12/3/17

Mộ Trần Văn Kỷ

              Địa điểm: Làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
              Trần Văn Kỷ là một danh sỹ kiệt xuất triều đại Tây Sơn. Năm 1777, Trần Văn Kỷ đỗ giải nguyên. Năm 1786, Trần Văn Kỷ được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho mời để hỏi về kế trị loạn. Khâm phục tài năng của ông, sau khi từ Quy Nhơn về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã phong cho ông làm Trung Thư phụng chính (người dự thảo chính lệnh cho vua), nắm toàn bộ trung thư cơ mật, tham mưu cho Nguyễn Huệ và được phong tước Hầu.
              Trần Văn Kỷ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại bộ máy cai trị ở Đàng ngoài, tiến cử một số nhân sỹ nổi tiếng vào bộ máy nhà nước như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn…, đứng ra tổ chức hội kiến giữa vua Quang Trung và Nguyễn Thiếp một danh sỹ đất Nghệ An. Dưới triều Quang Trung, ông có nhiều công lao giúp Quang Trung trị vì đất nước.
              Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng thế, Trần Văn Kỷ về quê, đổi tên cải dạng nuôi chí phục thù. Bị phát giác, ông phải vào Kinh đô Phú Xuân, trên đường vào đến ngã ba Sình ông hô to “Trung thần bất sự nhị quân” rồi nhảy xuống sông trầm mình tự vận để giữ tròn khí tiết, ông mất ngày 24/12/1801 (19 tháng 11 năm Tân Dậu).

Phần mộ Trần Văn Kỷ tại quê nhà.

              Phần mộ Trần Văn Kỷ nằm trên một mô đất cao có diện tích 11m2. Mộ nguyên trước đây đắp đất hình tròn, đường kính 1m, chính mộ quay về hướng Đông, trước mộ có tấm bia xi măng cao 70cm do cháu nội Trần Văn Kỷ lập năm 1958.
             Năm 1995, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã trùng tu lại ngôi mộ. Nấm mộ tròn được giữ nguyên, phía trên nấm rắc sỏi, xung quanh xây đường tròn để bảo vệ mộ, bao quanh mộ là một lớp bê tông hình chữ nhật có đường gờ bốn bên.
             Di tích lăng mộ Trần Văn Kỷ đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 534 QĐ/BT ngày 11/5/1993.

Ngôi mộ đang bị xuống cấp trầm trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét