâu và ven phá, ven biển đặc
biệt khó khăn, một số bị thiệt mạng. Nhiều nhà cửa bị ngập và trôi, kéo theo
những vật dụng thiết yếu. Trâu bò lợn gà bị chết hàng loạt. Rau màu bị hư hại.
Mạ chuẩn bị cho vụ mùa vừa gieo xong cũng trôi sạch. Một phong trào “lá lành
đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” được phát động trong toàn huyện,
giúp nhau vượt qua thiên tai, ổn định chỗ ở, đi các tỉnh xin dây khoai, hom
sắn, hạt bí, hạt bầu về làm giống, trồng rau màu ngắn ngày. Nhờ nhân dân nỗ lực
làm ăn, đùm bọc nhau lúc khó khăn và sự giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, đến
vụ mùa năm 1976, lúa và hoa màu trong toàn huyện đều được mùa, vừa vượt qua nạn
đói giáp hạt lại vừa khôi phục dần đàn gia súc, gia cầm.
Chính sách ruộng đất, chia lại ruộng đất công
bằng và hợp lý hơn được huyện chú ý thực hiện và bước đầu có kết quả. Tiến lên
một bước, huyện đã vận động nhân dân đi vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã
sản xuất nông nghiệp. Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy (12-1975): “trước mắt cần
xây dựng một số hợp tác xã thí điểm để rút kinh nghiệm... Chuẩn bị các điều
kiện để đến cuối năm 1976 đầu năm 1977 đưa hợp tác hoá thành phong trào trong
toàn tỉnh”, Huyện ủy Phong Điền đã từng bước thực hiện chủ trương quan trọng
này, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển trong điều kiện mới ra
khỏi chiến tranh.
Cùng với mặt trận sản xuất nông nghiệp, huyện
còn chú ý khôi phục nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát động trồng cây phủ
xanh đất trống đồi núi trọc và duy trì các ngành nghề thủ công truyền thống
(mộc, nề, đan lát, rèn, đúc...). Chỉ trong một thời gian ngắn, sản xuất ngư
nghiệp, lâm nghiệp và thủ công nghiệp đã có bước phát triển hơn trước.
Trên mặt trận giáo dục và y tế, Phong Điền sau
ngày giải phóng lập được những thành tích bước đầu rất quan trọng. Trong toàn
huyện dấy lên phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hoá. Nhân dân đóng góp vật
liệu xây dựng trường lớp cho con em học tập. Phần lớn các cháu đến tuổi đi học
đều đến lớp trong niên khoá đầu tiên của thời hoà bình. Toàn huyện có 1 trường
cấp III và nhiều trường cấp I, cấp II ở các xã. Công tác y tế, chăm sóc sức
khoẻ nhân dân được chú trọng. Bệnh xá huyện và trạm xá các khu vực được thành
lập.
Ngày 25-4-1976, nhân dân trong huyện nô nức đi
bầu đại biểu vào Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tổng số cử
tri đi bầu đạt tỷ lệ gần 100%. Đại biểu trúng cử có các vị Hoàng Anh, Lê Tự
Đồng, Nguyễn Húng, Tôn Thất Tùng, Hồ Đức Vai, Thích Đôn Hậu, Bà Phan Thị Thanh
Nhàn và Bà Nguyễn Đình Chi. Đến ngày 7-11-1976, cử tri trong huyện đi bầu Hội
đồng nhân dân xã, trực tiếp bầu ra những đại biểu nhân dân và góp phần củng cố
chính quyền cách mạng.
Năm 1976, được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện thành
lập Công trường 14-12 để xây dựng vùng kinh tế mới ở Phong Sơn-Hoà Mỹ, đưa
nhiều gia đình lên vùng gò đồi làm ăn, xây dựng quê hương mới. Tại đây, cán bộ
và chiến sĩ đã tiến hành tháo gỡ bom mìn, giúp nhân dân khai hoang lập vườn,
nhanh chóng đi vào sản xuất, ổn định cuộc sống.
Cuối năm 1976, diễn ra Đại hội Đảng bộ Phong
Điền lần đầu tiên trong hoà bình. Đại hội đã đề ra chương trình hành động chuẩn
bị cho đại hội vòng hai. Bấy giờ, cùng với việc hợp tỉnh, các huyện trong tỉnh
Bình Trị Thiên cũng được hợp lại. Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết
định số 62-CP, hợp nhất huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền và huyện Hương Trà
thành một huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền.
Hai năm sau ngày giải phóng
là khoảng thời gian không dài nhưng Phong Điền đã bắt đầu thay da đổi thịt. Một
vùng đất nghèo khó và bị chiến tranh tàn phá đã từng bước vươn mình. Dù cơm áo
còn chưa no đủ, đời sống vật chất vẫn còn khó khăn, nhưng mọi người dân đều thấy
được giá trị của độc lập, tự do và nỗ lực hết mình trong xây dựng và bảo vệ quê
hương, đồng thời mong mỏi có những chủ trương, chính sách mới nhằm đưa đất nước
đi lên.
Từ tháng 3-1977 đến tháng
9-1990, khi huyện Phong Điền được tái lập với địa giới như hiện nay, đã diễn ra
những chuyển biến quan trọng trong đường lối của Trung ương Đảng. Các Đảng bộ
địa phương tuỳ theo tình hình thực tế đã kịp thời đề ra những chủ trương cụ thể
để góp phần đưa đất nước thoát khỏi khó khăn về kinh tế.
Tháng 5-1977, diễn ra Đại
hội Đảng bộ huyện Hương Điền. Đại hội đánh giá tình hình và đề ra phương hướng,
nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng-Tỉnh ủy
viên, được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
Sau đó, từ ngày 19 đến ngày 23-5-1977, Đại
hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I (vòng 2) thông qua Nghị
quyết về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 1976-1980 của tỉnh, nhấn mạnh
việc tập trung sức phát triển nông nghiệp, sớm ổn định đời sống nhân dân, đồng
thời làm cơ sở cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Tiếp đến, Tỉnh
ủy ra chỉ thị số 17 ngày 7-9-1977 về tiến hành phân công, phân cấp, tăng cường
cấp huyện và mở rộng làm thí điểm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn
huyện.
Ngày
13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TƯ về cải tiến công
tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong
hợp tác xã nông nghiệp. Khoán sản phẩm là một hình thức quản lý sản xuất và trả
công lao động có gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động với sản phẩm
cuối cùng một cách trực tiếp, phát huy mạnh mẽ tính tích cực, tự giác của xã
viên, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, thúc đẩy việc tăng cường cơ
sở vật chất cho hợp tác xã nông nghiệp.
Cùng thời gian này, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh
Bình Trị Thiên lần thứ II họp, đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là giải quyết vấn đề
lương thực và thực phẩm. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần chỉ đạo tích cực chủ
trương khoán sản phẩm đến hộ xã viên, nhóm lao động và người lao động đối với
toàn bộ diện tích màu, đồng thời chỉ đạo mỗi huyện làm thử một hợp tác xã khoán
sản phẩm trên toàn bộ diện tích lúa.
Sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (6-1985) bàn về giá-lương-tiền, Thường vụ Tỉnh ủy đã
ra Nghị quyết 23 ngày 25-7-1985 về tổ chức làm thí điểm việc trả lương bằng
tiền cho tất cả các đối tượng hưởng lương. Phạm vi trả lương gồm 9 mặt hàng
(gạo, thịt, cá, nước mắm, củi, đường, mì chính, xà phòng, vải), tất cả đều đưa
vào giá thành. Đây là khâu đột phá có tính chất quyết định để chuyển sang cơ
chế mới.
Sự kiện quan trọng nhất trong giai đoạn này là
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Thủ đô
Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986. Đại hội nêu lên những thành tựu quan
trọng của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đến giữa
những năm 80 của thế kỷ XX, đồng thời phân tích sâu sắc thực trạng yếu kém của
nền kinh tế - xã hội nước ta, vạch rõ những nguyên nhân gây nên sự yếu kém đó
và rút ra bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội về sau.
Trên cơ sở những chủ trương đổi mới từng phần và kinh nghiệm có được khi thực
hiện chủ trương đó, Đại hội khẳng định: “đối với nước ta, đổi mới đang là yêu
cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Về nhiệm
vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội xác định: “nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu
tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt
tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc
đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”. Để thực
hiện nhiệm vụ đó, Đại hội đề ra các chính sách và biện pháp lớn sau: trong kế
hoạch 5 năm 1986 - 1990, phải thực sự tập trung sức người, sức của vào việc
thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng
tiêu dùng và hàng xuất khẩu; sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh
tế; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây
dựng cơ chế mới - cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã
hội chủ nghĩa, các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể là những đơn vị sản
xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa, có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, tự chủ về
tài chính; phát huy mạnh mẽ động lực khoa học, kỹ thuật; mở rộng và nâng cao
hiệu quả kinh tế đối ngoại...
Sau
đó, riêng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra
Nghị quyết số 10 NQ/TƯ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, đề ra cơ chế
khoán mới trong các hợp tác xã nông nghiệp. Nghị quyết 10 xác định hợp tác xã
là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị nhận khoán với
hợp tác xã. Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống người dân, có tác động tích
cực đến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.
Thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của
Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, căn cứ vào tình hình cụ thể của
huyện, Huyện ủy Hương Điền đã kịp thời lãnh đạo nhân dân làm nên những thành
tựu mới trong xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Kết thúc kế hoạch 5 năm (1986-1990),
các xã vùng Phong Điền cũ trên cả ba vùng: gò đồi, đồng bằng và ven biển đã có
những biến đổi đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và
xây dựng hệ thống chính trị.
Nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp và cơ sở vật chất-kỹ thuật đều có bước tiến mới. Quan hệ sản xuất
cũng dần chuyển biến phù hợp với trình độ của nền kinh tế.
Các xã chuyên về trồng lúa là chính đã ứng dụng
được tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phòng trừ sâu bệnh, phân bón và cải
tạo đất. Đê đập, trạm bơm, kênh mương tưới tiêu được xây dựng, đặc biệt là đập
chứa nước ở Quao (Phong Mỹ), công trình thủy lợi lớn ở Hoà Mỹ, đã đảm bảo cung
cấp nước cho diện tích cấy lúa hai vụ. Chính nhờ những biện pháp đó mà năng
suất lúa ngày càng tăng.
Chăn nuôi phát triển hơn trước. Đàn bò tăng
nhanh về số lượng, giống lợn được cải tạo, gia cầm cũng nhiều hơn, góp phần cải
thiện kinh tế hộ gia đình.
Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống được phục
hồi và phát triển như gốm Phước Tích, đệm Phò Trạch, rèn Hiền Lương, điêu khắc
Mỹ Xuyên, dầu tràm Phong Thu, đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và cải
thiện đời sống. Một số ngành nghề thủ công còn hướng ra phục vụ nhân dân trong
tỉnh.
Các xã ở phía Tây quốc lộ 1 dần dần hình thành
vùng kinh tế gò đồi. Nhân dân đã trồng hàng trăm hecta cây các loại. Lâm trường
huyện với 2.763,8 hecta rừng trồng đã tạo nên một vùng cây xanh nối với rừng
Trường Sơn.
Ngư nghiệp cũng từng bước phát triển, bắt đầu
hình thành phong trào nuôi trồng thủy sản trong nhân dân kết hợp với khai thác,
đánh bắt và chế biến. Sản lượng thủy sản tăng dần qua mỗi năm, góp phần giải
quyết việc thiếu đói cho nhân dân ở vùng ven biển, đầm phá.
Trong hoạt động phân phối lưu thông, huyện đã tổ
chức được mạng lưới cung ứng vật tư, kỹ thuật như xăng dầu, phân bón, đồng thời
mở rộng dần mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và tập thể với nhiều cửa hàng
mua bán ở các xã.
Sự nghiệp xây dựng và cải tạo quan hệ sản xuất
trong nông nghiệp, ngư nghiệp có chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu của cuộc
sống. Từ các tập đoàn sản xuất, huyện đã tổ chức thành lập hợp tác xã nông
nghiệp, ngư nghiệp. Trên 90% nông dân vào làm ăn trong các hợp tác xã nông
nghiệp. Huyện đã kịp thời thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung
ương Đảng về mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã
nông nghiệp, Nghị quyết số 10 NQ/TƯ của Bộ Chính trị về cơ chế khoán mới trong
các hợp tác xã nông nghiệp và chỉ đạo của Tỉnh ủy, tạo nên động lực mới trong
sản xuất nông nghiệp của nông dân, làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng,
giúp cải thiện đời sống và làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước .
Đời sống vật chất của nhân dân từng bước được
nâng lên. 1/3 nhà ở được lợp ngói. Tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại và
ăn mặc của người dân khá hơn trước. Bộ mặt nông thôn bắt đầu khởi sắc.
Tuy nhiên, “huyện vẫn chưa phát huy được thế
mạnh nông nghiệp toàn diện, chưa hình thành sản xuất hàng hoá ở nông thôn...
Kinh tế có phát triển nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh
của huyện; vẫn còn ở trình độ là một vùng nông nghiệp đặc canh, thuần nông, còn
mang nặng tính tự cung, tự cấp, chưa tạo ra nền sản xuất hàng hoá theo đường
lối, chính sách đổi mới của Đảng” .
Sự chuyển biến trong đời sống tinh thần của nhân
dân so với đời sống vật chất là nhanh hơn và tích cực hơn. Bộ mặt văn hoá mới ở
nông thôn được xây dựng.
Các tệ nạn xã hội, những hủ tục, mê tín dị đoan
từng bước được đẩy lùi. Tình làng, nghĩa xóm được vun đắp. Phong trào “uống
nước nhớ nguồn” được duy trì và phát triển. Một số nhà truyền thống xã được xây
dựng. Các đối tượng chính sách được chăm sóc chu đáo hơn trước. Phong trào xây
dựng quỹ tình nghĩa, quỹ bảo trợ xã hội, quy tập mộ liệt sĩ về nghĩa trang
huyện và các xã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Các ngày kỷ niệm lớn của đất
nước, lễ hội các làng và lễ hội truyền thống của ngành nghề được tổ chức đều
đặn với sự tham gia đông đảo và hào hứng của nhân dân.
Mạng lưới thông tin liên lạc, phương tiện nghe
nhìn phong phú hơn. Nhân dân được hưởng thụ văn hoá qua các phương tiện thông
tin đại chúng và các buổi chiếu bóng, biểu diễn văn nghệ được tổ chức thường
xuyên hơn, đến tận các xã vùng xa.
Giáo dục, y tế có bước phát triển mới. Nhờ thực
hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm mà mạng lưới các trường học
từ nhà trẻ, mẫu giáo đến phổ thông được mở rộng so với trước. Các xã đều có
trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở. Huyện có trường cấp III Điền Hải,
trường cấp II-III Phong Chương...
Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân
được tăng cường thông qua những chương trình phòng chống dịch bệnh và khám chữa
bệnh hoạt động có kết quả. Bệnh viện Phong Điền và các trạm xá được củng cố và
nâng cao chất lượng phục vụ.
Giáo dục và y tế có chuyển biến tốt đã tạo điều
kiện thuận lợi cho công tác an ninh - quốc phòng. Trật tự trị an ở các xã thôn
được duy trì. Công tác huấn luyện và tuyển quân hàng năm, nhất là vào những năm
xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc được chú trọng đẩy
mạnh, nhiều xã đạt và vượt chỉ tiêu giao quân. Tính đến năm 1990, có hơn 2.000
thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhiều chiến sĩ được kết nạp vào Đảng
Cộng sản Việt Nam và một số là liệt sĩ, thương binh vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong toàn huyện có 3.000 quân dự bị động viên và gần 2.000 dân quân tự vệ,
biên chế thành các đại đội, trung đội, được huấn luyện và trang bị đầy đủ.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị: Đảng,
chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được củng cố và lớn mạnh, đảm
bảo vai trò lãnh đạo và quản lý xã hội, đồng thời phát huy được quyền làm chủ
của nhân dân. Cử tri toàn huyện tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân ba cấp ngày
19-11-1989 đạt tỷ lệ cao, tích cực góp phần xây dựng bộ máy chính quyền vững
mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Hương Điền, trong
13 năm hợp huyện, nhân dân các xã vùng Phong Điền đã nỗ lực phấn đấu trên tất
cả các lĩnh vực. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, song những
thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội là thực sự quan trọng,
làm cơ sở cho sự phát triển lớn hơn vào những năm sau.
Ngày 7-4-1989, thực hiện đường lối đổi mới toàn
diện của Đại hội Đảng lần thứ VI và để có điều kiện phát huy sức mạnh nội lực
của mỗi vùng, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 nhất trí kiến nghị lên Trung ương
Đảng cho tổ chức lại tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh. Ngày 30-6-1989, Quốc hội
khoá VIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành
chính của tỉnh Bình Trị Thiên. Tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành ba tỉnh mới,
lấy tên là tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện Phong
Điền nằm trong huyện Hương Điền - một trong 5 đơn vị hành chính của tỉnh Thừa
Thiên Huế.
Đến ngày 26-5-1990, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 05
về lãnh đạo tổ chức điều chỉnh địa giới hành chính các huyện và thành phố. Nghị
quyết nêu rõ mục đích của việc điều chỉnh là nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế
mạnh của mỗi vùng, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của
mỗi địa phương, liên doanh, liên kết giữa huyện và thành phố, trong tỉnh và
ngoài tỉnh, huy động được mọi nguồn lực, đưa nền kinh tế, xã hội phát triển
toàn diện theo cơ cấu mới của mỗi huyện và thành phố; đảm bảo tốt hơn về đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy,
huyện Hương Điền được tách ra thành 2 huyện, lấy tên là huyện Quảng Điền và
huyện Phong Điền. Tháng 7-1990, bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở huyện
Phong Điền đã hình thành và đi vào hoạt động, mở ra một giai đoạn mới trong
lịch sử phát triển của huyện.
II. TIẾP TỤC VƯƠN LÊN TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI (1990 - 2000)
Sự kiện nổi bật trong giai đoạn này là Đại hội
Đảng bộ huyện Phong Điền khoá VIII (nhiệm kỳ 1991-1995). Đại hội đã nêu lên
những thành tựu cũng như hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện giai
đoạn 1986-1990 và xác định phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1991-1995,
bầu Ban Chấp hành Huyện ủy gồm 30 ủy viên, do đồng chí Hồ Xuân Mãn, Tỉnh ủy
viên làm Bí thư, Nguyễn Như Sung, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện và
Lê Việt Trung, Phó Bí thư Thường trực.
Ngày 12-10-2000, khai mạc Đại hội Đảng bộ huyện
lần thứ X (nhiệm kỳ 2000-2005). Đại hội khẳng định “tiếp tục thực hiện đường
lối đổi mới của Đảng, thực hiện tốt các nhiệm vụ và nội dung về công nghiệp
hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn theo định hướng xã hội
chủ nghĩa”.
Trên nền tảng của giai đoạn trước, đến khi kết
thúc kế hoạch 5 năm 1991-1995 và 1996-2000, 15 xã và thị trấn của huyện Phong
Điền trên cả ba vùng: gò đồi, đồng bằng và ven biển đã có những biến đổi to lớn
và quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và xây dựng
hệ thống chính trị.
Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Chuyển dịch cơ
cấu kinh tế, trước hết là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có sự
chuyển biến tích cực, phù hợp với xu hướng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại
lực khai thác các tiềm năng lợi thế, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Trong giai
đoạn 1996-2000, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân hằng năm 6,7%. Đến năm
2000, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 11,12%, tăng 2,23%; dịch vụ
chiếm 34,04%, tăng 1,87%; nông lâm thủy sản 53,84% giảm 4,1% so với năm 1995.
Đời sống của nhân dân, đặc biệt là hộ sản xuất nông nghiệp, đồng bào ở vùng
sâu, vùng xa được nâng lên đáng kể.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ
tầng trong nông nghiệp còn yếu kém, nhưng sản xuất nông nghiệp toàn diện đã
phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần quan trọng vào
tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Huyện
đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng dần trình độ thâm
canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.
Đầu tư cho thủy lợi được chú trọng, góp phần chủ
động tưới tiêu cho sản xuất, đồng thời năng lực sản xuất bằng cơ giới được tăng
thêm đáng kể. Sản xuất lương thực phát triển khá, tiếp tục góp phần giữ vững an
toàn lương thực. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hằng năm đạt 12.639,8 ha,
sản lượng lương thực có hạt bình quân giai đoạn 1996-2000 đạt 29.500 tấn/năm,
tăng 2.549 tấn; bình quân lương thực đầu người 302 kg/năm.
Sau đây là những số liệu chính :
Năm
|
1991
|
1995
|
2000
|
Sản
lượng lương thực quy thóc
|
23.268
tấn
|
30.294
tấn
|
32.059
tấn
|
Diện
tích cây lương thực
|
10.513
ha
|
10.280
ha
|
9.582
ha
|
Năng
suất lúa cả năm
|
23,5
tạ/ha
|
33,7
tạ/ha
|
35,5
tạ/ha
|
Diện tích cây công nghiệp dài ngày và ngắn
ngày phát triển khá: lạc 1050 ha, trong 5 năm trồng được 632 ha cao su. Qua 3
năm thực hiện chương trình mía đường đã tạo vùng nguyên liệu 1.620 ha, tạo thêm
việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Chăn nuôi giữ được ổn định về mặt số lượng và có
bước phát triển về chất lượng; tổng đàn lợn tăng 2,15% và trên 90% tổng đàn lợn
đã được nạc hoá. Công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch động vật được tăng
cường. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông
nghiệp đạt gần 20%.
Sau đây là những số liệu chính:
Năm
|
1991
|
1995
|
2000
|
Đàn lợn
|
18.816 con
|
24.181 con
|
27.500 con
|
Đàn bò
|
976 con
|
1.523 con
|
1.786 con
|
Đàn trâu
|
7.772 con
|
8.261 con
|
7.470 con
|
Công tác đánh bắt và nuôi trồng thủy hải
sản có bước phát triển khá. Trong 5 năm 1991-1995, nuôi cá nước ngọt có bước
tiến mới, nhân dân bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Bồ và sông Ô Lâu. Ngoài việc
đánh bắt hải sản bằng phương tiện thủ công, đến cuối năm 1999 đã đưa 3 tàu đánh
bắt xa bờ vào hoạt động bước đầu có hiệu quả. Sản lượng khai thác bình quân
hàng năm khoảng 953,2 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện ổn định gần
110 ha, trong đó cá nuôi nước ngọt, nước lợ 78,78 ha và nuôi tôm cua 30,68 ha.
Đánh bắt thủy sản năm 1991 được 900 tấn, tăng
lên 1.310 tấn năm 1993, nhưng đến năm 1995 giảm còn 701 tấn và đến năm 2000
được 1.008 tấn.
Lâm nghiệp có tiến bộ trong trồng mới và quản
lý, bảo vệ rừng, đồng thời thành công trong việc xây dựng mô hình rừng gò đồi.
Công tác giao đất, giao rừng, khôi phục và phát triển vốn rừng, bảo vệ môi
trường, môi sinh được tăng cường. Trong 5 năm 1991-1995 toàn huyện trồng 1.798
ha rừng, trồng ở vùng đất cát và ven biển gần 500 ha, giai đoạn 1996-2000 tiếp
tục trồng mới 1.575 ha, chăm sóc 750 ha rừng các loại, quản lý, bảo vệ hàng năm
2.000 ha và khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng 222 ha, đưa độ che phủ từ 28%
năm 1995 lên 33% năm 2000.
Công tác quy hoạch và di giãn dân được tích cực
triển khai. Việc định canh, định cư cho đồng bào dân tộc ở bản Hạ Long sang Khe
Mạ (Phong Mỹ) bước đầu thực hiện có kết quả.
Tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế tăng so với nhiệm
kỳ trước, nghành nghề có bước phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng
cao tổng sản phẩm xã hội. Các cơ sở công nghiệp từng bước được hình thành trên
địa bàn huyện như nhà máy mía đường Phong An, cơ sở chế biến phân vi sinh, cơ
sở nước khoáng Thanh Tân, xí nghiệp gạch tuy nen Phong Thu (riêng nhà máy đường
sau 1 năm sản xuất đã ngừng hoạt động). Giá trị sản lượng ngành công nghiệp -
tiểu thủ công nghiệp hàng năm đạt 17.115,5 triệu đồng, tăng bình quân 34,2%.
Một số ngành nghề tăng khá như sản xuất vật liệu xây dựng, đồ mộc, chế biến
nông sản, sửa chữa cơ khí. Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước theo giá
cố định 1994 là 5.803 triệu đồng năm 1996, tăng lên 7.140 triệu đồng vào năm
2000.
Các ngành dịch vụ phát triển khá đa dạng, phục
vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Trên địa bàn huyện
đã từng bước hình thành các khu trung tâm, dịch vụ như An Lỗ, Ưu Điềm, Phò
Trạch, Điền Hải. Nhiều chợ nông thôn được nâng cấp, mở rộng. Việc thực hiện
chính sách đổi mới đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, kích thích các
hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá.
Mạng lưới bưu chính viễn thông có bước phát
triển nhanh, đã xây dựng được 7 điểm bưu điện văn hoá xã. Mạng cáp thông tin
liên lạc đã vươn đến vùng sâu, vùng xa. Dung lượng tổng đài trên địa bàn huyện
đã tăng thêm 1.826 số, phát triển thêm 775 máy điện thoại và đạt tỷ lệ 1,14
máy/100 dân (năm 1996 chỉ có 439 máy điện thoại cố định). Nhiều cơ quan, đơn vị
đã ứng dụng công nghệ thông tin, đưa lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống dịch vụ
vận tải phát triển khá, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”,
huyện đã tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội. Trong 5 năm 1996-2000 đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng
trên 100 công trình lớn nhỏ với tổng số đầu tư trên 110 tỷ đồng, trong đó vốn
ngân sách chiếm 58,59%, viện trợ 22,44%, vốn tín dụng và nhân dân đóng góp
18,97%, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại
hoá nông nghiệp và nông thôn.
Mạng lưới điện quốc gia đã đưa tới 8/15 xã trong
giai đoạn 1991-1995 và đến giai đoạn 1995-2000 đã về đến trung tâm 16/16 xã,
thị trấn và đa số các thôn trong huyện, đáp ứng cơ bản nhu cầu về phát triển
kinh tế - xã hội và nâng số hộ gia đình sử dụng điện đến năm 1999 lên 70%, tăng
42,48% so với năm 1995. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh năm 2000 tăng 25% so với
năm 1995.
Hệ thống các trạm bơm điện, các hồ, đập và hệ
thống kênh tưới tiêu được chú trọng đầu tư kiên cố hoá nên đã từng bước chủ
động được tưới tiêu cho sản xuất. Bằng nhiều nguồn vốn, trong 5 năm 1996-2000
đã xây dựng hoàn thành 18 trạm bơm điện (có công suất tưới, tiêu bình quân trên
100 ha), 7 hồ đập lớn nhỏ và hệ thống đê đập kênh mương, đưa năng lực tưới tiêu
từ 1.727 ha năm 1995 lên 4.022 ha năm 2000.
Hệ thống các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đặc
biệt là đường liên thôn, liên xã được quan tâm đầu tư nâng cấp, đảm bảo lưu
thông thông suốt giữa các vùng trong huyện. Mức đóng góp của nhân dân trong xây
dựng giao thông nông thôn tăng từ 832 triệu đồng (giai đoạn 1991-1995) lên
1.879 triệu đồng (giai đoạn 1996-2000). Hoàn thành rải nhựa 26 km, cấp phối 100
km đường liên thôn và xây dựng 385 cầu, cống các loại. Đường bê tông nông thôn
đến năm 2000 đã có 20 km ở 7 xã.
Kết cấu hạ tầng phục vụ cho giáo dục, y tế được
tăng cường đáng kể theo hướng tầng hoá và kiên cố hoá. Đã xây dựng mới 2 trường
trung học phổ thông, 1 trường nội trú vùng đầm phá, 8 trường trung học cơ sở, 9
trường tiểu học, sửa chữa và nâng cấp hàng trăm phòng học, đáp ứng cơ bản nhu
cầu đến lớp của học sinh. Xây dựng và nâng cấp trung tâm y tế huyện với các
trang thiết bị hiện đại, 1 phòng khám đa khoa, xây dựng mới 5 trạm y tế xã, sửa
chữa, nâng cấp 16 trạm y tế và 2 phòng khám khu vực. Xây dựng mới 9 trụ sở xã,
thị trấn và 6 cơ quan tầng hoá.
Về kinh tế đối ngoại, huyện đã chủ động nắm bắt
thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, mở rộng công tác đối
ngoại để tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển, nhất là trong lĩnh
vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng số vốn viện trợ trong 5 năm 1996-2000 trên
30 tỷ đồng.
Lĩnh vực tài chính tiến bộ đáng kể. Thu ngân
sách hàng năm đạt và vượt kế hoạch. Tổng thu năm 2000 dự ước đạt 11,879 tỷ
đồng, tăng so với chỉ tiêu đề ra 138,35%.
Trên cả ba vùng: gò đồi, ven biển đầm phá và
đồng bằng đều có những chuyển biến tích cực.
Ở vùng gò đồi đã tập trung đầu tư xây dựng kết
cấu hạ tầng (điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi...), chuyển đổi cơ cấu
cây trồng vật nuôi thích hợp. Thực hiện và giải quyết tốt các chính sách của
Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc ít người,
tạo sự thay đổi khá toàn diện bộ mặt vùng gò đồi, đời sống nhân dân ổn định và
có phần tích lũy.
Ở vùng ven biển, đầm phá đã có bước chuyển biến
tích cực. Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng nguồn đầu tư
cho xây dựng kết cấu hạ tầng như các công trình giao thông, điện, trường học,
trạm y tế, nhà ở của nhân dân, những khó khăn về thủy lợi dần dần được khắc
phục, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới so với giai đoạn 1991-1995. Huyện đã
thành lập mới 3 hợp tác xã thủy sản với 3 chiếc tàu có công suất trên 9 CV để
tổ chức đánh bắt xa bờ.
Ở vùng đồng bằng, được tập trung chỉ đạo phát
triển toàn diện nông-lâm-ngư nghiệp gắn với việc xây dựng và phát triển nông
thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nổi bật nhất trong sản xuất
nông nghiệp là việc thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất đạt 85%, hầu hết diện
tích lúa gieo thẳng, phun thuốc diệt cỏ, khâu vận chuyển cơ bản bằng xe công
nông, xe cải tiến và dùng máy tuốt lúa, nên đã giải phóng một phần lao động
nông thôn. Công tác thâm canh cải tạo đồng ruộng được thực hiện tốt, năng suất
các loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa ổn định và tăng 1,3 lần so với giai
đoạn 1991-1995. Các ngành nghề trong nông thôn từng bước được phát triển. Đất
cát nội đồng đi vào khai thác đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng
trang trại, bước đầu đem lại hiệu quả. Kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao
thông, điện, trường học, trạm y tế được nâng cấp và xây dựng mới với số lượng
khá lớn. Nhà ở của nhân dân khá hơn trước, nhà kiên cố, bán kiên cố ngày càng
tăng. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân ngày càng được cải thiện. Trật tự an toàn được giữ vững, không để
xảy ra điểm nóng trong nông thôn.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển
mới cả về số lượng, chất lượng. Cơ sở vật chất, đội ngũ được tăng cường, mặt
bằng dân trí được nâng lên. Số lượng học sinh các cấp tăng bình quân hàng năm
10,15%; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường tăng từ 44,3%
năm 1995 lên 61,4% năm 2000. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp và thi đỗ vào
các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng. Đội ngũ
giáo viên được tăng cường, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học được khắc
phục. Mạng lưới trường phổ thông được mở rộng khắp đến các địa phương. Huyện
được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập tiểu học, 5 xã, thị
trấn được công nhận phổ cập trung học cơ sở. Sau đây là những số liệu chính về
giáo dục phổ thông:
Năm
học
|
1994-1995
|
2000-2001
|
|
TH
THCS THPT
|
TH
THCS THPT
|
Trường
|
29
10
2
|
27
13
3
|
Lớp
|
473
109
18
|
456
214
95
|
Giáo viên
|
457
153 45
|
506
279
125
|
Học sinh
|
14.475
4.401 737
|
14.755
9.128 4.263
|
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho
nhân dân, nhất là các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu; chương trình mục
tiêu y tế được triển khai khá đồng bộ và có những chuyển biến tốt. Sức khoẻ và
tuổi thọ của nhân dân được nâng lên một bước. Đến năm 2000 trên toàn huyện có
34 bác sỹ, 1 dược sỹ, 44 y sỹ, 2 dược tá và 61 y tá. Số trạm y tế có 16/16 xã,
thị trấn, trong đó có 9 trạm y tế có bác sỹ; có 1 bệnh viện trung tâm và 3
phòng khám đa khoa khu vực.
Công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình có nhiều
tiến bộ. Tỷ suất sinh giảm đáng kể, giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ
2,23% năm 1995 xuống còn 1,4% năm 2000. Xu hướng ổn định dân số và mô hình gia
đình ít con được hình thành.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin tuyên
truyền, thể dục thể thao phát triển phong phú cả về thể loại, hình thức và nội
dung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin và nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân
dân, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là giáo
dục truyền thống cách mạng, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và tệ mê
tín dị đoan. Phong trào quần chúng tham gia hoạt động các loại hình văn hoá
được phát động khá sôi nổi, nhất là trong các dịp lễ, hội và Tết. Số hộ có
phương tiện nghe nhìn chiếm 70%. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá, cơ quan văn hoá đã thực sự có tác dụng tích cực trong đời sống
tinh thần của nhân dân. Đến năm 2000 đã có 16 làng bản của 13/16 xã, thị trấn
tổ chức lễ đăng ký xây dựng làng văn hoá và 8 cơ quan đăng ký xây dựng cơ quan
văn hoá, trong đó có 3 làng được tỉnh công nhận đạt chuẩn làng văn hoá. Công
tác sưu tầm văn hoá dân gian, truyền thống lịch sử được chú trọng.
Các cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp
nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được
triển khai khá đồng bộ và có chuyển biến tốt. Trong 5 năm 1991-1995, đời sống
vật chất của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nạn đói giáp hạt giảm hẳn, 40% nhà
dân đã ngói hoá. Tỷ lệ đói nghèo bình quân hàng năm giảm 4,5% và đến năm 2000
tỷ lệ hộ đói nghèo chỉ còn 16,3%. Đã huy động nhiều nguồn đóng góp, xây dựng 48
và sửa chữa 150 nhà tình nghĩa, 5 bia ghi danh, xây dựng nâng cấp 9 nghĩa trang
liệt sĩ, quy tập hằng trăm mộ liệt sĩ, trao tặng 650 sổ tiết kiệm tình nghĩa và
tất cả các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng
đến cuối đời.
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc có
những chuyển biến tích cực, an ninh nông thôn được giữ vững, góp phần củng cố
niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Công tác quân sự địa phương được tăng cường,
củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân
với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở xã, thị trấn và cụm tuyến an toàn
làm chủ, sẵn sàng chiến đấu... Hàng năm huyện đều thực hiện tốt chỉ tiêu tuyển
chọn gọi công dân nhập ngũ, đồng thời hoàn thành kế hoạch huấn luyện lực lượng
dự bị động viên và lực lượng dân quân tự vệ.
Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng
cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ được chú trọng nên
đã từng bước thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội bằng pháp luật. Hội đồng
nhân dân không ngừng cải tiến phương thức hoạt động, đã thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa
phương lớn mạnh... Việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và
các kiến nghị của tổ chức và công dân được thực hiện khá chu đáo, củng cố được
niềm tin của nhân đối với Đảng và Nhà nước... Cơ chế dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao đời sống
vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn.
Huyện tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn các
tổ chức của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội đã được xây dựng trên địa
bàn thôn, xóm, bản. Qua kết quả phân loại hàng năm, số tổ chức đạt tiêu chuẩn
vững mạnh và khá trên 50%.
Liên đoàn lao động huyện đã tập hợp hầu hết số
lượng cán bộ, công nhân viên chức tham gia vào tổ chức. Hội Nông dân ngày càng
được mở rộng. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức khá tốt hai phong
trào “Tuổi trẻ giữ nước” và “Thanh niên lập nghiệp”. Hội Liên hiệp thanh niên
đã thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt. Tổ chức Hội Phụ nữ thường xuyên được
củng cố phát triển. Hội Cựu chiến binh thực sự có phát triển cả về số lượng và
chất lượng. Ngày 20-12-1994, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện
Phong Điền được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân
dân.
Về xây dựng Đảng, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ
IX (nhiệm kỳ 1996-2000) đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 35 ủy viên, do đồng chí
Lê Việt Trung làm Bí thư; Đồng Hữu Mạo, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân huyện và Hồ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực.
Huyện ủy tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng
trong sạch vững mạnh, củng cố các cơ sở Đảng yếu kém. Đến năm 2000 có 46 tổ
chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, trong đó có 16 Đảng bộ, Chi bộ xã, thị
trấn và 30 Đảng bộ, Chi bộ khối cơ quan. Có 82 Chi bộ dưới cơ sở với 1.158 đảng
viên. Số tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh năm 1999 tăng
5% so với năm 1996, đến cuối năm 1999 không còn tổ chức cơ sở Đảng loại yếu
kém... Tỷ lệ đảng viên phát huy vai trò tiên phong gương mẫu tăng 4,5%, số đảng
viên vi phạm tư cách hoặc không đủ tư cách phải đưa ra khỏi Đảng giảm dần...
Đến năm 2000, trong tổng số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện có 90,9% cán bộ
có trình độ đại học, trung học chuyên môn kỹ thuật, có 76,6% cán bộ có trình độ
cử nhân, cao cấp và trung học chính trị.
Trong giai đoạn 1995-2000, bên cạnh những thành
tựu đạt được, Phong Điền còn một số hạn chế mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện
lần thứ X đã chỉ rõ:
Nền kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa vững
chắc. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn ở mức
thấp. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhất là các ngành nghề truyền thống vẫn
chưa tìm ra hướng khôi phục. Kinh tế vùng biển, đầm phá chuyển biến chậm.
Chất lượng học lực loại khá, giỏi của học sinh ở
bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông có chiều hướng giảm sút. Đội ngũ
giáo viên, học sinh đạt loại giỏi cấp tỉnh còn quá ít. Một số hủ tục, tệ nạn xã
hộ chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Chương trình xoá đói giảm nghèo triển khai
chưa mạnh mẽ, hiệu quả chưa cao, số hộ đói nghèo còn lớn. Tình trạng thiếu việc
làm trong nông thôn chưa được khắc phục.
Nhìn trên tổng thể 10 năm (1990-2000), huyện đã
đạt được nhiều thành quả quan trọng. Nền kinh tế có chuyển biến tích cực, nhất
là trên lĩnh vực cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt trong sản xuất nông
nghiệp toàn diện đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng, tổng sản lượng
lương thực có hạt bình quân tăng 9,46%. Kết cấu hạ tầng có bước phát triển
nhanh chóng, đặc biệt là về điện, thủy lợi, giao thông, thông tin liên lạc.
Năng lực sản xuất tăng lên rõ rệt, đời sống của nhân dân được cải thiện một
bước quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Chính trị được giữ vững,
an ninh-quốc phòng được tăng cường, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Hệ
thống chính trị ngày càng được củng cố vững mạnh. Những thành quả đạt được là
tiền đề thuận lợi và là động lực cần thiết trong giai đoạn phát triển tiếp theo
của huyện trong những năm đầu thế kỷ XXI .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét