24/2/17

Thân Văn Thiếp


          Thân Văn Nhiếp (chữ Hán: 申文燮, 1804 - 1872) tự Ngưng Chi (凝芝) hiệu Lỗ Đình (魯亭) là một quan đại thần triều Nguyễn.
Tiểu sử
            Thân Văn Nhiếp sinh ngày 28 tháng 9 năm Giáp Tí (1804) tại kinh đô Huế. Cụ thân sinh ra ông là Thân Văn Quyền được tiếng là học giỏi, nhưng vì thế cuộc tao loạn hồi Tây Sơn nên không theo nghiệp lều chõng mà chỉ ở nhà hành nghề gõ đầu trẻ. Mãi đến năm 53 tuổi, tức niên hiệu Minh Mệnh thứ 4, cụ mới được người quen tiến cử ra làm quan, nhưng hoạn lộ cũng thăng giáng bao phen vì bản tính thật thà cương trực, bênh lẽ phải đến nơi đến chốn. Niên hiệu Minh Mệnh thứ 15, cụ đứng ra can vua hãy giảm tội cho tiến sĩ Nguyễn Trữ bấy giờ làm quan Án sát Hưng Yên, viện lẽ chiếu cố kẻ hiền tài, vua cả giận sai truyền đưa cụ đi xử trảm ngang lưng. Thời may vua kịp trấn tĩnh lại, mới cho thị vệ đem Hỏa bài rượt ngựa theo đến An Hòa môn đòi hoãn lệnh thi hành án.
            Đến Thân Văn Nhiếp được cha rèn cặp nghiêm khắc từ nhỏ, 4 lần thi thì đậu tú tài cả 4 nhưng mãi đến khoa Tân Sửu (1841) mới trúng hương tiến. Vì thế, phải chờ đến khi 40 tuổi ông mới được bổ dụng làm quan. Thân Văn Nhiếp lần lượt được bổ nhiệm tại các tỉnh Khánh Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bình Định... hiếm khi lắm ông mới được triệu về kinh, từ Hành tẩu Bí thư sở, cho đến Tham biện Lễ bộ, Lại bộ, Binh bộ...
           Từ những năm Tự Đức trở đi, thế cuộc ngày càng nhiễu nhương. Tháng 11 năm 1856, từ chức vụ Biện lý Binh bộ, triều đình cử Thân Văn Nhiếp làm Bố chánh Quảng Nam. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải giải quyết nạn đói, phủ dụ dân chúng để kịp đối phó các cuộc gây hấn của người Pháp. Sau gần 2 năm khó nhọc, cuộc sống ở Quảng Nam dần yên ổn.
           Tháng 4 năm 1861, triều đình lại cử Thân Văn Nhiếp làm Hiệp tán Quân thứ ở Biên Hòa. Ông rắp tâm thực hiện ý đồ chủ động cản bước tiến của quân Pháp. Thân Văn Nhiếp đem quân sĩ giấu mình trong núi Long Ân để chặn đường bộ nhằm không cho người Pháp đến được chân thành Biên Hòa. Ông lựa thế đánh gấp để thu hồi các vùng Bình An, Thủ Dầu Một, việc này càng khiến đối phương khó băng qua đất Đồng Bản để tiến về Biên Hòa. Phải đến ngày 17 tháng 11 cùng năm, quân Pháp dùng các loại chiến đĩnh để vượt khúc sông Phúc Giang thì thành Biên Hòa mới thất thủ. Bấy giờ Thân Văn Nhiếp bèn giao lại binh quyền cho Phó đề đốc Lê Quang Tiếng rồi cải trang vượt rừng ngót ba ngày để tới núi Nữ Tang. Ông cùng mấy người hào nghĩa xuống thuyền qua cửa Cần Giờ đến huyện Phúc Lộc (Gia Định), tại đây ông cùng quan Tuần vũ Đỗ Quang trù nghị, mộ nghĩa binh hơn 100 người, binh cơ được 3 vạn, khuyến quyên hơn 30 vạn quan, ngũ sự bằng đồng hơn 100 bộ. Nghĩa quân lấy cột nhà đốt than mà đúc thêm súng, lại đốc thúc thổ hào Bùi Quang Diệu, tùy thế phòng tiện để chờ viện binh.
            Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế bất đắc dĩ phải cắt nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông cho phía Pháp. Lúc này, Thân Văn Nhiếp tự thấy tình thế vô phương nên từ bỏ ý định kháng cự quân Pháp bằng võ lực, ông đành trở về đất Vĩnh Long để đợi mệnh triều đình. Ông sống bình lặng trong những năm còn lại.
Gia thế
            Cứ theo Đại Nam thực lục quyển IV và thế phổ họ Thân, ông Thân Văn Nhiếp có ít nhất 3 người con trai, lần lượt là Trọng Trữ, Trọng Huề, Trọng Thuận đều được triều đình ưu ái cho làm quan. Các hậu duệ của họ dần tạo nên một vọng tộc ở đất thần kinh, hầu hết nhờ truyền thống siêng học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét