12/3/17

Lê Nhữ Lâm

            Với chức vụ Tổng tài Quốc sử quán, Lê Nhữ Lâm đã trực tiếp tham gia tổ chức và điều khiển việc biên soạn các phần tiếp nối phần Đệ lục kỷ Đại Nam thực lục. Ông đã trở thành người thầy cuối cùng dạy vua và cũng là người Tổng tài cuối cùng của Quốc sử quan triều Nguyễn.
             Lê Nhữ Lâm, sinh năm 1881, là con của Án sát Bình Thuận Lê Trí, người xã Vân Trình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, cùng quê với Trần Văn Kỷ, quan Trung thư lệnh của Hoàng đế Quang Trung ở Thuận Hóa hồi cuối thế kỷ XVIII. Ông được theo học Trường Quốc tử giám 11 năm (1895 -1906).
            Năm 1906 (Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18), ông đi thi Hương và đậu cử nhân, xếp vị trí thứ 5 trên 35 người thi đỗ và làm quan dưới thời vua Duy Tân với chức Hành tẩu ở Bộ Hộ và Văn phòng Nội các.
             Cựu hoàng Bảo Đại có tên húy là Vĩnh Thụy, ra đời ngày 22-10-1913, tại Tiềm để (cung An Định hiện nay). Ba năm sau, phụ thân ông là Phụng Hóa Công lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Khải Định và Vĩnh Thụy trở thành hoàng tử. Năm 1918, Vĩnh Thụy lên 6 tuổi, vua Khải Định quyết định chọn thầy dạy cho hoàng tử.
               Để việc này được cẩn trọng, chu đáo, nhà vua triệu tập 4 vị quan có phẩm hạnh và có học vấn uyên thâm vào cung để chọn thầy giáo dạy cho hoàng tử Vĩnh Thụy. Các quan khăn đen, áo dài trịnh trọng ngồi thẳng hàng chờ ý kiến của nhà vua. Khải Định cho Vĩnh Thụy ra trình diện các quan. Vĩnh Thụy nhìn từng người, khi ánh mắt "chạm" vào Lê Nhữ Lâm, Hành tẩu ở Văn phòng Nội các, bèn cúi đầu tỏ vẻ sợ hãi. Việc này cũng là do Lê Nhữ Lâm có tướng mạo khác người, miệng hơi méo, hai mắt không bằng nhau, là người xấu trai nhất so với ba vị quan kia.
               Thế nhưng, vua Khải Định vẫn quyết định chọn ông làm giáo đạo cho hoàng tử Vĩnh Thụy. Lý do, ông Lê Nhữ Lâm có tướng mạo gây được sự kính nể của hoàng tử Vĩnh Thụy. Hơn nữa, trong thời gian làm quan, Lê Nhữ Lâm tỏ ra là một người có văn tài và phẩm hạnh tốt, được mọi người nể phục.
               Năm 1922, Vĩnh Thụy được phong hoàng thái tử, rồi vua Khải Định băng hà đầu năm 1926, Vĩnh Thụy lên ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại. Lúc này, ông Lê Nhữ Lâm vẫn tiếp tục làm thầy dạy vua cho đến tận ngày Bảo Đại bắt đầu chấp chính (1932).
               Dạy Vĩnh Thụy được bốn năm ở trong nước thì được phụ thân cho sang Pháp học và ông Lê Nhữ Lâm cũng phải khăn gói theo học trò sang Tây. Trong thời gian ở Pháp mười năm (1922-1932), ông vừa dạy phần Nho học cho Vĩnh Thụy (từ năm 1926 là vua Bảo Đại) vừa học thêm tiếng Pháp và văn minh văn hóa Pháp.
               Năm 1932, Bảo Đại hồi loan, bắt đầu nắm quyền. Một trong những việc đầu tiên của ông vua Tây học này là cho "về vườn" 5 vị Thượng thư xuất thân Nho học gồm Nguyễn Hữu Bài (Bộ Lại), Tôn Thất Đàn (Bộ Hình), Phạm Liệu (Bộ Binh), Võ Liêm (Bộ Lễ), Vương Tứ Đại (Bộ Công). Ông Lê Nhữ Lâm cũng xuất thân Nho học đã hoàn tất việc làm giáo đạo và giảng tập cho vua, đáng lẽ cũng phải ra đi.
                Nhưng không, với mười năm tự học thêm ở Pháp, ông Lê Nhữ Lâm đã tự trang bị cho mình một cái vốn tân học đáng kể. Ông được người học trò hoàng đế của mình cử giữ chức Tổng tài Quốc sử quán kiêm nhiệm Giám đốc Thư viện Bảo Đại (một nơi tàng trữ nhiều sách vở viết bằng chữ Hán và chữ Pháp) từ năm 1933 đến 1939. Với chức vụ Tổng tài Quốc sử quán, ông Lê Nhữ Lâm đã tham gia tổ chức và điều khiển việc biên soạn các phần tiếp nối của Đệ lục kỷ Đại Nam thực lục.
                 Như vậy, Lê Nhữ Lâm là người thầy cuối cùng dạy vua và cũng là người Tổng tài cuối cùng của Quốc sử quan triều Nguyễn. Năm 1940, ông về hưu với hàm Hiệp tá đại học sĩ, trở lại quê nhà Vân Trình sống với gia đình, đến năm 1963 mới qua đời. Trong thời gian Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, ông đã vận động con cháu và người làng tham gia cách mạng rất đông...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét